Ngày càng có nhiều người Trung Quốc mắc chứng sợ trẻ con

Skye, Theo Thời Đại 20:00 23/05/2017

"Kidphobia" - thuật ngữ dùng để chỉ chứng sợ trẻ em đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, đây có thể là "tác dụng phụ" của chính sách một con đã có từ rất lâu tại quốc gia này.

Gần đây, trong một đoạn video được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, người ta xôn xao với câu chuyện nữ sinh viên đại học đá một cậu bé 4 tuổi vì làm ồn, khóc lóc trong một nhà hàng lẩu

Thường với những vụ lùm xùm như vậy, các netizens lại chờ xem một cuộc tranh cãi nổ ra: bà mẹ lên tiếng, nhân viên nhà hàng chia sẻ, người trong cuộc trần tình... Quả nhiên như vậy, sau đó người mẹ đã xuất hiện trên truyền hình và quở trách nữ sinh viên tấn công con mình.

Tuy nhiên lần này, vụ việc diễn ra theo một chiều hướng hơi khác chút: nữ sinh viên kia được nhiều người tán dương, khen ngợi. Nhiều người còn nói rằng, cô ấy đã làm việc mà trước giờ họ không dám làm, dù nó là hành vi có hơi bạo lực. Đám đông đó có cái lý của riêng họ: những đứa trẻ không biết cư xử cần phải được dạy dỗ, nếu cha mẹ không biết bảo ban con mình. 

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc mắc chứng sợ trẻ con - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều người trẻ không muốn có con tại Trung Quốc.

Thế hệ thanh niên ghét trẻ nhỏ

Yang Ming, một người cha 30 tuổi cho biết sau khi xem xong đoạn video ấy, anh không thể giữ nổi bình tĩnh:

"Là một người cha, nếu bạn muốn tôi xin lỗi hay dạy dỗ lại con thì đó là điều hợp lý và tôi có thể làm được. Tuy nhiên, nếu một người lớn đánh con tôi, tôi sẽ đánh lại dù hậu quả như nào", Yang chia sẻ.

Khi được hỏi về những người trẻ có suy nghĩ bênh vực cô gái kia, anh cho rằng họ là những kẻ "không có tâm".

Lin Yun (bút danh) cho biết có rất nhiều lý do tại sao nhiều người lại ghét trẻ em đến vậy. Nhìn thấy những đứa trẻ cư xử kém, cô thề rằng mình sẽ không bao giờ có con. Một lần, Lin nhìn thấy đám trẻ nghịch cho pháo hoa vào đống phân bò, khi pháo hoa phát nổ, phân bò bắn tung tóe khắp nơi cả vào người xung quanh.

"Cái hình ảnh đám trẻ nghịch ngợm đó cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi", cô chia sẻ. "Khi nhớ lại cái ngày ấy, mùi hôi thối của phân vẫn còn đâu đó trong đầu mình".

Đây không phải câu chuyện của 1, 2 người mà rất nhiều thanh niên Trung Quốc đang quay ra ghét trẻ con. Trên các diễn đàn và trang mạng xã hội Trung Quốc, những chủ đề như làm sao để đối phó với đám con nít hàng xóm, đặc biệt trong dịp Tết, luôn rất sôi nổi. Thông thường, các câu chuyện thường gặp của họ là việc lũ trẻ vào phòng nghịch sách, lấy đồ chơi ra một cách tự tiện hay làm hỏng đồ đạc của các khổ chủ.

Và mỗi lần như vậy, người ta lại nghĩ ra rất nhiều cách để đối phó với đám trẻ khó chịu ấy, thậm chí nhiều người còn nghĩ ra các phương pháp khá tiêu cực. Thậm chí, nếu tìm kiếm trên internet, bạn còn có thể thấy các website như douban.com, nơi dành cho những người không muốn có con hay ghét trẻ nhỏ.

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc mắc chứng sợ trẻ con - Ảnh 2.

Lũ trẻ cư xử kém là một nguyên nhân khiến nhiều người trẻ không muốn có con.

"Tôi thề tôi sẽ không bao giờ có con", "tôi ghét trẻ con"... đó là những phần giới thiệu của các thành viên trên website đó. Mỗi diễn đàn như vậy có tới hàng nghìn thành viên.

"Vì cha mẹ luôn khiến tôi cảm thấy tôi là gánh nặng cho họ, tôi nghĩ rằng có con cũng sẽ là gánh nặng cho tôi... Tôi không nghĩ rằng mình có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời ai đó", một người trẻ chia sẻ.

"Tôi sẽ không cho phép bản thân nuôi con trẻ theo cách tệ hại như nhiều bậc phụ huynh xung quanh mình. Nhiều khi tôi thấy chăm sóc bản thân thôi đã khó, chưa nói tới việc phải có thêm một trách nhiệm khó khăn như vậy", một người khác giãi bày. 

Ai là người đáng chê trách?

Trong một bài báo được xuất bản gần đây trên trang Huxiu, tác giả Botongli cho biết "chứng sợ trẻ em" là "tác dụng phụ" của chính sách 1 con tại Trung Quốc.

"35 năm với chính sách kế hoạch hóa gia đình đã khiến ít nhất 2-3 thế hệ người Trung Quốc không có cơ hội được gần gũi, dạy dỗ con mình nhiều hơn. Nếu bạn ghé qua các diễn đàn chăm sóc trẻ nhỏ hoặc cộng đồng mạng, bạn sẽ biết được người Trung Quốc thiếu kiến thức về nuôi dạy trẻ như thế nào", Botongli cho biết ngoài việc thiếu kiến thức, nhiều người trẻ Trung Quốc cũng không có mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ. Họ bị đánh khi cư xử không đúng và bị khống chế rất nhiều cái trong khuôn khổ của ba mẹ. Chính vì vậy, nhiều người có suy nghĩ rằng khi lũ trẻ cư xử như trẻ em thật sự; nô đùa, chạy nhảy; những hành vi đó chứng tỏ chúng rất nghịch ngợm, không biết nghe lời. 

Sun Ting, 27 tuổi là con một tại Trung Quốc. Cô chưa bao giờ có thời gian chăm sóc trẻ con vì ba mẹ không đẻ thêm. Tuy nhiên, đó không phải lý do cô ghét trẻ em xung quanh.

"Tôi không ghét trẻ em, tôi ghét những kẻ ngu dốt", cô chia sẻ.

Sun Ting cho rằng nhiều bậc phụ huynh không biết cách giáo dục con cái sao cho phù hợp hoặc đơn giản là họ chẳng bận tâm. Cô nhớ một lần khi đang đi tàu thì thấy cả một gia đình ngồi cởi giày và tất ngay giữa đám đông. Họ cọ chân vào nhau rồi cười phá lên trong khoang hành khách.

"Tôi đã không dám ăn gì ngày hôm đó", Sun Ting nhớ lại. 

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc mắc chứng sợ trẻ con - Ảnh 3.

Nhiều người cho rằng, việc trẻ con không biết cách cư xử là do trách nhiệm của ba mẹ.

"Cha mẹ nên là hình mẫu cho con cái học tập. Tuy nhiên thỉnh thoảng, tôi thấy họ như một hình mẫu xấu cho con cái noi theo. Thứ làm tôi bực mình nhất là khi lũ trẻ làm phiền người khác, họ chỉ nói người khác thông cảm cho con họ vì chúng còn quá nhỏ". 

2 thập kỷ trước, khi làn sóng di cư còn hạn chế, người ta ít khi rời khỏi nơi mình sinh ra và lớn lên. Thông thường, họ chỉ tiếp xúc với những người đã biết. Với một cộng đồng khăng khít như vậy, người ta không cảm thấy cần tuân thủ theo các quy tắc hành xử xã hội. Tại thị trấn nhỏ nơi gia đình Sun sinh sống, cha mẹ cô biết hết các gia đình sống ở đây.

"Dù đôi khi mẹ tôi thấy lũ trẻ quá sức ồn ào, bà cũng không thể nói cho ba mẹ chúng được".

Nhiều người so sánh trẻ con Trung Quốc với trẻ con Nhật Bản và cho rằng, những người trẻ tại Nhật Bản biết cách cư xử tại nơi công cộng hơn. Các bậc phụ huynh Nhật cũng cảm thấy xấu hổ nếu con cái họ cư xử kém ở chỗ đông người.

Không có con: câu chuyện không có lối thoát?

Sun cho biết sau khi gặp quá nhiều đứa trẻ hư, cô không bao giờ muốn có con nữa. Thời của mẹ cô, có nhiều các công sở nhận trông con miễn phí cho nhân viên.

"Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đã không còn; điều này khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó hơn", Sun chia sẻ.

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc mắc chứng sợ trẻ con - Ảnh 4.

Nhiều người dù không muốn có con nhưng vẫn bị gia đình ép buộc.

"Nhưng thực tế, vấn đề lớn nhất là ở trong xã hội này, người ta vẫn áp đặt rằng phụ nữ cần yêu thương trẻ con và nếu bạn không như vậy, người ta sẽ cho rằng bạn là con quỷ máu lạnh".

"Theo truyền thống, việc có con nối dõi là một điều bắt buộc. Dù tôi không muốn, tôi cũng phải làm điều đó", Sun chia sẻ. Cô đã chia sẻ với cha mẹ về việc không muốn có con và có thể sống với ai đó. Tại Trung Quốc, kiểu mẫu gia đình DINK (double income with no kids - gia đình 2 nguồn thu mà không có con) đang ngày càng phổ biến.

"Nhiều bạn tôi cho biết rằng họ không thích trẻ con nhưng vì áp lực xã hội nên vẫn phải kết hôn và có con. Nhiều người còn đang cân nhắc tới đứa thứ hai", Sun ngậm ngùi chia sẻ.