Nếu ví thế giới văn chương là bàn tiệc, thì ngôn tình chỉ là món mì gói mà thôi!

Nhým & AGreen, Theo Trí Thức Trẻ 11:16 29/07/2016

Mì gói đáp ứng hoàn hảo tiêu chí nhanh, rẻ, no, nhưng bổ thì chưa chắc, và cũng chẳng thể ăn được nhiều - ngôn tình cũng vậy đấy.

(Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả)

Ngày nay, khi bước chân vào bất kỳ nhà sách hay hội chợ sách nào, người ta đều thấy bày la liệt những cuốn tiểu thuyết ngôn tình ở vị trí dễ tiếp cận nhất với lượng khách mua cũng... trẻ nhất và đông nhất.

Để mà nói thì ngôn tình chẳng còn quá xa lạ với chúng ta, khi mà một mét vuông đất thì có đến chín người đọc ngôn tình, mê ngôn tình. Những cuộc tranh cãi về thể loại truyện này chưa bao giờ hết nóng. Phe nào cũng có cái lý của mình.

Khách quan thì ngôn tình có những tác phẩm rất hay, xây dựng hình tượng nhân vật độc lạ, tình tiết, đối thoại dễ đi vào lòng người. Nhưng chắc chắn phải khẳng định 1 điều, chúng ta không nên đọc nhiều thể loại này vì nó làm người ta say mê, mộng mị và dần rời xa thực tế. Những người có cuộc sống không như ý muốn, chưa có định hình về tương lai thường là những đối tượng dễ đắm chìm vào ngôn tình nhất.

Xin được trích 1 bình luận đánh giá gần như đúng đắn nhất vị trí chính xác của ngôn tình trong thế giới sách: 

"Nếu nói thế giới sách là một bàn tiệc thì ngôn tình chỉ là món mì gói mà thôi. Mì gói dễ ăn, nhanh gọn và bình dân, nó có thể thỏa mãn nhu cầu tức thì của bạn nhưng về lâu dài dùng nhiều thì nó không tốt cho thể chất và tinh thần."

Nếu ví thế giới văn chương là bàn tiệc, thì ngôn tình chỉ là món mì gói mà thôi! - Ảnh 1.

Và không phải vô duyên vô cớ mà truyện ngôn tình phải mang cái biệt danh không mấy thiện cảm: Tiểu thuyết ba xu.

Tôi cũng đã từng đọc một cuốn ngôn tình, có tựa Bên em trọn đời của tác giả Cố Mạn. Dù sau đó tôi có tìm đọc thêm một vài cuốn khác, nhưng chỉ được vài trang đầu rồi thôi vì không thể tiếp tục "cảm" nổi, vì tôi bắt đầu thấy sạn trong đó. Nội dung tương tự, na ná nhau, thậm chí đến hình tượng, tính cách nhân vật cũng không có gì quá khác biệt. Chẳng khác nào "rượu cũ bình mới", chỉ thay mỗi tên truyện còn cái cốt lõi vẫn y nguyên như vậy.

Các nhân vật luôn được tô vẽ quá mức đẹp đẽ, quá mức hoàn hảo, cảm giác không có thật. Các tình tiết cũng rất thơ mộng, lãng mạn nhưng khó xảy ra trong đời thực. Hẳn vì thế mà ngôn tình dần trở thành tính từ để miêu tả những cái đẹp quá diễm lệ, gần như không tưởng và khiến người ta tâm đắc. "Tình yêu của hai đứa nó như ngôn tình.", "Anh ấy tỏ tình với chị ấy lãng mạn chẳng khác gì ngôn tình."…

Nếu ví thế giới văn chương là bàn tiệc, thì ngôn tình chỉ là món mì gói mà thôi! - Ảnh 2.

Điều gì sẽ đọng lại sau mỗi bộ tiểu thuyết ngôn tình?

Các triết lý trong truyện ngôn tình cũng được fan của thể loại này áp dụng triệt để vào cuộc sống thực, coi nó là châm ngôn, là kim chỉ nam của cuộc đời mình. 

"Tình là mê luyến, nếu gặp được chân tình thì sẽ là thiên đường.Tình là bi ai, nếu không gặp đúng người thì đau đến xương tủy." (Lục Xu) hay "Cô đơn quá lâu, con người sẽ sinh ra tâm lý kỳ lạ, luôn luôn sinh ra cảm giác thân thiết với người tỏ ra lo lắng cho mình." (Phong Tử Tam Tam). 

Tại sao phải áp đặt suy nghĩ của người khác lên bản thân mình. Bạn gọi đó là đồng cảm, đúng vậy, nhưng cảm xúc thay đổi từng giây từng phút, bạn không thể coi những câu nói ấy là triết lý, là châm ngôn sống của mình được.

Nếu ví thế giới văn chương là bàn tiệc, thì ngôn tình chỉ là món mì gói mà thôi! - Ảnh 3.

Các bài học hay chiêm nghiệm cuộc sống các bạn được rút ra từ ngôn tình hầu hết chỉ xoay quanh tình yêu đôi lứa, sự chen chân hằn học của người thứ 3… Những thứ đó quá ít ỏi so với việc thu lượm được từ những cuốn sách khác. Ví ngay như với truyện tranh thôi, thì những bộ manga Doraemon, Nhóc Maruko, Naruto... đã ẩn chứa biết bao nhiêu bài học về tình bạn, tình gia đình, tình thầy trò trong đó.

Hoặc giả, nếu so sánh ngôn tình với các tác phẩm kinh điển thì có phần kệch cỡm quá. Trăm năm sau người ta sẽ vẫn đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Đồi gió hú, Không gia đình… nhưng chắc chắn người ta chẳng còn nhớ Sam Sam đến đây ăn nào hay Động phòng hoa chúc sát vách… 

Nếu ví thế giới văn chương là bàn tiệc, thì ngôn tình chỉ là món mì gói mà thôi! - Ảnh 4.

Ngôn tình không xấu. Đúng! Nó không xấu nhưng không phải nó phù hợp với mọi độ tuổi. Nó nên thuộc nhóm truyện dành cho độ tuổi 20+, thậm chí có những bộ phải thuộc nhóm 25+. Vì sao ư? Hãy thử mở một trang của Dụ tình - Bộ tiểu thuyết được xuất bản bởi NXB Lao Động, ngay cả những người lớn tuổi cũng phải đỏ mặt khi đọc nó bởi những yếu tố cổ xúy ngoại tình và hiếp dâm.

Đây là một trích đoạn trong Dụ tình:

"... Thương Nghiêu bá đạo triền miên ôm lấy cô, cánh tay mạnh mẽ thu lại, gắt gao kèm chặt Lạc Tranh, "Tranh của tôi, không ngờ cặp tuyết lê của em thật quyến rũ!". "Anh... im miệng!", Lạc Tranh không muốn nghe những lời xấu xa tục tĩu của Thương Nghiêu nhưng lại bị đè nghiến xuống. "Là do bị đàn ông chơi đùa nên mới như thế sao? Đúng là một thân hình yêu tinh mê người...".

Và phần còn lại, chính là từ những cô gái trẻ ham mê ngôn tình, đừng ra sức cãi lại ngôn tình không xấu, mà các bạn cần chứng minh cho người khác biết, thật ra ngôn tình cũng có nhiều đầu truyện hay và ý nghĩa. Việc các bạn lên án những người đánh giá ngôn tình là tiểu thuyết ba xu đang khiến những đánh giá về nó càng đúng hơn, à thì ra ngôn tình chẳng dạy được bọn trẻ cái gì, nó chỉ khiến chúng ảo tưởng, mơ mộng, sống phi thực tế và sẵn sàng phủ nhận tất cả những ai không có cùng sở thích với chúng mà thôi.

Nếu ví thế giới văn chương là bàn tiệc, thì ngôn tình chỉ là món mì gói mà thôi! - Ảnh 5.

Các cuốn truyện ngôn tình bán chạy như tôm tươi, luôn trong tình trạng cháy hàng, nhưng điều đó chỉ có nghĩa là nó thành công về mặt xuất bản, còn các giá trị văn học, giá trị sống thì chưa chắc. Hãy một lần buông xuống cuốn truyện diễm tình đầy màu hồng đó, để cho bản thân có cơ hội tiếp cận với nhiều thể loại văn chương hơn. Đôi lúc cũng chỉ là giải trí thôi, nhưng những điều đọng lại sau đó, thực sự không phí hoài.