Nemanja Vidic, chàng chiến binh được chiến tranh trui rèn

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 14:58 21/04/2017

Thống trị trên bầu trời và là một chiến binh dưới mặt đất, Nemanja Vidic gợi cho chúng ta hình dung về một chiến binh đích thực - người luôn chiến đấu với tinh thần: Những vết sẹo trên cơ thể chỉ chứng minh tôi đã chiến đấu hết mình chứ không có nghĩa là tôi là người yếu ớt.

"Những cú đánh đầu búa tạ. Những quả tắc bóng quyết định. Hai lỗ mũi đổ máu", khi được phóng viên tờ Daily Mail yêu cầu hãy dùng 3 khái niệm để miêu tả bản thân, chính Vidic đã tự vẽ ra bức chân dung của mình bằng câu nói trên.

"Tôi thà lao đầu vào tầu hỏa còn hơn lao vào Vidic", Mario Balotelli từng nói. "Chỉ cần một lần nhìn thấy Vidic tôi đã biết gã to con Serbia này có thể xé xác đối thủ ra từng mảnh", đến lượt Sir Alex miêu tả về cậu học trò cũ.

Nemanja Vidic, chàng chiến binh được chiến tranh trui rèn - Ảnh 1.

Nemanja Vidic đổ máu sau tình huống va chạm với Rickie Lambert năm 2014.

Vidic trải qua một tuổi thơ bão tố, nhưng mô típ không giống như những ngôi sao Nam Mỹ phải vật vờ trên đường phố, trộm cắp cướp giật hay tìm cách sinh tồn giữa những tên tội phạm. Bão tố ở đây mang nghĩa đen hoàn toàn. Cựu huyền thoại của Man United lớn lên trong chiến tranh.

Khi đó, vùng quê nơi Vidic sinh ra và lớn lên chính là mục tiêu trọng điểm tàn phá của quân địch. Vidic kể rằng, gia đình anh từng trải qua 3 tháng ròng rã phải trốn khắp nơi, vì nhà anh chỉ cách nơi quân địch thả bom đúng 200 mét. Khu vực nó vốn là đầu não liên lạc của cả vùng và để cắt đứt phương tiện liên lạc, quân địch đã thả không biết bao nhiêu quả bom xuống nơi Vidic và gia đình anh sinh sống.

Năm 6 tuổi, Vidic bắt đầu chơi bóng, nhưng đó là những trận bóng diễn ra trong ranh giới giữa sự sống và cái chết. Những trận đấu của Vidic thường bị gián đoạn từ vài chục phút tới vài chục tiếng đồng hồ vì những trận càn bằng bom.

Đã từng trải qua chiến tranh, có lẽ vì thế mà nhìn gương mặt của Vidic thôi đã thấy sự cứng cỏi, lỳ lợm, dù con người thật của anh lại hoàn toàn vui vẻ, hòa đồng, thậm chí có phần xuề xòa.

Vidic bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp trong màu áo Red Star Belgrade năm 2000. 4 năm sau, anh sang Nga đầu quân Spartak Moscow. Vào thời điểm đó, thế giới vẫn chưa biết Vidic là ai. 

Chàng hậu vệ cao 1m90 này nhanh chóng để lại ấn tượng trong mắt các nhà tuyển trạch bằng khả năng chơi bóng bằng đầu - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trông Vidic có vẻ vụng về, chậm chạp, nhưng để lấy được quả bóng trong chân anh tuyệt đối không phải chuyện đơn giản.

Nemanja Vidic, chàng chiến binh được chiến tranh trui rèn - Ảnh 3.

Vidic trong màu áo Red Star Belgrade.

Năm 2005, Liverpool tiếp cận Vidic và chàng hậu vệ người Serbia thực tế đã gật đầu gia nhập sân Anfield. Nhưng tiếng Anh của Vidic quá tệ, khiến việc đàm phán giữa anh và Liverpool gặp nhiều trục trặc. 

Thế rồi bỗng một ngày, điện thoại nhà anh vang lên. Đầu dây bên kia là Sir Alex Ferguson. Ông kiên nhẫn nói với Vidic những câu tiếng Anh đơn giản như: "Tôi đã xem cậu thi đấu. Cậu rất tuyệt. Hãy gia nhập Man Utd."

Đối với một người như Vidic, tấm lòng và sự trân trọng là tất cả. Anh gật đầu trở thành một Quỷ đỏ, bắt đầu những năm tháng huy hoàng nhất sự nghiệp.

Năm 2008/09, Vidic thể hiện phong độ tuyệt vời, góp công rất lớn vào chuỗi 14 trận sạch lưới liên tiếp của Man Utd. Kết thúc mùa bóng, anh được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất mùa. Đến mùa 2010/11, Vidic tiếp tục nhận danh hiệu xuất sắc nhất mùa và trở thành huyền thoại nhờ vào vinh quang này. 

Trước Vidic mới có đúng 2 cầu thủ 2 lần được BTC Premier League vinh danh (Thierry Henry và Cristiano Ronaldo). Vidic là người thứ 3 và là hậu vệ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh làm được điều này.

Nemanja Vidic, chàng chiến binh được chiến tranh trui rèn - Ảnh 4.

Vidic nâng cao chiếc Cúp vô địch Ngoại hạng Anh năm 2014.

Cuộc sống ngoài sân cỏ của Vidic không giống như những ngôi sao giàu có và lắm chiêu trò khác. Sau khi rũ bỏ bộ quần áo tập hoặc thi đấu, Vidic đi thẳng về nhà và hiếm khi ra ngoài. Niềm vui của anh là gia đình và những đứa con. Nhưng trên sân cỏ, Vidic như trở thành một người khác: Điên hơn, máu hơn, dữ dằn hơn rất nhiều.

Ngày 6/5/2014, Vidic chơi trận cuối cùng cho Man Utd. Đó là trận đấu mà đám đông đã 3 lần đứng lên reo vang tên Vidic: Lần đầu khi anh nhận món quà kỷ niệm từ tay Sir Bobby Charlton, lần 2 là khi Vidic vào sân thay Phil Jones và lần cuối cùng đám đông CĐV Man Utd được hét vang tên người chiến binh ấy là khi anh có pha chạm bóng đầu tiên trong trận.

Vidic sẽ mãi mãi là một phần lịch sử của Quỷ đỏ, nơi anh đã gắn bó 8 năm đẹp nhất sự nghiệp của mình.