Nasa công bố số liệu khủng khiếp nhất từ trước đến nay: 1.284 hành tinh mới được tìm ra

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 10/05/2016

Và trong những hành tinh này, có khoảng 9 hành tinh mới phát hiện có tiềm năng duy trì sự sống.

Theo thông tin chính thức thì vào 0h ngày 11/5/2016, NASA sẽ tổ chức họp báo về phát hiện mới nhất từ thiên văn vũ trụ Kepler, về sứ mệnh đi tìm các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời (Exoplanet) trong vũ trụ này.

Nasa công bố số liệu khủng khiếp nhất từ trước đến nay: 1.284 hành tinh mới được tìm ra - Ảnh 1.

 Kính thiên văn vũ trụ Kepler

Và kết quả là...

Kính thiên văn vũ trụ Kepler vừa kết thúc sứ mệnh truy tìm hành tinh ngoài hệ Mặt trời - Exoplanet - bằng việc tìm ra 1.284 hành tinh như vậy. 

Trong đó, 9 hành tinh được cho là có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống. Đây là số hành tinh được công bố lớn nhất từ trước đến nay, và nó nhiều gấp đôi tổng số exoplanet đã được xác nhận trong vũ trụ. 

Toàn bộ số liệu đến từ một phương pháp mới, cho phép các nhà khoa học xác định được đâu mới là hành tinh thực sự, và đâu là "hàng giả". 

Nasa công bố số liệu khủng khiếp nhất từ trước đến nay: 1.284 hành tinh mới được tìm ra - Ảnh 2.

 Tỉ lệ của những hành tinh mới phát hiện (newly validated) lớn gần gấp 2 lần những hành tinh được Kepler xác định trước kia (previous validated planet). Có tới 1.327 tinh cầu khác cần được nghiên cứu kỹ hơn để xác định chúng có thực sự là "hành tinh" không.

Cụ thể hơn, Kepler tìm kiếm các hành tinh bằng việc xác định ánh sáng từ những ngôi sao. Nếu ánh sáng bị bẻ cong trước khi chạm đến Kepler, tức là đang có một hành tinh đi ngang qua ngôi sao chủ của nó. 

Đó là cách truyền thống để xác định những hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta, nhưng cách này cũng dễ dẫn đến những kết quả sai. 

Vì thế, để xác nhận được đâu là một hành tinh, các nhà khoa học đã phải theo dõi từng "hành tinh tiềm năng" bằng kính viễn vọng trên Trái đất, gây hao tổn thời gian và tiền bạc. Đó cũng chính là lý do vì sao trong 7 năm Kepler đưa vào hoạt động, chỉ có 984 hành tinh được phát hiện ra. 

Nhưng với phương pháp mới này, chúng ta có thể xác định đồng loạt những hành tinh "xịn" trong vũ trụ mà không cần mất thời gian theo dõi lâu làm gì. 

Theo Timothy Morton từ ĐH Princeton: "Thử tưởng tượng các hành tinh tiềm năng giống như vụn bánh mỳ. Nếu có ít thì nhặt chúng ra rất dễ. Nhưng nếu cả xô bánh mì đổ ra, chúng ta phải cần đến một cái chổi để dọn dẹp". 

Tương tự như vậy, NASA đã tìm ra một "cái chổi khoa học" - một phương pháp xác định hành tinh một cách đồng loạt. Nó hoạt động dựa trên 2 quy ước: Xác định tín hiệu từ một hành tinh trông như thế nào, và kiểm tra xem khả năng tồn tại "hành tinh rởm". 

Khi đối chiếu các thông tin lại với nhau, các nhà khoa học sẽ đặt điểm tin cậy cho từng ứng viên. Nếu điểm tin cậy đạt 99%, thiên thể sẽ được công nhận là một hành tinh đúng nghĩa. Nhờ vậy, trong toàn bộ sứ mệnh Kepler, chúng ta đã xác định được tổng cộng 1.935 exoplanet đúng nghĩa. 

Và sau tất cả, toàn bộ những gì công bố cũng chỉ để giải đáp câu hỏi: "Con người có cô độc trong vũ trụ này"? 

Nasa công bố số liệu khủng khiếp nhất từ trước đến nay: 1.284 hành tinh mới được tìm ra - Ảnh 3.

Chúng ta xác định có ít nhất 9 hành tinh nằm trong "vùng Goldilocks" - nơi có khoảng cách với sao chủ vừa đủ để nước lỏng tồn tại.

Dựa trên những gì Kepler tìm được, chúng ta xác định có ít nhất 9 hành tinh nằm trong "vùng Goldilocks" - tức là có khoảng cách với sao chủ vừa đủ để nước lỏng tồn tại. Có nước, tức là có sự sống. 

Tất nhiên, điều này không có nghĩa toàn bộ 9 hành tinh đều có khả năng tồn tại sự sống. Chúng ta sẽ cần đến những nghiên cứu sâu hơn để xác định điều này. 

Theo Paul, mục tiêu hiện nay là xác định được ánh sáng từ những hành tinh "có thể ở được", đồng thời phân tích được khí quyển của những hành tinh này. Có một tin khá "buồn" đối với người yêu thiên văn, đó là việc Kepler sẽ chính thức khép lại sứ mệnh "săn" người ngoài hành tinh. 

NASA cho biết hiện Kepler chỉ còn đủ nguyên liệu cho 2 năm hoạt động nữa. 

Bắt đầu từ thời điểm này, những nghiên cứu sâu hơn về các hành tinh trong vũ trụ sẽ lấy dữ liệu từ TESS - Vệ tinh khảo sát hành tinh ngoài hệ Mặt trời - và Kính thiên văn vũ trụ James Webb (JWST). Bộ đôi quyền lực này có khả năng quan sát nhiều ngôi sao hơn, giúp chúng ta xác định được nhiều exoplanet hơn nữa. 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Astrophysical.

Nguồn: NASA.gov