Nắng nóng kéo dài, cẩn thận mắc bệnh nguy hiểm cho các "boss"

Anh Cương, Theo Trí Thức Trẻ 17:07 10/06/2017

Cùng tìm hiểu một số thông tin về căn bệnh nguy hiểm nhất đối với loài mèo, qua đó đề phòng hoặc có phương án xử lý đối với những boss không may mắc bệnh nhé!

Trời nóng là điều kiện lý tưởng để các loại virus, vi khuẩn độc hại sinh sôi, và các "boss" cũng không nằm ngoài quy luật ấy. 

Có những căn bệnh nếu mắc phải có thể nhanh chóng chữa trị, nhưng cũng có những trường hợp bác sĩ thú y phải toát mồ hôi. Trong số đó là bệnh FPV, còn được biết với tên gọi Bệnh giảm bạch cầu ở mèo.

FPV – căn bệnh "sát thủ" đối với mèo

Bệnh FPV có tên khoa học Feline panleukopenia Virus (FPV), hay còn gọi là bệnh Ca-rê ở mèo, là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus FPV. 

Bệnh này dễ lây lan nhanh và khiến mèo có tỉ lệ tử vong lớn, bởi virus FPV có sức đề kháng cao với các chất sát trùng, chloroform, acid... và chịu được độ nóng tới 56 độ C trong 30 phút.

Nắng nóng kéo dài, cẩn thận mắc bệnh nguy hiểm cho các boss - Ảnh 1.

Virus FPV có khả năng sinh tồn rất mạnh mẽ bên trong cơ thể mèo

FPV xâm nhập cơ thể mèo qua đường nước bọt. Chỉ 24 giờ sau, virus này sẽ xuất hiện trong máu, trong các tế bào lympho vùng amidan và ruột rồi tấn công hàng rào miễn dịch cơ thể mèo. 

Chưa dừng lại ở đó, FPV còn làm suy giảm bạch cầu trong máu và phá hủy niêm mạc ruột, khiến mèo không muốn ăn uống, từ đó trở nên gầy yếu và suy sụp.

Bắt bệnh cho mèo cưng qua những triệu chứng sau

Mèo nhiễm virus FPV sẽ có một số triệu chứng như: sốt, đột ngột bỏ ăn, ủ rũ không hoạt động, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa. 

Một số chú mèo còn bị yếu giọng hoặc thậm chí kêu không ra tiếng. Bên cạnh đó, virus FPV cũng khiến mèo bị mắt kèm nhèm, trũng, sụp mí mắt, lờ đờ, mũi miệng thâm đen và chảy dãi nhớt.

Nắng nóng kéo dài, cẩn thận mắc bệnh nguy hiểm cho các boss - Ảnh 2.

Nếu một ngày bỗng chú mèo nhà bạn bỏ ăn và ủ rũ, hãy theo dõi thật kỹ liệu có sự xuất hiện của những triệu chứng virus FPV không nhé!

Một số triệu chứng khác cũng được thể hiện ra bên ngoài như: đi loạng choạng, mất thăng bằng, run rẩy lắc lư, thậm chí co giật động kinh. Nếu mèo đang khỏe mạnh trong ăn uống hay đùa nghịch, bỗng nhiên ủ rũ nằm co ro một chỗ cũng là một dấu hiệu bạn nên chú ý.

Mèo bị nhiễm FPV rồi, làm sao bây giờ?

Sau khi thấy mèo có đầy đủ triệu chứng nhiễm virus FPV, trước tiên hãy bình tĩnh nạp cho mèo một chút oresol (hoặc các loại nước có công dụng tương tự) để bù lại số nước và điện giải cơ thể mèo đã mất sau khi nôn nhiều mà lại không ăn uống gì.

Tiếp theo, bạn cần nhanh chóng đưa mèo đến các cơ sở thú y để các bác sĩ khám và tư vấn, bởi FPV là bệnh rất khó để tự điều trị.

Nắng nóng kéo dài, cẩn thận mắc bệnh nguy hiểm cho các boss - Ảnh 3.

Dù tỉ lệ tử vong do virus FPV gây ra là rất cao, nhưng nếu có phương pháp điều trị hợp lý và nhờ sự phục hồi tốt của cơ thể mèo, khả năng sống sót của mèo cũng sẽ không nhỏ.

Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, trước khi đưa một bé mèo về nhà nuôi, bạn cần chú ý đưa mèo đi tiêm phòng đầy đủ. 

Đối với những nhà có mèo đã mắc bệnh, cần vệ sinh và tẩy trùng kỹ lưỡng khu vực mèo đã từng sinh hoạt, và chỉ nên mang mèo mới về sau ít nhất 6 tháng.

Nguồn: International Cat Care