Những sự mâu thuẫn "chẳng thể hiểu nổi" của Kpop

Insanity, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/03/2016

Bạn có biết Kpop đã toét còi vô số ca khúc vì "gợi dục"? Giờ thì thử nhìn lên các sân khấu Kpop mà xem!

Gắn bó với Kpop trong nhiều năm, hẳn không ít Kpop fan cũng đã nhận thấy ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc có không ít sự mâu thuẫn khó hiểu. Đáng nói, những sự mâu thuẫn này lại đều là những điểm đen xấu xí của cái ngành công nghiệp lúc nào cũng cố khoác lên mình vẻ ngoài sáng choang, bóng bẩy.

Cấm nội dung 19+ nhưng đầy rẫy sản phẩm khiêu khích phản cảm

Fan lâu năm từ những ngày hoàng kim của Kpop chắc chắn vẫn còn nhớ vô vàn lệnh cấm của ủy ban nọ, ủy ban kia tại Hàn Quốc nhằm bảo vệ giới trẻ khỏi những ca khúc, MV có nội dung "người lớn". Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ DBSK phải đổi cụm từ "under my skin" sang "under my sky" vì ca từ cũ bị cho là gợi dục. Số ca khúc bị toét còi vì lý do tương tự nhiều không kể xiết. Nghe đến đây có lẽ ai không biết sẽ nghĩ ngay: Kpop hẳn phải là một ngành công nghiệp rất nghiêm túc và trong sáng.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 1.

Tiêu chuẩn Kpop: Ca từ "gợi dục", phải cấm!

Nhưng không, cứ thử nhìn vào những MV và sân khấu biểu diễn của các nghệ sỹ nữ - những thứ mà giới trẻ Hàn Quốc ai ai cũng có thể tiếp xúc dễ dàng. Hầu hết trường hợp, khi một nghệ sỹ nữ hoặc một girlgroup đã tuyên bố đi theo concept sexy, Kpop fan sẽ được "tắm mắt" với những cảnh theo mô típ chung: những màn ưỡn mông ưỡn ngực theo phong cách "cố quá", những trang phục nửa kín nửa hở, những cảnh giường chiếu có phần gượng ép, những động tác vũ đạo khiêu khích.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 2.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 3.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 4.

Còn thế này là rất trong sáng, tha hồ cho biểu diễn trên truyền hình

Vậy nên chẳng trách khi nghệ sỹ nữ xứ Hàn đi theo phong cách sexy, trong phần lớn những bình luận mà họ nhận được, chúng ta thấy hai từ "phản cảm" và "rẻ tiền" thì nhiều mà "gợi cảm" thì đúng kiểu... của hiếm, nếu không nói là những ý kiến khen hầu hết đến từ các fan của nghệ sỹ đó.

Idol đẹp nhưng không có giọng: "Chỉ được cái mã"! Idol có giọng nhưng không đẹp: "Xấu mà đòi làm ca sỹ"!

Hãy thử nhìn vào phần bình luận của những bài báo về các idolgroup nhà SM như EXO hay SNSD, không khó để bắt gặp những bình luận chê bai hai "cục cưng" của SM là "bất tài, chỉ được cái mã". Giọng hát, theo như nhiều người, là yếu tố không thể thiếu của một idol. Chính vì vậy nên nhảy đẹp, làm chủ sân khấu tốt hay bất cứ khả năng gì khác, cứ không phải là giọng hát, thì idol đó sẽ được gán mác bất tài. Kpop hẳn phải là một ngành công nghiệp rất trân trọng giọng hát của các nghệ sỹ.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 5.

Kpop fan: "Bất tài, chỉ được cái mã"

Nhầm to! Lấy ví dụ là một idolgroup hàng đầu của Kpop: 2NE1. CL và Minzy, dù không sở hữu giọng hát cỡ Davichi, nhưng không ai có thể chê giọng của hai nàng. Tuy nhiên, CL và Minzy lại không "được cái mã" nên đâm ra cũng ăn gạch nhiều chẳng kém vì ngoại hình không vừa mắt Kpop fan. Khi Minzy ngày càng xinh, cô nàng có được khen không? Không, trái lại, ăn gạch tập hai vì "dám phẫu thuật thẩm mỹ" như thể việc Minzy làm gì với gương mặt của cô ấy là đang đắc tội với cư dân mạng. Điều này thật làm chúng ta phải suy ngẫm, không hiểu đấy là mặt Minzy hay mặt của... cư dân mạng?

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 6.

Kpop fan: "Xấu mà đòi làm ca sỹ"

Kết luận: Kpop fan trọng nghệ sỹ hát phải hay, mặt phải thật đẹp, mà phải là đẹp tự nhiên mới duyệt! Có mâu thuẫn không khi những người đang mạt sát các nghệ sỹ vì không đạt được những chuẩn mực về ngoại hình hầu hết là Kpop fan... Hàn?

Ủng hộ idol nam giả gái, thân mật nhưng kỳ thị nặng nề LGBT

Ngày xưa gần như idol nam nào cũng giả gái, thân mật để chiều fan, giờ "đỡ" nhiều rồi. Mặc dù vậy, Kpop có lẽ vẫn đứng nhất về kiểu fan service rất được người hâm mộ ưa chuộng này. Trong thời kỳ hoàng kim của Kpop cách đây vài năm, chuyện idol nam giả gái và cover các hit của girlgroup là cực kỳ phổ biến. Đến mức boygroup nào mà chưa giả gái thì sẽ được duyệt vào hàng "thú quý hiếm".

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 7.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 8.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 9.

Thế này là bình thường...

Nhưng giả gái thôi chưa đủ, chuyện các thành viên boygroup có những hành động thân mật như tình nhân trong các concert riêng của nhóm cũng được Kpop fan hưởng ứng nhiệt liệt. Trên mạng, fan sáng tác fanfiction, ghép ảnh, vẽ tranh về chuyện tình của các idol nam.

Những sự mâu thuẫn chẳng thể hiểu nổi của Kpop - Ảnh 10.

... còn thế này là bất thường (Trong ảnh là Hong Seok Cheon, sao Hàn đầu tiên "come out" đồng tính. Ông đã bị đuổi khỏi các TV show, cắt hợp đồng quảng cáo và bị kỳ thị nặng nề sau khi công khai xu hướng tính dục của mình).

Thế nhưng khi có những nguồn tin nội bộ về chuyện thành viên boygroup A là đồng tính, thành viên boygroup B là chuyển giới thì Kpop fan phản ứng như thế nào? Gạch đá thôi thì đủ xây mấy căn nhà! Như thể sinh ra đồng tính hay chuyển giới là điều gì đó rất đáng xấu hổ, một sự sỉ nhục nên các fan mới phải ra sức "bênh vực" thần tượng của mình như vậy.

Những nghệ sỹ Hàn Quốc dám "come out" không có nhiều nhưng hai trong số đó đã bị kỳ thị đến mức phải tự tử. Cũng không có gì lạ bởi theo một thống kê vào đầu năm ngoái, 59% người Hàn Quốc cho rằng đồng tính không nên được xã hội chấp nhận. Đến Siwon (Super Junior), idol nam từng bị một nguồn tin nội bộ tiết lộ là "không thẳng", còn sẵn sàng đăng tweet phản đối đám cưới đồng tính thì đủ biết việc "come out" trong ngành công nghiệp Kpop là chuyện viễn tưởng đến mức nào.