Kinh hoàng những "biển rác" hậu các lễ hội âm nhạc trên thế giới

Hiển Phạm, Theo Trí Thức Trẻ 10:32 05/07/2015

Các lễ hội âm nhạc lớn được biết đến qua cảnh tượng hoành tráng với “biển người “ tham dự từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn. Tuy nhiên, trái ngược đó là hình ảnh “biển rác” mênh mông hậu sự kiện khiến người xem không khỏi giật mình.

Để chuẩn bị cho các lễ hội âm nhạc, không chỉ ban tổ chức mà ngay cả người tham dự phải lên kế hoạch tỉ mỉ hàng tháng trời cho khoảng thời gian tuyệt vời được hòa mình với âm nhạc và quên đi mọi lo toan. Ngay khi đặt chân đến bãi cỏ tươi xanh, còn gì tuyệt hơn khi được mở một chai bia và thưởng thức cùng bạn bè. Nếu là lễ hội diễn ra trong vài ngày thì việc nhanh chóng dựng lều và chào hỏi các “hàng xóm” và ngay sau đó nhanh chóng hòa mình vào âm nhạc cùng những người bạn. Tại đây, điều quan trọng nhất với người tham dự là có được khoảng thời gian tuyệt với bên mọi người. Có lẽ vì thế không còn để ý gì đến những chai nước, lon bia, túi đồ ăn hay rác thải mà họ “vô tư” vứt bỏ không đúng nơi quy định.


"Biển rác" sau lễ hội Glastobury tại Anh năm nay


Cảnh quan thiên nhiên bị phá hủy một cách "không thương tiếc"

Theo thống kê từ các công ty và tổ chức dọn vệ sinh, sau mỗi lễ hội âm nhạc lớn như Coachella, Bonnaroo, Glastonbury hay Electric Forest, hàng tấn rác được thải ra, chưa kể đến lượng khí thải được thải ra từ các phương tiện tập trung tại khu vực lễ hội diễn ra tăng vọt và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Trung bình, để dọn dẹp hết “bãi chiến trường” sau các lễ hội, phải mất từ 1 đến 2 tuần cho đội dọn vệ sinh và cảnh quan thiên nhiên tại đia điểm tổ chức sẽ không thể phục hồi lại về hiện trạng trước khi lễ hội diễn ra.




Chỉ vài trăm người dọn vệ sinh thu và phân loại lượng rác thải ra từ hàng trăm nghìn người


Trước tình trạng hành lý "đi nặng nề, về gọn nhẹ", hầu hết khán giả đều bỏ lại tất cả đồ đạc của mình tại địa điểm tổ chức 

Điển hình phải kể đến lễ hội âm nhạc thường niên Reading Festival (Anh), hơn 20 tấn chất phế thải, vật liệu có thể tái chế được thu thập. Đội vệ sinh tốn hơn 2 tuần để hoàn tất công việc của mình. Tương tự với lễ hội Bonnaroo vào năm 2010, lượng rác thải thu được lên đến 489 tấn. Chỉ với một đội ngũ gần 500 tình nguyện viên, họ phải nhặt và phân loại gần 500 tấn rác. Thật không khó để thấy tầm ảnh hưởng xấu nếu người tham dự không có ý thức bảo vệ khu vực tổ chức. Không chỉ gây ảnh hưởng cực xấu đến môi trường mà lễ hội bạn tham dự có thể bị hủy do chủ địa điểm tổ chức cũng như chính quyền không hài lòng với cảnh tượng xảy ra với tài sản của họ sau khi lễ hội kết thúc.




Địa điểm tổ chức biến thành bãi rác thải "quy mô lớn"

Không chỉ các bãi cỏ ngoài trời, mà ngay cả các địa điểm tổ chức sự kiện khác như: phi thuyền, trung tâm thương mại, sân vận động hay các câu lạc bộ đêm cũng phải cân bằng được giữa lợi nhuận với những tác hại ảnh hưởng đến môi trường.




Hậu UMF 2010, bãi cỏ xanh bị đổi màu chết héo úa

Ý thức của khán giả đóng một vai trò cực kì quan trọng. Một khi chúng ta tận hưởng những trải nghiệm mà quên mất việc cân nhắc hậu quả xấu về môi trường mà chúng ta để lại và điều này có thể dẫn đến việc các sự kiện trong tương lai bị hủy. Vì thế, không còn sự lựa chọn nào khác, hãy là một người tham dự lễ hội văn minh, vui chơi không quên trách nhiệm.




Mỗi người tham dự chỉ cần góp một phần nhỏ chung tay dọn vệ sinh cũng có thể tạo nên sự thay đổi lớn

Với hầu hết các nhà tổ chức những lễ hội âm nhạc lớn, sự lựa chọn đầu tư để đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người tham dự luôn được đặt lên trên việc dành kinh phí cho quá trình dọn dẹp, tái chế rác thải hay thuê cảnh sát và người chỉ dẫn để giám sát việc thải rác của khán giả. Vì thế việc thay đổi suy nghĩ và giúp họ hiểu được ý nghĩa to lớn của việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên cũng vô cùng quan trọng.

Qua việc đặt các biển hiệu nơi để rác, các thùng rác phân lọaị theo từng loại chất thải, những người hướng dẫn có mặt mọi nơi để hướng dẫn và giúp đỡ người tham dự hay trích một phần lợi nhuận để khích lệ khán giả khi họ tự mình dọn dẹp phần rác của mình cũng đủ để tạo nên sự khác biệt. Và người mua vé tham gia lễ hội cũng nên hiểu được trách nhiệm của mình tại lễ hội trước khi đến đây để tạo nên sự thay đổi trong hành vi không chỉ của bản thân họ mà của cả những người khác có mặt tại lễ hội.




Những thùng rác có hướng dẫn phân loại chi tiết dần xuất hiện nhiều hơn tại các lễ hội âm nhạc
 
Những lễ hội thân thiện với môi trường không hề là viễn tưởng xa vời, có rất nhiều ví dụ tiêu biểu đã thành công với cách tiếp cận này. Một trong số đó phải kể đến lễ hội âm nhạc hoành tráng nhất nước Mỹ - Burning Man, ban tổ chức đã đề ra chính sách “ Leave No Trace” ( không để lại dấu vết) và nó thực sự rất hiệu quả. Người tham dự luôn ý thức được cam kết về bảo vệ cảnh quanh, luôn được giúp đỡ và khích lệ bởi những người bạn đồng hành. Lightning In A Bottle được bầy chọn là “Lễ hội thân thiện với môi trường nhất nước Mỹ” trong 5 năm liên tiếp vì họ đã đưa được mô hình tái chế và khu xử lý rác vào trong khu vực tổ chức lễ hội dưới sự giám sát của tình nguyện viên. Khi khán giả được hướng dẫn tận tình và hầu hết họ đều có ý thức về trách nhiệm của mình thì những người khác cũng tự giác làm theo.




"Leave No Trace" được thực hiện rất hiệu quả tại lễ hội Burning Man




Không gian xanh thân thiện với môi trường của lễ hội Lightning In A Bottle

Tất nhiên, tất cả các lễ hội không thể nhanh chóng thay đổi hoàn toàn phương thức tổ chức của mình để trở thành Lighting In A Bottle. Dù vậy, người tham dự lễ hội, những người đại diện cho khẩu hiệu “ hòa bình, thương yêu, đoàn kết, tôn trọng” giữa con người với con người và con người với thiên nhiên. Hãy chung tay để dần dần thay đổi và tạo nên nhiều lễ hội “xanh” hơn.


Hãy là những nhà tổ chức sự kiện và người tham dự văn minh và trách nhiệm 

(Nguồn: YourEDM, BF, Amusing Planet)