Không người nghệ sĩ nào tính toán với tình yêu

Susanoo , Theo Trí Thức Trẻ 15:39 28/06/2015

Giữa ngày vui của thế giới vì tình yêu chân chính chiến thắng rào cản xã hội, một anh chàng nghệ sĩ Việt Nam lại đứng ngoài sự đồng cảm của những trái tim biết yêu, và tính toán nó bằng sự hoài nghi lạnh nhạt.

Tôi luôn tin rằng, tình yêu và nghệ thuật có một sự liên quan nhất định với nhau. Một mối dây khăng khít bền chặt, một sự tương hỗ đặc biệt mà cái này chỉ tồn tại khi có cái kia. Nghệ thuật phản ánh thời đại, nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật vị nghệ thuật, có rất nhiều trách nhiệm mà chúng ta đặt lên nghệ thuật. Thế nhưng bản chất của tất cả những trách nhiệm cao cả đó, chỉ là tình yêu. Nghệ thuật tồn tại vì tình yêu tồn tại, nghệ thuật xuất phát từ tình yêu.Và người nghệ sĩ tồn tại là vì trái tim họ vẫn còn biết rung cảm trước cuộc sống xung quanh mình.

Imagine hoài thai từ tình yêu bất diệt của John Lennon với hoà bình, và một ước vọng về một thế giới không còn đường biên ngăn cách. Polly chào đời trong nỗi xót xa của Kurt Cobain trước một bài báo về một vụ hiếp dâm rồi tra tấn dã man. Diễm xưa ngân nga sau những chiều nhạc sĩ họ Trịnh ngẩn ngơ lặng lẽ chờ cô gái Bích Diễm rảo bước về nhà. Người nghệ sĩ có thể say sưa rung động với bất cứ điều gì trái tim của họ mách bảo, từ những trăn trở mang tính thời đại cho đến màu sắc của vệt nắng ngày hôm nay. Hàng triệu nghệ sĩ trên Trái Đất này vẫn sống với niềm tin như vậy, với trái tim như thế và với sứ mệnh đơn giản nhất mà nghệ thuật có thể làm: Truyền tải tình yêu. 


John Lennon.


Và một người nghệ sĩ nào đó, trong ngày hôm qua, đã cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Một người nghệ sĩ nào đó mà sau ngày hôm qua, người ta đã không nhìn anh như một người nghệ sĩ nữa. 

Giữa hàng triệu trái tim đang say sưa trong nhịp đập hạnh phúc, khi mà người đồng tính ở xứ cờ hoa nay đã được pháp luật thừa nhận. Một anh chàng nghệ sĩ nào đó ở đất nước chúng ta, lại hoài nghi niềm vui đang lây lan giữa cộng đồng người trẻ tuổi. Từ những cảm xúc chân thành, anh gắn vào đó sự toan tính mang màu chính trị và chế nhạo bước tiến về quyền con người của cả một dân tộc. Từ một chiến thắng của tình yêu, anh kiến giải một cách lý tính và chà đạp lên đó những lời mai mỉa thiếu xác đáng. 

Tôi không muốn và cũng không thể lập luận lại những điều người nghệ sĩ kia đã tuyên bố chắc nịch. Đối với tình yêu, mọi sự giải thích lý tính và logic đều trở nên phi lý và thừa thãi. Một người nghệ sĩ sống với tình yêu như một bản năng, chấp nhận nó như một phần số phận của mình. Chính vì thế, tất cả những câu chuyện về tình yêu, những sự bất công của quyền được yêu,... không ai khác ngoài những nghệ sĩ là người thấu hiểu và rung cảm một cách sâu sắc nhất. 

Bản chất của sự việc thừa nhận hôn nhân đồng giới cũng chính là tình yêu. Đó chính là kết quả của cuộc chiến bền bỉ sau hàng thập kỷ giữa tình yêu chân chính và hình mẫu xã hội. Chúng ta đã nhìn thấy những người không còn giữ được nhân dạng vì gọng kìm định kiến. Alan Turing - nhà toán học lỗi lạc đã từng cứu sống hàng triệu người nhờ cỗ máy của mình trong Thế chiến thứ 2, người mà nhờ trí tuệ của mình, đã góp phần kết thúc cuộc chiến sớm 2 năm. Nhưng anh là một người đồng tính và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật đương thời. Alan buộc phải uống thuốc để "điều trị bệnh đồng tính" hoặc bị bỏ tù vì "hành vi không đứng đắn" khi giao cấu với một người đàn ông khác. Cả hai lựa chọn đều đẩy người đồng tính vào đường cùng và làm mất đi quyền được sống như một con người của họ. Và đó là bi kịch điển hình nhất mà cho đến bây giờ, người ta vẫn nhắc lại để thấy rằng, xã hội đã từng cay nghiệt thế nào với người đồng tính, và cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng yêu thương của chúng ta đã tiến xa đến đâu. 


Alan Turing được thể hiện bởi diễn viên Benedict Cumberbatch trong bộ phim The Imitation Game. Đây là đoạn phim kể về Alan trong những năm tháng phải tiêm hormone estrogen và bị hoạn vì "có hành vi đồng tính luyến ái". 


Nhìn vào suốt chiều dài của cuộc chiến ấy, ta có thể thấy những nghệ sĩ dùng tình yêu của mình để bẻ cong ngọn kìm giáo điều và áp đặt. Kurt từng tuyên bố, nếu bất cứ fan nào của Nirvana căm ghét người đồng tính, kỳ thị người da màu và phụ nữ, đừng bao giờ bén mảng đến show diễn và mua nhạc của nhóm. Anh mỉa mai những tên homophobes (từ chỉ những người căm ghét đồng tính), rằng anh ước gì mình là gay, chỉ để chọc tức những kẻ không coi đồng tính là con người. Ở bên cạnh anh trong quân đoàn ấy, là Madonna, là Elton John, là Freddie Mercury,.. những tâm hồn nghệ sĩ dành âm nhạc của mình để cống hiến cho tình yêu và sự bình đẳng. 


Kurt Cobain: "Tôi không phải là gay dù tôi ước gì mình như vậy để chọc tức lũ homophobes".




Freddie Mercury: "Tôi gay như một bông hoa thủy tiên". 

Vậy tại sao, một người nghệ sĩ vẫn cất tiếng hát những bản tình ca, lại có thể đứng ngoài sự đồng cảm, từ chối tin tưởng và yêu thương, tính toán trước niềm hạnh phúc của đồng loại? Tại sao, một người nghệ sĩ lại hoài nghi vào tình yêu chân chính, khi mà chính tình yêu là thứ nuôi sống trái tim của họ? 

Tất nhiên rằng hoài nghi là một phần bản năng của con người, nó tồn tại song song với tình yêu thương hay lòng nhân ái. Chúng ta sinh ra và lớn lên trong một thời đại hoài nghi với những điều tồi tệ xảy ra mỗi ngày. Chỉ duy nhất một điều giữ ta tỉnh táo và sống sót trước những quăng quật của đời sống kim tiền, đó là tình yêu. 

Nếu ai từng xem bộ phim The Pianist, hẳn sẽ nhớ đến trường đoạn Szpilman lướt tay trên phím đàn trong cảnh đói khổ vì lẩn trốn quân Đức Quốc Xã trong nhiều năm ròng. Bản nhạc Chopin vang lên giữa đổ nát hoang tàn của đêm Warsaw, thức tỉnh phần người bên trong trái tim tay sĩ quan Wehrmacht đang đứng cạnh người nghệ sĩ Do Thái. Tôi không thể biết được bản nhạc mà Szpilman chơi đã nhắc tay sĩ quan nhớ về những ký ức gì, khơi dậy nên trong lòng hắn những xúc cảm ra sao. Nhưng bản nhạc đó chắc chắn vang lên từ tình yêu và khát khao sống mãnh liệt của một con người đã méo mó nhân dạng vì khói lửa chiến tranh, nó vang lên từ những ký ức ngọt ngào của một thời bình yên và nỗi đau khi đánh mất một phần đời vào cuộc chiến bạo tàn vô nghĩa. Và điều tươi đẹp, rực rỡ nhất của cảnh phim đen tối đó, hẳn nhiên là âm nhạc. Thứ âm nhạc được tưới đẫm tình yêu đã kéo một tâm hồn lạc lối về với ánh sáng. 

Cảnh phim Szpilman gặp và chơi đàn cho sĩ quan Wehrmacht.

Tôi không tin vào thứ âm nhạc không có tình yêu. Và chắc chắn sự hoài nghi, dửng dưng cũng không thể là phẩm chất của âm nhạc lay động trái tim con người. Tôi không nói rằng chúng ta không được quyền hoài nghi. Tôi chỉ không tin vào một người nghệ sĩ, cất tiếng hát lên khi trái tim vẫn còn đong đếm.