"Giai điệu tự hào" và những ca khúc biến tấu gây tranh cãi

Air, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 05/06/2014

Chương trình tôn vinh âm nhạc Việt Nam - "Giai điệu tự hào" đang vấp phải khá nhiều tranh luận gay gắt xoay quanh việc làm mới những ca khúc cũ.

Bên cạnh các show truyền hình thực tế, gameshow đình đám thời gian qua trên sóng truyền hình như "Gương mặt thân quen", "The X-Factor Việt", "Người bí ẩn"... khán giả cũng dần dành nhiều chú ý cho một chương trình mới mẻ của VTV mang tên "Giai điệu tự hào".

“Giai điệu tự hào” được thực hiện trên cơ sở Việt hóa format "Tài sản quốc gia" – chương trình nổi bật nhất, đạt được nhiều thành công vang dội trong vòng 4 năm qua (từ năm 2009-2013) của lịch sử truyền hình Nga. Trong chương trình, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc cho đến bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội đều được khắc họa rõ nét. Nói một cách ngắn gọn, âm nhạc Việt Nam trong "Giai điệu tự hào" sẽ được tôn vinh bằng cách làm mới lại qua những bản phối, cách dàn dựng hay những giọng ca mới, đem đến luồng sinh khí mới mẻ cho những tài sản phi vật thể quý giá này.


2 mẹ con Mỹ Linh và Mỹ Anh trong tiết mục "Đưa cơm cho mẹ đi cày"


Uyên Linh thăng hoa với "Hoàng hôn màu lá"

Giới thiệu cái mới chắc chắn sẽ đi kèm những tranh cãi, xôn xao cùng nhiều luồng ý kiến khác nhau. "Giai điệu tự hào" cũng vậy, không ít tiết mục của chương trình nhận được lời khen ngợi, bên cạnh đó cũng có nhiều bản nhạc bị "ném đá" không thương tiếc bởi người nghe cho rằng đã đi quá giới hạn, làm mất đi tinh thần của tác phẩm. Nhạc sĩ Quốc Trung, Thanh Phương - giám đốc âm nhạc chương trình, 2 người góp phần dàn dựng, phối khí, biên tập cho các ca khúc phải "đứng mũi chịu sào" trước những lời nhận xét khắc nghiệt của công chúng.

Ầm ĩ nhất trong thời gian qua chính là bản phối mới của Quốc Trung cho ca khúc kinh điển "Đi học", được trình diễn bởi rocker Hải Bột trong "Giai điệu tự hào" số 5. Nhiều khán giả đã cho rằng cách sáng tạo của Quốc Trung không phù hợp với tinh thần bài hát, nhịp phách và lời ca khúc cũng sai. 


"Đi học" - Hải Bột


PGS.TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái thậm chí thẳng thừng chê tiết mục thể hiện sai và xúc phạm đến tai những người từng nghe ca khúc này. NSND Thanh Hoa cũng cho rằng việc quan trọng nhất là ca sĩ phải hát đúng nhạc, đúng lời. Các khách mời lão thành đều cảm thấy phiên bản mới của ca khúc không hợp tai cho lắm. Trái lại, những khách mời trẻ lại tỏ ra ủng hộ, nhiếp ảnh gia Na Sơn khẳng định tại thời điểm này, anh sẽ không chọn nghe phiên bản cũ. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng lên tiếng cho biết anh dàn dựng tiết mục này không hướng tới đối tượng lão thành nữa, mà dành cho giới trẻ









Ý kiến khen chê trái chiều của khán giả về tiết mục "Đi học"

Tranh cãi gay gắt xuất hiện ngay trong buổi trực tiếp chương trình cho đến Facebook và YouTube. Tuy nhiên, không ít ý kiến ủng hộ sự liều lĩnh, mới mẻ này của Quốc Trung và cho rằng sáng tạo là điều cần thiết để âm nhạc có thể phát triển, không nên đóng khung vào những điều cũ kỹ và tưởng đó là chuẩn mực.




Phản hồi của nhạc sĩ Thanh Phương và Quốc Trung

Không chỉ Hải Bột nhận "gạch đá", mà một loạt tên tuổi khác như Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương... cũng bị "chê lên chê xuống" bởi cách thể hiện "không đúng tinh thần", không lột tả chính xác "không khí" tác phẩm.

"Tàu anh qua núi" - Thu Minh



Tiết mục Thu Minh "hứng gạch" vì được phối lại theo nhạc Dance

"Cô thợ hàn" - Đàm Vĩnh Hưng


"Ông hoàng nhạc Việt" hứng chịu chỉ trích

"Hò kéo pháo" - Nông Tiến Bắc, Hoàng Hiệp, Minh Trí



"Hò kéo pháo" phiên bản Rock bị chê không thương tiếc

"Ca ngợi Hồ Chủ tịch" - Tùng Dương


Tùng Dương cũng không tránh khỏi lời chê bai bởi cách hát chưa... đúng

"Lên ngàn" - Hồ Quỳnh Hương


Hồ Quỳnh Hương và bản phối mới cho "Lên ngàn" cũng bị cho là không phù hợp

Một ca khúc thành công khi tạo nên cảm xúc cho người nghe, khơi gợi không khí, không gian âm nhạc và những điều tuyệt vời khác xung quanh chứ không chỉ quanh quẩn ở việc trung thành với cùng phong cách, chủ đề tác phẩm. Nhạc thiếu nhi đâu phải lúc nào cũng ngây ngô, đơn giản, nhạc về thời chiến tranh đâu phải lúc nào cũng hào hùng, mạnh mẽ. Ngày nay, công nghệ và kĩ thuật đã phát triển hơn xưa, những âm thanh được sáng tạo nhiều cách, độc đáo hơn trước, từ đó người nghe cũng nên tiếp cận, hiểu biết để cảm nhận đầy đủ cái hay của những sản phẩm mới này.

Đôi khi các ca khúc tươi vui được phối lại theo những âm thanh, nhịp điệu nhẹ nhàng, các bài hát tiền chiến được thêm chút R&B, Dance hay Rock cũng chẳng làm mất đi bản chất ca khúc mà thậm chí giúp người trẻ tiếp cận và thêm yêu âm nhạc dân tộc, giúp người nước ngoài khám phá nhiều hơn về đất nước và quan trọng hơn cả, càng khiến ca khúc được lan tỏa mạnh mẽ với tuổi thọ kéo dài hơn nữa. Giữ gìn, tôn vinh giá trị truyền thống không thể nào đồng nghĩa với việc luôn luôn tái hiện, bưng lại y nguyên những gì có trong quá khứ để đem ra chiêm ngưỡng ở hiện tại và lại có ý định tiếp tục bó buộc nó tương lai, mà đôi lúc phải cho nó vận động, hòa hợp với những cái hay, mới mẻ của thời đại.


Thu Minh biểu diễn "Tàu anh qua núi"


Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn "Cô thợ hàn"


Hồ Quỳnh Hương biểu diễn "Lên ngàn"


Nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ: "Công chúng Việt Nam, đại đa số rất lười và bảo thủ trong việc đón nhận những điều mới lạ! Tệ hại hơn, họ không tôn trọng sáng tạo của người làm nghệ thuật. Có một nghịch lý, khi những phong cách âm nhạc mới được trình làng, ngay lập tức người ta chê bai nhưng vài năm sau họ lại đánh giá những sáng tạo ấy đã cũ rồi".

Ca sĩ Khánh Linh cũng đồng quan điểm: "Thời nay xã hội như một đại công trường, công chúng luôn " hào phóng", nếu không muốn nói là phung phí “gạch đá”. Tôi nghĩ, những gì họ cần làm trước khi quăng hoặc dắt lưng, là tìm hiểu thêm kiến thức về những tác phẩm để đời này. Hãy tập cho mình thói quen nghe tổng thể. Nếu là một bài hát, đừng chỉ chăm chú xem xét ca sĩ hát mà còn nên để ý đến không gian âm nhạc đang tạo nên và cả những hình tượng âm nhạc ẩn chứa trong đó".

Xét một cách toàn diện, "Giai điệu tự hào" đang làm đúng trách nhiệm của mình khi tôn vinh được các giá trị đẹp trong nền âm nhạc nước nhà. Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo được dư luận về việc lồng ghép cái mới vào các tác phẩm bất hủ. Qua đó, có tranh cãi thì mới có phát triển và tiến bộ, mới có thể đấu tranh với sự bảo thủ và những quan niệm không còn phù hợp.

Hãy cùng nhau thưởng thức thêm một số tiết mục nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả của "Giai điệu tự hào":

"Đưa cơm cho mẹ đi cày" - Mỹ Linh & con gái Mỹ Anh

"Hà Nội niềm tin và hy vọng" - Mỹ Linh

"Một đời người, một rừng cây" - Thanh Lam

"Mùa xuân đầu tiên" - Hồng Nhung

"Bài ca không quên" - Cẩm Vân

"Tiến lên chiến sĩ đồng bào" - Justa Tee, Big Daddy, Trọng Thủy, Thành Nam

"Lỳ và sáo" - Vũ Song Vũ & Tiến Quang

Liên khúc "Hò dân cày" - Đinh Mạnh Ninh, Hoàng Quyên, Hoàng Tôn

"Hoàng hôn màu lá" - Uyên Linh

"Bé bé bằng bông" - Bé Kim Anh