Dubstep - Xu hướng mới trong Kpop

Alex, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/10/2012

Thể loại âm nhạc này đang dần len lỏi vào thị trường Kpop.

Vài tháng trước, một bài báo trên Seoulbeats đã đặt ra câu hỏi: Liệu Dubstep có trở thành một xu hướng mới trong Kpop hay không? Nếu chúng ta xem xét một số dấu hiệu từ những ca khúc được phát hành trong giai đoạn gần đây, hiển nhiên câu trả lời là: Có.

Bắt nguồn từ phía Nam London, Dubstep đã trải qua một chặng đường dài để hòa mình vào dòng chảy Kpop hiện nay. Cũng như nhiều xu hướng âm nhạc khác, khi một thể loại tách ra khỏi phong cách của các nước phương Tây và trở nên phổ biến ở thị trường châu Á, nó sẽ gặp phải những phản ứng rất khác nhau từ người hâm mộ.

Dubstep - Xu hướng mới trong Kpop 1
Dubstep xuất xứ từ London rồi phát triển ở Mỹ và châu Âu

Dubstep xuất hiện vào cuối những năm 90, đầu năm 2000, trong những sân khấu ngầm ở London. So với Dubstep phiên bản Mỹ, Dubstep mang phong cách châu Âu ít hung hăng hơn, nhưng lại bí ẩn và sử dụng nhiều nhạc cụ hơn. Thể loại này bắt đầu phổ biến trên thế giới từ nửa cuối những năm 2000 và dần dần nổi lên trong làng nhạc Mỹ, tiêu biểu như ca khúc Freakshow của Britney Spears

Tuy nhiên, đến năm 2011, Dubstep biến đổi thành một thể loại khác được gọi là Post-Dubstep. Đây là sự kết hợp giữa Dubstep và những loại nhạc khác được sử dụng trong cùng một ca khúc. Phân loại này cũng bao gồm Brostep - thể loại do DJ người Mỹ nổi tiếng Skrillex tạo ra. Khoảng năm 2011, Dubstep mới bắt đầu du nhập vào Kpop. Do có kết hợp với âm nhạc truyền thống của Hàn, loại nhạc này được xếp vào hạng mục Post-Dubstep. 

Dubstep - Xu hướng mới trong Kpop 2
Dubstep tiến vào Kpop từ năm 2011 qua “Bubble Pop” của HyunA

Post-Dubstep của Kpop trở nên bùng nổ từ khi nào và ở đâu? Theo cư dân mạng, Bubble Pop của HyunA là ca khúc đầu tiên đáng chú ý khi sử dụng nhịp Dubstep trong phần vũ đạo. Sự có mặt của một thể loại nhạc bắt nguồn từ những sân khấu ngầm tối tăm ở London trong một ca khúc tươi sáng như Bubble Pop khiến nhiều người ngạc nhiên. Chắc chắn những khán giả trung thành với Dubstep thuần túy sẽ nổi giận khi nghe Bubble Pop. Nhưng nếu tạm gác khía cạnh nguồn cội sang một bên, thì việc sáng tạo ra một Post-Dubstep của riêng Kpop dường như còn thành công hơn cả khi Dubstep gia nhập vào làng nhạc Mỹ. 

Dubstep - Xu hướng mới trong Kpop 3
Nhưng NU’EST mới là nhóm đầu tiên thể hiện đúng chất Dubstep

Nói đến Dubstep, tân binh NU’EST chính là nhóm nhạc đầu tiên tận dụng tốt thể loại này. Ngay từ single đầu tiên, NU’EST đã cho thấy một hình ảnh nghiêm túc phù hợp với Dubstep. Phần vũ đạo cũng tương ứng với nhịp điệu của bài hát, Face hoàn toàn đối lập với một ca khúc vui tươi như Bubble Pop. Cả Face Action đều mang đậm tính chất Dubstep với cảm hứng từ những bước nhảy mạnh mẽ Break Dance. 

Một nhóm khác cũng sử dụng Dubstep là bộ đôi Tasty. Nhìn chung, sản phẩm đầu tay You Know Me nghiêng về thể loại Electronic Dance, nhưng cũng có một đoạn mang phong cách Dubstep rất rõ ràng. Cuối cùng, nhưng cũng rất đáng chú ý, chính là Catch Me của DBSK. Thông điệp mãnh liệt của ca khúc được truyền tải qua âm thanh Bass cường độ mạnh và Dubstep cũng xuất hiện để góp phần làm nên thành công cho Catch Me.  

Tuy nhiên, không giống với Bubble Pop, tất cả những ca khúc phù hợp với Dubstep đều sử dụng âm thanh Electro-Bass đậm đặc hơn thay vì chỉ đưa một đoạn Dubstep ngẫu nhiên vô nghĩa vào bài hát. Vậy, ai là người đã sáng tạo ra thể loại Post-Dubstep Kpop này? Nếu xem Bubble Pop là tiên phong của xu hướng này, thì đó chính là Shinsadong Tiger. Là tác giả của Bubble Pop, Shinsadong Tiger có thể đã lấy cảm hứng từ Dubstep của châu Âu và Mỹ. Anh cũng chịu trách nhiệm sản xuất Sexy Love của T-ara và dù ca khúc này không thể hiện Dubstep rõ rệt, nhưng nhạc nền cũng mang âm hưởng của thể loại này. 

Về phía NU’EST, tác giả của Face là nhà soạn nhạc Thụy Điển Daniel Barkman. Rõ ràng, việc sử dụng vài yếu tố nước ngoài trong công tác soạn nhạc cho một nhóm như NU’EST là một phương án để trở nên khác biệt. Còn Catch Me của DBSK được sáng tác bởi nhạc sỹ lâu năm của SM - Yoo Youngjin.
 
Dubstep - Xu hướng mới trong Kpop 4

Dubstep - Xu hướng mới trong Kpop 5
Tasty và DBSK cũng bắt đầu “trọng dụng” thể loại này

Hầu hết các ca khúc này đều sử dụng Dubstep trong vũ đạo hoặc nhạc nền, nhưng sẽ ra sao nếu DJ không đưa những ca khúc Dubstep vào Kpop? Có vẻ như điều này sẽ không xảy ra, vì như vậy, các thần tượng sẽ không cần hát nữa. Liệu nét mới mẻ của Dubstep sẽ mau chóng bị lãng quên, hay những nhóm nhạc như NU’ESTTasty sẽ tiếp tục sử dụng Dubstep trong single sắp tới của họ? Nếu những ca khúc có Dubstep tiếp tục được khán giả Hàn yêu thích, thì hiển nhiên thể loại này sẽ được duy trì. 

Kpop fan, các bạn có thích Dubstep không?