Muốn làm mọt phim chính hiệu ư? Hãy bắt đầu thôi gắn mác hay – dở cho tác phẩm đi là vừa!

Kalyn Pham, Theo Trí Thức Trẻ 10:04 12/03/2018

Việc định nghĩa một bộ phim trong hai lựa chọn “nên xem” và “không nên xem” đã gò ép quan điểm về một tác phẩm điện ảnh trở thành cái nhìn hai chiều.

Trong thời đại mà "người người review phim, nhà nhà review phim", thật dễ dàng để nhận thấy việc đánh giá một bộ phim là "hay" hoặc "dở" thật chẳng khó chút nào. Trang RottenTomatoes là một ví dụ điển hình cho ảnh hưởng to lớn của một trang web tới chiến lược quảng bá, thậm chí cả doanh thu ước tính cho một tác phẩm . Ở trên trang web này, người ta xếp loại một bộ phim hay, dở tương ứng với "cà chua tươi" và "cà chua thối" dựa trên những lời nhận xét của các nhà phê bình.

Phim ảnh có thể bị gán mắc một cách đơn giản như vậy sao? Thật sự thì, việc đưa ra lời nhận xét trống rỗng về một bộ phim là: "Phim này cũng được" đồng nghĩa với việc bạn đang ngó lơ những sắc thái riêng biệt mà đạo diễn họa lên. Hơn nữa, nếu một bộ phim chỉ được gói gọn trong từ ‘’hay’’ hoặc "dở" thì có thể hiểu rằng tác phẩm này an toàn và nhàm chán đến mức chẳng có gì cần phải tranh cãi xung quanh nó .

Từ Chim Sẻ Đỏ ngẫm chuyện chê phim

Tuy vậy, vẫn có rất nhiều bộ phim hay nhưng chẳng thể tạo tiếng vang vì không hề có bất cứ ý kiến trái chiều nào xung quanh nó. Những bộ phim yên bình như vậy thường bị công chúng ngó lơ một cách đầy bất công.

Muốn làm mọt phim chính hiệu ư? Hãy bắt đầu thôi gắn mác hay – dở cho tác phẩm đi là vừa! - Ảnh 1.

Tuần vừa rồi, tác phẩm Red Sparrow của hãng Fox được công chiếu rộng rãi trên toàn Bắc Mỹ. Bộ phim được đánh dấu 49% trên RottenTomatoes, xếp hạng B ở CinemaScore và thu về 17 triệu đô. Dù đầy rẫy những cảnh hành động mãn nhãn cùng những thước phim nóng bỏng nhưng Red Sparrow không phải là một bộ phim hành động mác R thông thường.

Bộ phim mở đầu bằng một câu thoại dễ thấy trong bao bộ phim về một nữ anh hùng nào đó kiểu: "Cô sinh ra với một năng lực đặc biệt, cô luôn biết cách để sống sót." Nhưng lại kết thúc với một câu nói mang tính triết lý từ nam chính Vanya (Matthias Schoenaerts) kiểu: "Cô có cái nhìn thấu cảm với tất cả mọi người.""Chim Sẻ Đỏ" có một chút âm hưởng của dòng phim điệp viên, một chút nhấn nhá của dòng chính kịch trên nền một tác phẩm hành động đã không đạt được thành công như mong đợi nhưng rõ ràng, sự hiện diện của nó đã là một điều đáng quý cho nền công nghiệp điện ảnh.

Red Sparrow gợi cho người xem nhớ đến một tác phẩm khác cũng của Fox được phát hành vào tháng 2 năm ngoái: A Cure for Wellness. Khi nghe tin bộ phim này dài tận 2h26’ nhiều người đã thầm nghĩ: "Thật hoang đường vì đời nào Fox lại mạo hiểm đến độ đưa đạo diễn Gore Verbinski 40 triệu đô để làm ra một bộ phim kinh dị dài tận hai tiếng rưỡi!". Nhưng rõ ràng Fox biết mình đang làm gì.

Muốn làm mọt phim chính hiệu ư? Hãy bắt đầu thôi gắn mác hay – dở cho tác phẩm đi là vừa! - Ảnh 2.

A Cure For Wellness theo nhiều ý kiến khán giả, vẫn là một bộ phim đáng xem. Cho dù nó không phải là một bom tấn phòng chiếu mà là một phim độc lập với chứng nhận "thối’’ trên Rotten Tomatoes và điểm C+ trên CinemaScores nhưng chắc chắn đây là một trải nghiệm khó quên đối với nhiều người.

Ba câu chuyện khác nhau hòa quyện, một tác phẩm quái dị và đẹp đẽ đến mức ám ảnh. Bộ phim không hề hoàn hảo nhưng cái cách đạo diễn Verbinski hiểu rõ những khiếm khuyết, những tranh cãi mà bộ phim có thể gây ra nhưng vẫn liều mình thực hiện cũng đáng để khâm phục lắm chứ. Một tác phẩm được coi như "thất bại" qua đánh giá của công chúng và các nhà phê bình thực sự mạo hiểm và thú vị hơn nhiều một số tác phẩm mà được đánh giá là "xuất chúng", chỉ bởi chúng được làm ra với mọi yếu tố đem đi tranh giải thưởng điện ảnh.

Việc phân loại rành rọt một bộ phim ra thành "hay" và "dở" cũng dẫn đến một vấn đề nhức nhối khác: khi khen phim "hay" ta đồng thời giảm nhẹ các khiếm khuyết của phim mắc phải, và tương tự một phim bị gắn mác "dở" thì không có chỗ cho những điểm sáng về diễn xuất hoặc kịch bản. Tất nhiên, chẳng có phim nào dở hoàn toàn, nếu kịch bản mà dở thì người ta còn tìm được một diễn viên… đẹp trai để khen cơ mà.

Năm ngoái, chúng ta có bom xịt Valerian and the City of a Thousand Planets. Để chỉ ra những cái dở của phim này thì đúng là không có hồi kết: nào là diễn viên không phù hợp, phim thì lại lê thê, nhân vật chính không có chiều sâu, mà ngay cả kịch bản cũng có vấn đề. Tuy vậy, có một điều đáng nhớ về bộ phim đó là đoạn mở đầu giới thiệu sự hình thành của những trạm vũ trụ trở thành "Alpha" - thành phố của ngàn hành tinh.

Muốn làm mọt phim chính hiệu ư? Hãy bắt đầu thôi gắn mác hay – dở cho tác phẩm đi là vừa! - Ảnh 3.

Nếu tách rời phần mở đầu này ra ta sẽ được một bộ phim ngắn không thoại với một thông điệp sâu sắc về sự đoàn kết giữa các chủng tộc và giống loài sẽ đem lại một thế giới tốt đẹp hơn cho muôn loài. Valerian còn tái hiện lại hình ảnh phiên chợ đa chiều, nơi giao thương của các hành tinh - "Big Market" vô cùng hoành tráng bằng những công nghệ đặc biệt ấn tượng.

Với những trường đoạn hay ho như vậy nhưng với số điểm 49% trên Rotten Tomatoes (điểm thối – tức là mác "dở", "đừng có đi xem") và hạng B- trên CinemaScore, những người chưa xem sẽ không bao giờ biết được phim có những phân đoạn đáng giá mà chỉ lắc đầu ngao ngán rồi lướt qua lựa chọn điện ảnh khác cho dịp cuối tuần.

Chọn phim: hãy đi theo cảm quan riêng, đừng vì số điểm mà e sợ

Đối với khán giả điện ảnh nói chung, mỗi bộ phim là một ván bạc khi mà bạn bỏ tiền, bỏ công sức ra nhưng không phải khi nào cũng may mắn được tận hưởng khoảng thời gian ý nghĩa với một bộ phim xứng đáng cả. Vì thế những bộ phim đã được "bảo chứng" trên các trang web bình phim uy tín như Rotten Tomatoes hay IMDb có lẽ sẽ là một lựa chọn an toàn so với các phim không ai nghe tới bao giờ.

Có lẽ đã đến lúc khán giả nên bước ra ngoài vùng an toàn, trân trọng tất cả những tác phẩm khác nhau thay vì chỉ trung thành với những bộ phim được đánh giá cao bởi những nhà phê bình. Dù đó có là một bộ phim thành công về mặt nghệ thuật hay một bộ phim thành công về mặt thương mại thì đều xứng đáng được đón nhận bởi người xem.

Cũng như việc ta thử một món ăn mới, khám phá một vùng đất mới, việc nghiêm túc xem một bộ phim gì đó hoàn toàn không phải gu của ta giúp bản thân trở thành một người hiểu rộng, không bị giới hạn gò bó. Nếu chỉ lựa chọn xem một bộ phim mà ta biết chắc rằng đó là một bộ phim "hay" là ta chỉ đang thu hẹp khả năng cảm thụ của mình. Nếu chỉ đọc review chê một bộ phim nào đó mà ta gạch luôn nó ra khỏi danh sách xem của mình thì bạn đang bỏ lỡ rất nhiều thứ đấy.

Muốn làm mọt phim chính hiệu ư? Hãy bắt đầu thôi gắn mác hay – dở cho tác phẩm đi là vừa! - Ảnh 4.

Không nhất thiết là bạn liều mình xem tất cả mấy bộ phim đang được công chiếu ngoài rạp nhưng thử xem một thể loại phim nào đó mà thường bạn không có hứng thú thì sao? Cũng là ý hay đấy nhỉ? Còn không thì hãy sử dụng ngay Netflix để tận hưởng những tác phẩm mà bạn-không-muốn-tốn-tiền nhưng lại muốn-trải-nghiệm-thử luôn thôi!

Tóm lại là, hãy tự thưởng cho bản thân một khoảng thời gian rảnh rỗi để xem một bộ phim kì quái nào đó mà không được đánh giá cao bởi công chúng và các nhà phê bình. Bạn sẽ thành một mọt phim chân chính nếu thực hiện được điều này đấy!