Chiến thắng Thái Lan với tỷ số 4-0 có một ý nghĩa tinh thần to lớn, nó khiến ta cởi bỏ một tảng đá khủng khiếp. Tảng đá mang tên định kiến, mang tên tự ti, mang tên sợ sệt.

Nhờ có Facebook, fan bóng đá ở Việt Nam lại có thêm một thói quen thú vị: online xem "cư dân mạng" bình luận như thế nào về chiến thắng của đội nhà. Và rõ ràng, không có gì kích thích sự hài hước và sáng tạo của họ hơn một chiến thắng. Chỉ cần kéo newsfeed trong 5 phút, tôi đọc được biết bao nhiêu bình luận thú vị:

Tiền đạo Subachai thì thẻ đỏ. Tiền vệ Subachok thì tàng hình. Giờ muốn thắng Việt Nam chắc Thái phải nhập tịch cho Subasa.

Thái Lan thua Uruguay 0-4. U23 Thái Lan thua U23 Việt Nam 0-4. Suy ra chúng ta ngang đẳng cấp của Uruguay.

Việt Nam ăn lẩu gì mà cay thế? Lẩu Thái.

Ba cái vòng loại này bớt làm phiền đương kim á quân châu Á được không? Liên đoàn bóng đá châu Á thật sự không hiểu, bản chất vòng loại nghĩa là gì à? Nghĩa là vòng được lập ra để loại, mà chúng tôi có bao giờ bị loại đâu mà bắt đá cái vòng này?

Điểm khác biệt căn bản của Thái Lan và ngôi nhà là Thái Lan… không có cửa. Vừa chiến thắng nên gáy chút cho vui vậy thôi. Nói đi nói lại thì Thái Lan vẫn xứng đáng là anh cả của bóng đá Đông Nam Á. Phận làm cha mẹ như Việt Nam cảm thấy rất tự hào.

Tạm biệt, nỗi ám ảnh Thái Lan đã chỉ còn là quá khứ - Ảnh 1.

Cảm giác vui sướng và tự hào khiến cho mọi bình luận quá lố đều trở nên rất… dễ thương. Bóng đá hay ở chỗ nó luôn vì hiện tại. Không cần biết anh thắng tôi nhiều bao nhiêu trong quá khứ, hôm nay tôi thắng anh thì tôi có quyền hãnh diện. Để rồi trong lần tái ngộ tiếp theo, báo chí buộc phải viết rằng: lần cuối cùng đội A gặp đội B, đội A đã thắng với tỷ số 4-0.

4-0. Đấy là một con số biểu tượng. Đấy là chiến thắng đậm nhất của Việt Nam trước Thái Lan (tính tất cả các lứa U) từ khi hồi nhập. 4-0 là một tỷ số rất đậm, là sự khẳng định tuyệt đối về sức mạnh, trong một trận đấu mà đội bạn đã có lúc phải dùng đến bạo lực để ngăn cản chúng ta, và rời sân chỉ với 10 người trên sân.  

Một người anh nhà văn của tôi nói rằng: bây giờ sau khi xem Việt Nam đá, không còn coi báo chí Việt Nam nói gì nữa (ta thắng rồi, nói gì… chả được) mà đã có thói quen xem báo chí quốc tế nói gì. Quả thực là gần một năm qua, rất nhiều người Việt đã bắt đầu hình thành thói quen xem Fox Sports hay ESPN viết gì về những chiến binh mang màu áo đỏ. Cái cảm giác vươn lên một tầm cao mới, khiến truyền thông châu Á phải chú ý đến mình thực sự… thoải mái.

Chiến thắng Thái Lan với tỷ số 4-0 còn có một ý nghĩa tinh thần to lớn, nó khiến ta cởi bỏ một tảng đá khủng khiếp. Tảng đá mang tên định kiến, mang tên tự ti, mang tên sợ sệt. Chúng ta trải qua một năm 2018 với biết bao kỳ tích, nhưng đâu đó vẫn vang lên những phát biểu kiểu như "Nhưng chúng ta đã thắng Thái Lan đâu". Cũng khó trách được những suy nghĩ ấy. Vì từ lâu, chúng ta đã mặc định Thái Lan là một kiểu kim chỉ nam, một anh cả trong khu vực. Rằng chỉ có đánh bại người Thái trong một cuộc đấu tay đôi, Việt Nam mới có thể vươn lên làm Vua của Đông Nam Á.

Tạm biệt, nỗi ám ảnh Thái Lan đã chỉ còn là quá khứ - Ảnh 2.

Nhưng câu hỏi đặt ra: Vua của Đông Nam Á… để làm gì? Tại sao chúng ta bắt một học sinh đủ tầm thi học sinh giỏi cấp quốc gia về thi giải cấp quận? Nói theo trend: sao không thử mơ lớn một lần cho mọi người trầm trồ? Vậy thì chiến thắng này tạm thời gỡ bỏ cái tảng đá ấy, để chúng ta có thể kéo dài những ngày tháng vui vẻ cùng bóng đá Việt Nam. Bởi vì có điều gì… giải độc newsfeed tốt hơn bóng đá đâu. Tạm biệt vụ án ly hôn bạc tỷ, tạm biệt kiện tụng phái sinh,.... người Việt bỗng có một ngày vui vẻ chỉ nói về những chàng trai nước Việt. Những người đã chỉ cho họ: hãy tự tin bước tới, chúng ta có thể vươn đến những cột mốc chưa ai chạm tới. Bạn nghe Quang Hải nói sau trận không: Chúng ta đồng lòng, chúng ta đá hết sức mình, chúng ta tuân thủ chiến thuật, vậy thì thắng 4-0 có gì ngạc nhiên?

Việt Nam kết thúc vòng loại giải U23 châu Á với thành tích mỹ mãn: toàn thắng 3 trận, ghi 11 bàn và không lọt lưới một bàn nào. Chúng ta sẽ đến với VCK tại Thái vào năm sau với mục tiêu rất rõ ràng: trở thành một trong ba đội mạnh nhất để dự Olympic, để mơ ngày được đấu với những nền bóng đá hùng mạnh nhất hành tinh.

img
img
img
img
img
img

Nhưng thứ đọng lại sau khi vòng loại kết thúc không chỉ có thế. Hãy cùng điểm lại những chi tiết mấu chốt để thấy chúng ta thực sự đang có được những gì.

HLV Park Hang-seo dùng "đại binh" để đấu với Thái. Bùi Tiến Dũng, Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang HảiHà Đức Chinh là những tuyển thủ quốc gia. Trong đó, Đình Trọng, Văn Hậu và Quang Hải là ba cầu thủ vào nhóm xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Ông Park xua đại binh ra thắng người Thái, chính là để gạt bỏ cái tâm lý e dè, sợ sệt ấy. Và ông đã làm được.

Đình Trọng, với 70% phong độ do chưa hồi phục từ ca phẫu thuật, vẫn là người xuất sắc nhất trận. Có thể thấy rất rõ khi có Trọng, ta phòng ngự thật sự chủ động và mạnh dạn pressing. Có Trọng, hai cầu thủ đá cùng vững vàng và tự tin hơn hẳn. Có Trọng, Văn Hậu nguy hiểm tuyệt vời ở hành lang trái. Và cũng vì có Trọng, ta càng thấy rõ một điều: Việt Nam chỉ thực sự nguy hiểm khi đá ở tư thế cửa dưới. Phải, chúng ta chật vật trước Indonesia nhưng thong dong trước Thái chính là ở cái tư thế này. Người Thái nghĩ họ hơn ta và tấn công. Đấy là điều Việt Nam… rất thích. Vì khi Đình Trọng đã làm chủ được hàng thủ, ta bắt đầu thiết lập thế trận phản kích. Kỳ tích Thường Châu, tứ hùng ASIAD có được chính là nhờ cái tư thế cửa dưới này. Việt Nam thực sự rất mạnh khi đá phòng ngự/phản công. Đấy là con đường mà Toshiya Miura chỉ ra, và ông Park quả đã gặp thời thế để biến chiến thuật phản công thành một nghệ thuật.

Tạm biệt, nỗi ám ảnh Thái Lan đã chỉ còn là quá khứ - Ảnh 4.

Chúng ta cần bớt… bào HLV Park Hang-seo và các trụ cột lại. Phải thấy rõ một điều: những lứa cầu thủ xuất sắc không xuất hiện thường xuyên. Đến cả Tây Ban Nha lừng lẫy mất bao nhiêu năm mới có thể xuất hiện cùng lúc những Xavi, Andres Iniesta, Sergio Busquets, David Villa… Việt Nam sẽ mất bao lâu để có một Quang Hải, một Văn Hậu và một Đình Trọng? Đây là lúc mơ lớn, đặt ra mục tiêu thực sự cụ thể, thay vì cứ mãi quẩn quanh những giải khu vực. HLV Park và các trụ cột cần được tập trung sức lực cho những mục tiêu lớn ấy, thay vì phải bào sức ở mọi giải đấu. Thời gian trui rèn lấy kinh nghiệm đã qua một năm rồi. Chúng ta cần những cú bung sức thật mạnh.

Cuối cùng, điều chúng ta cần làm sao khi đã cất bỏ một tảng đá là… phải quên tảng đá ấy đi. Kẻ cần nóng mặt, khó chịu, ám ảnh giờ phải là Thái Lan, đội bóng đã coi việc làm trùm Đông Nam Á như việc hiển nhiên chả cần để tâm nữa. Chiến thắng trước Thái Lan là của một đội bóng cụ thể trong một giải đấu cụ thể. Còn quá sớm và thậm chí là ảo tưởng nếu nói nền bóng đá của ta vượt qua Thái Lan.


Bình Bồng Bột
Sport5
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ27/03/2019