Mức bồi thường nào được áp dụng với tử tù 43 năm Trần Văn Thêm?

Lao Động, Theo 14:24 12/08/2016

Liên quan đến vụ án oan của ông Trần Văn Thêm tại Bắc Ninh, vào ngày 11.8.2016, liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm.

Mức bồi thường nào được áp dụng với tử tù 43 năm Trần Văn Thêm? - Ảnh 1.

Mức bồi thường nào được áp dụng với tử tù 43 năm Trần Văn Thêm

Trước đó, ông Thêm bị kết án và ngồi tù từ năm 1970. Đến năm 1975 thì được thả vì hung thủ giết người đã ra đầu thú, tuy nhiên ông Thêm vẫn mang trên người án oan suốt 43 năm qua.

Có thể nói đây không phải là vụ án oan đầu tiên ở Việt Nam, trước đó dư luận cũng đã biết đến án oan chấn động của ông Huỳnh Văn Nén tại Bình thuận và ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Trước việc kết tội oan cho người vô tội, trách nhiệm của cơ quan chức năng đến đâu, người bị oan sẽ được bồi thường như thế nào và nếu rơi vào trường hợp bị mắc án oan thì người bị oan và gia đình cần chuẩn bị thủ tục và tìm đến cơ quan chức năng nào để được xử lý hiệu quả và nhanh chóng, báo Lao Động đã có buổi trò chuyện với luật sư Lại Xuân Cường để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Liên quan đến vụ án oan của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh bị kết án tử hình vì tội giết người và phải ngồi tù từ năm 1970 đến năm 1975, vừa qua thì cơ quan tố tụng trung ương đã thống nhất vụ giết người của ông Thêm là oan sai.

Vậy theo quy định của luật pháp Việt Nam, người bị kết án oan sai sẽ được bồi thường như thế nào?

LS Lại Xuân Cường: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng nắm được vụ án của ông Trần Văn Thêm ở Yên Phong, Bắc Ninh bị kết án tử hình.

Tuy nhiên vào ngày 11.8.2016, liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm.

Sau khi có buổi công khai xin lỗi chính thức và các cơ quan tiến hành tố tụng xác định ông Trần Văn Thêm đã bị oan sai thì theo quy định của luật bồi thường nhà nước, để xác định ông Thêm được bồi thường những khoản nào thì phải căn cứ vào các quy định của luật bồi thường nhà nước.

Trong trường hợp này, cần phải xác định rõ các thiệt hại mà ông Thêm phải gánh chịu như là các thiệt hại liên quan đến thiệt hại về tài sản, thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong quá trình ông Thêm bị oan sai hay thiệt hại về tổn thất tinh thần cũng như những thiệt hại vật chất do tổn thất tinh thần gây nên.

PV: Sau khi được chính thức minh oan thì ông Thêm và gia đình cần phải làm thêm những thủ tục như thế nào để được hưởng tiền đền bù án oan?

LS Lại Xuân Cường: Sau khi chính thức được các cơ quan liên ngành tố tụng công khai xin lỗi và chính thức được minh oan thì ông Thêm cũng như gia đình ông Thêm cần phải làm các thủ tục theo quy định của luật bồi thường nhà nước để được bồi thường thiệt hại do bị oan sai.

Cụ thể ông Thêm và gia đình phải liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và phải gửi hồ sơ để yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền bồi thường.

Trong trường hợp này, ông Thêm và gia đình phải có đơn yêu cầu về bồi thường thiệt hại và bản sao, hoặc bản chính quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc công nhận oan sai.

PV: Vậy trong trường hợp của ông Trần Văn Thêm thì căn cứ như thế nào để xác định được tiền bồi thường?

LS Lại Xuân Cường: Số tiền bồi thường cho ông Thêm phải căn cứ vào luật bồi thường nhà nước.

Trong trường hợp cụ thể của ông Thêm thì sau khi ông Thêm hoặc gia đình có đơn yêu cầu bồi thường gửi đến cơ quan có thẩm quyền đã gây ra oan sai cho ông Thêm thì theo quy định của luật bồi thường nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền đó trong thời hạn 20 ngày phải xác minh, thu thập những thiệt hại đã gây nên cho ông Thêm và trên cơ sở xác minh thiệt hại đó thì đưa ra một định mức để bồi thường cho ông Thêm và giữa cơ quan đã gây ra oan sai cho ông Thêm và ông Thêm cũng như gia đình của ông Thêm thì hoàn toàn có quyền thương lượng thỏa thuận mức bồi thường.

Tuy nhiên theo quy định của luật bồi thường nhà nước thì trong trường hợp cụ thể này thì ông Thêm sẽ được khoản bồi thường do thiệt hại tài sản bị mất hoặc hư hỏng , khoản bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, khoản bồi thường do tinh thần bị tổn thất trong thời gian bị oan sai và khoản bồi thường về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe.

PV: Ông Trần Văn Thêm bị kết án và ngồi tù từ năm 1970. Đến năm 1975 thì ông được thả vì hung thủ giết người đã ra đầu thú.

Tuy nhiên ông vẫn mang án oan trên người suốt 43 năm qua. Vậy ông có thể cho biết vào thời điểm bắt được hung thủ chính thức thì cơ quan chức năng phải làm các thủ tục như thế nào với người bị bắt oan?

LS Lại Xuân Cường: Các trường hợp như của ông Thêm thì sau khi xác định được hung thủ, các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể ở đây là cơ quan cảnh sát điều tra phải tiến hành điều tra ngay hung thủ đã bắt được hoặc ra tự thú để xem xét hành vi, các dấu hiệu tội phạm và cũng cần xác định rõ là ông Thêm có liên quan đến vụ án hay không, có phải là hung thủ của vụ án hay không để từ đó xác định nếu ông Thêm không có liên quan hoặc không phải là thủ phạm thì phải có các quyết định kịp thời như quyết định đình chỉ vụ án hoặc bị can đối với ông Trần Văn Thêm.

PV: Vào ngày 11.8.2016, liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm.

Vậy những người có liên quan đến vụ oan sai của ông Thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ có trách nhiệm và bị xử lý như thế nào?

LS Lại Xuân Cường: Tại thời điểm này, phải xác định rõ, ông Thêm đã bị oan sai. Sau vụ án oan sai này cần phải xem xét lại trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đã gây ra oan sai này.

Để xác định được mức xử lý đối với các cá nhân tổ chức thì theo tôi nghĩ việc này cần phải có các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để tiến hành điều tra xem xét, dựa trên tính chất mức độ cũng như hậu quả thì từ đó mới đưa ra được hình thức xử lý đối với các cá nhân tổ chức có liên quan.

PV: Đây không phải vụ án oan đầu tiên ở Việt Nam, trước đó, dư luận từng biết đến hai vụ án oan nổi tiếng của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận và ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Vậy trong những trường hợp biết mình bị oan thì người bị oan sai và gia đình cần tiến hành những thủ tục gì và làm việc với các cơ quan chức năng nào để được xử lý một cách hiệu quả và nhanh nhất?

LS Lại Xuân Cường: Đối với các công dân nói chung thì hầu hết trình độ và nhận thức về pháp luật vẫn chưa được tốt nên nhiều khi dù biết mình chắc chắn không phải hung thủ hay không phải đối tượng ở trong vụ án nào đó nhưng lại không xác định được hướng để kêu oan cho mình.

Trong trường hợp này, các công dân đó hoặc người nhà nên tham vấn các cá nhân tổ chức có hiểu biết về pháp luật để đưa ra định hướng phương hướng.

Ví dụ, người bị oan cần phải xác định rõ việc của mình đang ở giai đoạn nào của quá trình tố tụng khi đó mới xác định được chúng ta cần làm đơn để kêu oan hoặc có những kiến nghị hoặc có những đề nghị đến đúng cơ quan đó để các cơ quan đó tiến hành xử lý giải quyết.

Ví dụ đang ở giai đoạn điều tra thì nên gửi đến thủ trưởng hoặc cấp trên của cơ quan điều tra, khi ở giai đoạn truy tố thì nên gửi đơn đến các cơ quan thuộc viện kiểm sát hay nếu đang ở giai đoạn xét xử thì nên gửi đến lên tòa án, các cơ quan xét xử để tiến hành giải quyết.

Nếu không xác định được điều này sẽ dẫn đến việc đơn thư gửi đến không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc có thể liên quan đến vượt thẩm quyền thì việc kêu oan sẽ trở nên lòng vòng và mất thời gian, không đem lại hiệu quả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày