6 điều nhất định phải biết trước khi cầm tiền đi mua điện thoại cũ

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 28/10/2017

Mùa mua sắm cuối năm sắp tới và iPhone X cũng sắp về, đừng để bị thành con "cá mắc câu" trong dòng lũ smartphone second-hand giá rẻ nhé!

Việc mua lại smartphone hàng "second-hand" đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt luôn là một lựa chọn phổ biến đối với mọi người hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, việc kiểm tra và đảm bảo chiếc smartphone mình mua về vẫn hoạt động tốt và đúng "like new 99%" như người bán nói thì lại không phải ai cũng biết cách, nên nhiều khi có thể bị lừa một cách đau đớn.

Nhằm tránh mua phải hàng đội giá mà chất lượng kém, thì hãy nắm rõ những bước sau đây để không bị trở thành con mồi ngon cho những kẻ buôn bán mờ ám nữa nhé:

1. Đừng mua smartphone quá "già"

6 điều nhất định phải biết trước khi cầm tiền đi mua điện thoại cũ - Ảnh 1.

Những chiếc iPhone 4 và 4s sẽ hợp với một góc lưu giữ kỷ niệm hơn là tin tưởng sử dụng tiếp.

Những thế hệ smartphone đã ra đời từ cách đây 4-5 năm thường đã không còn được sản xuất từ khoảng 2 năm trở lên rồi. Vì thế, hàng qua sử dụng, dù cẩn thận lắm thì cũng không tránh khỏi tác động của thời gian lên cả phần cứng lẫn phần mềm.

Phần cứng, cấu hình thì đã cũ hơn hiện tại được 2 năm, cho nên có thể bị "hao mòn" hiệu suất do tuổi đời, cộng thêm việc những bản cập nhật mới có thể đã là hơi nặng và khiến máy bị trì trệ. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều chức năng hoặc ứng dụng phổ biến lại có thể trở thành nỗi khó chịu vì liên tục giật, lag, thậm chí "sập" luôn hoặc không còn hỗ trợ toàn bộ tính năng mới.

2. Xem xét tình trạng diện mạo bên ngoài

6 điều nhất định phải biết trước khi cầm tiền đi mua điện thoại cũ - Ảnh 2.

Gặp tình trạng thế này thì hãy "nói lời tạm biệt" sớm.

Bắt buộc chiếc smartphone đã qua sử dụng phải thật mới và sáng bóng 100% thì hơi khó, nhưng ít nhất hãy đảm bảo nó có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Kiểm tra các góc cạnh và viền máy xem có va đập nhiều không, các mối ốc xem có tháo mở cẩu thả...

Nếu máy có một vài vết xước nhỏ mà rõ thấy thì đó có thể là một lợi thế thương lượng giá cả cho bạn. Nhưng đừng quá ham rẻ mà chọn cả những máy bị nứt vỡ khó sửa, hoặc xuất hiện ở gần vùng nhạy cảm như pin, màn hình. Chi phí để sửa chữa triệt để sau này nếu như có gì trầm trọng phát sinh sẽ còn hơn số tiền bạn được giảm khi mua máy rất nhiều đó.

3. Kiểm tra các loại "khóa"

6 điều nhất định phải biết trước khi cầm tiền đi mua điện thoại cũ - Ảnh 3.

iPhone Lock và SIM ghép vẫn đang là vấn đề nóng gây tranh cãi.

Các loại khóa ở đây là khóa nhà mạngkhóa tài khoản hệ thống.

Smartphone khóa nhà mạng nhập từ nước ngoài sẽ có giá rẻ hơn đáng kể, nhưng tất nhiên lại chịu rủi ro trong việc "lách luật" để dùng mạng nội địa, chưa kể việc có khả năng bị chặn không thể lách được, hoặc phải chịu những hạn chế về cập nhật, phần mềm. Đã bao giờ nghĩ đến việc bị "mắc kẹt" với một chiếc iPhone Lock chỉ có thể hoạt động đúng nghĩa khi... ở bên Nhật hay chưa?

Ngoài ra, khi giao dịch, hãy đảm bảo máy cũ không còn bị khóa bởi tài khoản bảo mật cá nhân của chủ cũ - đặc biệt là iPhone. Cơ chế bảo mật iCloud của Apple rất chặt chẽ - nếu chủ nhân cũ hoặc người bán không đảm bảo đưa máy về tình trạng gốc "trống không" ban đầu, đừng dại dột mà chấp nhận trả giá. Đó sẽ là lỗ hổng cực nguy hiểm cho chính lợi ích cá nhân bạn trong việc quản lý và bảo mật máy.

4. Đừng mua máy trộm cắp bất chính

6 điều nhất định phải biết trước khi cầm tiền đi mua điện thoại cũ - Ảnh 4.

Một trong những khả năng có thể bạn gặp phải đó là chiếc smartphone sắp mua là hàng... trộm cắp, cướp giật trước đó. Thông thường, những chiếc smartphone này sẽ được chào mời với giá rất hấp dẫn và dồn dập, nên hãy cảnh giác.

Để check xem mình có bị rơi vào tình cảnh đó hay không, hãy đối chiếu số IMEI, serial number trong hệ thống với hộp (nếu có) hoặc lên các website chính chủ của hãng đối chiếu cho chính xác.

5. "Đồng tiền đi liền khúc ruột"

6 điều nhất định phải biết trước khi cầm tiền đi mua điện thoại cũ - Ảnh 5.

Yếu tố tưởng chừng như phải được nhìn đến đầu tiên này nhưng lại được đẩy xuống gần cuối cùng, vì quả thật, nếu như 4 tiêu chí trên mà không thể vượt qua thì nó hoàn toàn không xứng để bạn mạo hiểm túi tiền và cả quyền lợi cũng như an toàn của bản thân mình.

Hãy cân nhắc kỹ càng: Nếu giá quá thấp, nên cảnh giác và tìm hiểu nguồn gốc chu đáo vì nó có thể là hàng ăn cắp, hàng dựng cũ hoặc hỏng hóc nhiều. Nếu giá quá cao và gần với những thế hệ mới, thử tìm thêm vài lựa chọn khác hợp lý hơn rồi quay trở lại sau. Còn giá ổn định và chấp nhận được, cứ tuân theo 4 "quy chuẩn" trên mà thương lượng tùy diễn biến là xong.

6. Người bán và thời hạn đổi trả

6 điều nhất định phải biết trước khi cầm tiền đi mua điện thoại cũ - Ảnh 6.

Luôn lựa chọn cửa hàng/người bán có uy tín và được giới thiệu từ trước, và yêu cầu một thời hạn dùng thử máy được đổi trả nếu có lỗi phát sinh. Tất nhiên thời gian đó sẽ không lâu như tận 12 tháng của hàng chính hãng nguyên gốc, nhưng đó là một phần quyền lợi mà bạn phải có được cho mình bất kể là máy cũ hay mới.

Tổng kết

Dù sao thì vẫn có một sự thật ai cũng thừa nhận rằng, kể cả có đi theo mọi chỉ dẫn nghiêm túc như trên thì rủi ro từ việc mua smartphone "second-hand" vẫn luôn tiềm ẩn, nhưng ít nhất nó sẽ được giảm thiểu đáng kể nếu bạn làm đúng như vậy. Một mùa mua sắm cuối năm nữa lại sắp đến rồi, chúc các bạn có được cho mình những quyết định và cơ hội sáng suốt nhất!

(Tổng hợp)