Mưa rơi trên sa mạc: tưởng may mắn nhưng hóa ra lại là hủy diệt hàng loạt

J.D, Theo Helino 18:32 21/11/2018

Khi sa mạc khô hạn nhất thế giới Atacama nhận được những giọt mưa đầu tiên sau hàng thế kỷ, ai cũng nghĩ đó là một tin đáng mừng. Nhưng rất tiếc, hiệu ứng nó mang lại hóa ra là cực kỳ kinh khủng.

Sa mạc Atacama tại Chile là một trong những sa mạc lâu đời và khô hạn bậc nhất trên Trái đất. Thậm chí, khoa học còn ví nó với "địa ngục có thật" trên trần gian.

Sự khô hạn của Atacama không phải là hư danh. Các bằng chứng hóa thạch chỉ ra rằng Atacama đã trở nên cực kỳ khô hạn vào khoảng 15 triệu năm trước. Và trong suốt 500 năm gần nhất, nó gần như chẳng có lấy một giọt mưa.

Thế rồi mọi chuyện bỗng dưng thay đổi vào năm 2015, khi Atacama đón nhận những giọt mưa đầu tiên sau hàng thế kỷ. Rồi đến năm 2017, lại một trận mưa khác đổ xuống vào tháng 6. Trận mưa ấy đã kích thích hơn 200 loài thực vật trong sa mạc nảy mầm, rồi tạo ra những cánh đồng hoa rực rỡ chưa từng thấy. 

Mưa trên sa mạc - ai cũng nghĩ đó là một điềm may mắn. Chỉ tiếc rằng theo một nghiên cứu mới đây thì không phải như vậy. Hóa ra, những cơn mưa tại đây thực chất lại mang đến sự hủy diệt.

Cụ thể, nghiên cứu do các chuyên gia từ ĐH Cornell thực hiện. "Ai cũng hy vọng về một cuộc bùng nổ sự sống tại sa mạc. Nhưng chúng tôi lại thấy một sự thật ngược lại, vì mưa rơi ở một nơi cực kỳ khô hạn như vùng trung tâm của Atacama đã gây ra sự hủy diệt hàng loạt đối với đời sống vi sinh vật tại đây." - trích lời Alberto Fairén, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Mưa rơi trên sa mạc: tưởng may mắn nhưng hóa ra lại là hủy diệt hàng loạt - Ảnh 2.

Theo Fairén, khu vực này từng có khoảng 16 loài cổ vi sinh vật khác nhau. Nhưng sau khi mưa rơi, hiện chỉ còn 2 - 4 loài mà thôi. Các loài còn lại, chúng biến mất một cách sạch sẽ. 

Fairén cho biết, các loài vi sinh vật này vốn chiếm đến 85% sự sống trong đất tại sa mạc Atacama. Nhưng sự xuất hiện đột ngột của nước mưa đã tạo ra một áp lực quá lớn với chúng - những sinh vật vốn đã tiến hóa để chịu đựng được sự khô hạn của sa mạc. Chúng đã không thể thích nghi, và rồi bị hủy diệt hoàn toàn. 

Được biết, Atacama vốn là một nơi cằn cỗi đến mức các nhà khoa học tin rằng môi trường trên sao Hỏa cũng gần như tương tự. Thế nên, phát hiện này cũng vô tình khiến chúng ta phải lo ngại cho khát vọng hồi sinh sự sống trên sao Hỏa.

Sao Hỏa đã từng là một nơi có rất nhiều nước, vào giai đoạn 4,5 - 3,5 tỉ năm về trước. Sau đó nó trở thành một nơi khô hạn đến cùng cực vì từ trường biến mất. Nhưng giả sử như trên đó vẫn tồn tại các loài vi sinh vật thì sao? Nếu có, chúng hẳn đã thích nghi với sự khô hạn ở đó rồi.

Mưa rơi trên sa mạc: tưởng may mắn nhưng hóa ra lại là hủy diệt hàng loạt - Ảnh 3.

"Nếu hiện vẫn còn các loài vi sinh vật có thể chịu đựng được sự khô hạn của sao Hỏa, chúng cũng sẽ phải chịu áp lực tương tự với "đồng loại" ở Atacama nếu như chúng ta mang nước lên đó." - Fairén cho biết.

Dù vậy, mọi hy vọng cũng không hẳn là đã chấm dứt. Những gì nghiên cứu chỉ ra là sự xuất hiện của nước có thể khiến sự sống tại Atacama (và sao Hỏa) bị hủy diệt, cũng như các khu vực khác trong hệ Mặt trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng tìm thấy một lượng nitrate lớn dưới lòng đất Atacama, đóng vai trò là thức ăn cho các vi sinh vật. Và gần đây, chúng ta cũng tìm thấy nitrate ở sao Hỏa, và điều này có thể là dấu hiệu cho thấy vi sinh vật thực sự tồn tại ở hành tinh Đỏ. 

Tham khảo: Atacama