The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội

Nguyễn Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:19 14/01/2016

"The Lobster" là một bộ phim đầy chất kịch nghệ qua góc nhìn lạ lẫm của đạo diễn Yorgos Lanthimos về thân phận những con người trong xã hội hà khắc.

The Lobster là bộ phim hài – chính kịch đã giành được giải Cành cọ vàng danh giá tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 68 vừa rồi. Tác phẩm đưa ra một giả thuyết thú vị về tương lai gần, vào thời điểm mọi công dân còn độc thân bị xem là thành phần cản trở với sự phát triển của thế giới.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 1.

Thay vì bị "trừ khử" như nhiều phim lấy bối cảnh xã hội tương lai có phần cực đoan hơn, họ được "tải" đến một nơi gọi là Khách sạn, để tìm bạn đời trong 45 ngày. Trung tâm mai mối này có vẻ rất tử tế khi cung đầy đủ nơi ở, đồ ăn, phương tiện giải trí. Thế nhưng sau mốc thời gian được quy định, những kẻ thất bại trong việc tìm kiếm "nửa còn lại" sẽ bị biến đổi thành… động vật.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 2.

Tương lai có thể là nơi mà "dân "F.A" bị biến thành…con thú

Và như đã lường sẵn ý kiến "Ôi tưởng gì, tôi thà làm con vật còn hơn làm người", bộ phim mở đầu bằng cảnh một người đàn bà lạ mặt bắn chết một con lừa, như để nói rằng việc hóa thành động vật chẳng có gì là tốt đẹp đâu!

Riêng nhân vật chính của chúng ta - David (Colin Farrell), đã chọn trước loài tôm hùm, vì đây là loài máu lạnh và thọ hơn trăm tuổi. Sau khi li dị với vợ, ông bị áp tải đến Khách sạn, mang theo một chú chó không ai khác chính là người anh trai của mình. Vì còn nặng tình và quá ngán ngẩm với cuộc sống, việc có giành được chiếc vé "làm người" hay không vốn không phải là điều khiến David bận tâm.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 3.

Tài tử Collin Farrell vào vai người đàn ông mất niềm tin vào tình yêu

Trong cuộc đời, có những lúc chuyện tình yêu không còn là chuyện riêng, có những lúc việc lập gia đình đã trở thành nghĩa vụ. Các nhân viên Khách sạn ẩn ý cho định kiến của xã hội, sự hối thúc của các bậc phụ huynh mà chúng ta chỉ phải đối mặt khi đã đến tuổi trưởng thành. Những tình tiết này dễ khiến khán giả có nghiên cứu về ngành khoa học xã hội liên tưởng đến thực trạng về dân số già diễn ra trên toàn thế giới, khi nhiều cá nhân tự đáp ứng được tài chính cho rằng việc tìm kiếm bạn đời là không cần thiết. Lúc này, Chính phủ/Khách sạn phải đưa ra những biện pháp, từ khuyến khích cho đến tước đoạt quyền lợi, để đảm bảo rằng họ sẽ không "F.A" như thế đến cả đời.

Những thứ lí thuyết mị dân quen thuộc cứ thế được rao giảng trong giờ ăn trưa, rằng mỗi người sẽ không là gì nếu không có bạn đời, rằng độc thân là một điều gì đó rất tệ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ngoài đời chắc không bậc phụ huynh nào bắt con mình cầm súng lên để bắn những Kẻ đơn độc để kéo dài thời gian độc-thân-hợp-pháp.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 4.

Và nếu như Khách sạn như một quốc gia theo thể chế chính trị là Tình yêu thì những Kẻ đơn độc lại theo chủ nghĩa bài trừ sự lãng mạn. Trong trường hợp tương lai gần này xảy ra thật thì đây đích thị là tổ chức của những người không lập gia đình, vì phần lớn những người này khá bê bối, bẩn thỉu và tất cả đều phải tự lo cho chính bản thân mình.

Khi nửa thời lượng phim trôi qua, khán giả mới giật mình nhớ lại rằng đây chỉ là chuyện của một người đi tìm tình yêu, những yếu tố bạo lực, khung cảnh săn đuổi như "Đấu trường sinh tử" vốn chỉ là sự phức tạp hóa, hư cấu hóa những mâu thuẫn nội tại trong một con người khi đối mặt với những chuẩn mực mà xã hội cưỡng ép họ tuân theo. Bao trùm bộ phim cũng là những gam lạnh biến thiên từ xám xanh đến trắng. Khách sạn ấy nói chung và thế giới ấy nói riêng đầy rẫy những luật lệ kì lạ thể hiện sự phân biệt đối xử với những con người độc thân.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 5.

Họ chỉ dám đi theo cặp để vào Thành phố. Ngay cả khi đứng một mình nơi đông người thì sẽ ngay lập tức có một sĩ quan đến hỏi chuyện. Đây cũng là câu chuyện của những cá nhân viển vông mãi mãi khao khát tìm điểm chung ở người mình yêu. Có hai người trong Khách sạn đã thành đôi chỉ vì họ đều hay chảy máu mũi, ngay cả khi đó là do ông chồng đã rất siêng năng đập đầu vào tường và rưới lên người các thứ nước cà chua để đến được với cô vợ. The Lobster hẳn đã làm đạo diễn Yorgos Lanthimos rất hài lòng vì ngay cả khi làm phim về tình yêu, ông cũng không thích phản ánh hiện thực đơn thuần, mà muốn tạo nên một cấu trúc và hệ thống riêng để quan sát hành vi của con người trong những hoàn cảnh đặc biệt.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 6.

Đạo diễn Yorgos Lanthimos

Đây chính là xu hướng thực nghiệm mà đạo diễn người Hi Lạp theo đuổi. Trong thế giới thực nghiệm của ông, không ai có tên có tuổi cụ thể. Khán giả chỉ biết họ là cô Cận Thị, cô Hay Chảy Máu Cam, là anh Nói Ngọng, là anh Thọt Chân. Ngay cả người duy nhất được đặt tên là David, cái tên quen thuộc của hàng nghìn người đàn ông trên thế giới, cũng không để lộ họ của mình. Với cách gạt bỏ đi những chi tiết định hình cá thể ấy, ông muốn gửi gắm thông điệp rằng đây chỉ là những gì đã và đang diễn ra xảy ra trong đời sống hiện tại; rằng những David đang trầy trật về tình yêu, những cô Máu Cam bị lừa dối có thể là bất kì ai trên đời này.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 7.

Mỗi người trong tác phẩm dùng đặc điểm nhận dạng để thay thế cho tên gọi

Diễn xuất của các nhân vật trong bộ phim cũng không kém phần đặc biệt khi các họ đều mang vẻ lạnh lùng và gượng gạo có chủ đích: David và cô Cận Thị đều trò chuyện với nhau một cách khô cứng như thể tài tử Colin Farrell và kiều nữ Rachel Weisz chỉ học thuộc lời thoại vậy. Nhưng đó là bởi vì đa phần bộ phim miêu tả những con người chưa tìm được tình yêu của đời mình, vì thế giới của những Kẻ độc thân chỉ có thể khô khan và lạnh lùng như vậy thôi. Thế nên đạo diễn mới để cho cảnh tự nhiên nhất, đầy cảm xúc nhất bộ phim chính là cảnh hai nhân vật này quấn lấy nhau không rời sau khi họ rơi vào bể tình.

The Lobster - Khi F.A cũng là một cái tội - Ảnh 8.

Với tất cả những yếu tố kì lạ ấy, The Lobster chính là sự kết hợp đầy khéo léo giữa thể loại hài tình cảm với những yếu tố giật gân đầy bất ngờ. Mỗi người đều có thể tự tìm thấy chính mình trong The Lobster, chỉ phút trước thôi bạn còn nghĩ David có thể kì cục và khờ dại đến thế, để ngay lập tức nhận ra rằng: ngay cả trước và sau khi tìm được tình yêu, chính chúng ta cũng kì cục và khờ dại chẳng khác gì người đàn ông "Tôm hùm" này.

The Lobster cũng cho ta biết rằng, trong trường hợp không tìm được tình yêu, đa phần mọi người sẽ muốn sống cuộc đời thảnh thơi vô tư của loài chó, một sinh vật đầy chung thủy. Còn bạn, bạn sẽ chọn loài vật gì?