Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Anh cho thấy: Ăn tất cả các bữa trước 3h chiều và kết quả thật tuyệt vời

Oct, Theo Helino 12:12 12/05/2018

Một chế độ ăn kỳ lạ, nhưng kết quả thực sự đáng kinh ngạc.

Một ngày bạn ăn mấy bữa? Với người bình thường thì là 3, gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, chưa tính ăn vặt.

Và chế độ ăn đó mang lại cho bạn điều gì? Nếu bạn sống khoẻ, sống tốt thì hãy bỏ qua. Nhưng nếu thừa cân, cả ngày cứ thèm ăn vặt, đặc biệt là vào ban đêm thì cần phải suy nghĩ lại. Ăn uống như vậy dường như không phù hợp với bạn đâu.

Vậy thì phải ăn như thế nào? Theo một nghiên cứu mới đây do các chuyên gia từ ĐH Alabama (chi nhánh Birmingham, Anh Quốc) thực hiện, thì có một chế độ ăn rất kỳ lạ, nhưng hiệu quả thì không ngờ. Công dụng của nó là hạ huyết áp, giảm đường huyết, và đặc biệt là giúp bạn giảm cân vì không còn thèm ăn vặt nữa.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Anh cho thấy: Ăn tất cả các bữa trước 3h chiều và kết quả thật tuyệt vời - Ảnh 1.

Bí quyết đó là: Hãy ăn tất cả các bữa của bạn trước 3h chiều. Hay nói cách khác là sau thời điểm đó, đừng có bỏ cái gì vào miệng cả.

Chế độ ăn này được gọi là "early time-restricted feeding" (eTRF - tạm dịch: "khống chế ăn sớm"). Và đây là thí nghiệm khoa học đầu tiên về độ hiệu quả của chế độ này trên con người.

Trên thực tế, đã từng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng việc nhịn ăn trong thời gian ngắn có thể cải thiện sự trao đổi chất và sức khỏe tổng thể. Và nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu lý do vì sao.

Theo giáo sư Courtney Peterson, nguyên nhân có thể là vì chế độ ăn này đã phục vụ đúng theo đồng hồ sinh học của chúng ta.

Hành trình biến động hormone ở người

Với một người khỏe mạnh thì mỗi sáng thức dậy, lượng cortisol (hormon stress) sẽ đạt đỉnh vào khoảng 8h sáng, và bạn sẽ cần ăn, bổ sung năng lượng để hoàn toàn tỉnh giấc.

Lý tưởng nhất là bạn nên thức dậy nhờ ánh sáng tự nhiên ở thời điểm cortisol đạt đỉnh. Khi ấy, não bộ sẽ sản sinh cả adrenalin nữa, và bạn nhận được nhiều năng lượng hơn.

Bên cạnh đó thì vào buổi trưa, cortisol sẽ giảm dần, trong khi adrenalin và serotonin (hormone cảm xúc) sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên vào buổi trưa, thân nhiệt và quá trình trao đổi chất được đẩy mạnh, khiến bạn có cảm giác đói.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Anh cho thấy: Ăn tất cả các bữa trước 3h chiều và kết quả thật tuyệt vời - Ảnh 2.

Mọi bữa ăn nên kết thúc trước 3h chiều

Đến chiều, cortisol tiếp tục giảm, nhưng hệ trao đổi chất sẽ chậm dần lại vì mệt mỏi. Serotonin sẽ dần nhường chỗ cho melatonin - hormone gây buồn ngủ. Và khi chạm mốc 3h sáng, cortisol đã ở mức thấp bậc nhất, rồi lại tăng trở lại vào sáng hôm sau.

Nêu vậy để thấy rằng vào ban đêm, hệ trao đổi chất bắt đầu chậm chạp hẳn lại. Nếu ăn uống vào lúc này, bạn đang tự làm hại mình.

"Cơ thể của chúng ta được chia thành nhiều giai đoạn trong ngày, và nếu ăn uống khớp theo nhịp độ ấy sẽ giúp sức khỏe của bạn tốt hơn rất nhiều." - giáo sư Peterson cho biết.

"Ví dụ, khả năng kiểm soát đường huyết của chúng ta tốt hơn vào buổi sáng, nhưng tệ dần khi chiều xuống và vào buổi tối. Đó là lý do bạn nên ăn nhiều vào buổi sáng và đầu giờ chiều."

Ăn trước 3h chiều liệu có hiệu quả gì?

Trong nghiên cứu của Peterson, 8 nam giới đang trong giai đoạn "tiền tiểu đường" đã dành 5 tuần theo chế độ eTRF, và rồi thêm 5 tuần quay về chế độ thông thường của một người Mỹ điển hình.

Với eTRF, nhóm ứng viên ăn sáng từ 6h30 - 8h30, và "bữa tối" kết thúc từ trước 3h chiều. Toàn bộ thời gian sau đó - tức là khoảng 18h - họ không ăn bất kỳ thứ gì.

Còn khi ăn theo chế độ thường, họ ăn trong giai đoạn 12h. Nhưng dù ăn cùng một loại thực phẩm, cùng lượng calorie nạp vào, cùng số carbohydrate, protein, chất béo... thì kết quả vẫn khác hẳn.

Khi theo eTRF, nhóm ứng viên cải thiện độ nhạy với insulin, do đó lượng đường huyết trong máu không còn gây nguy hiểm nữa. Ngoài ra, huyết áp cũng giảm, và sự thèm ăn vào các thời điểm khác trong ngày cũng vậy.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Anh cho thấy: Ăn tất cả các bữa trước 3h chiều và kết quả thật tuyệt vời - Ảnh 3.

Khi không ăn quá nhiều nữa, chúng ta hoàn toàn có thể giảm được cân

Dù nghiên cứu có quy mô nhỏ, nhưng giáo sư Peterson cho rằng nó giúp chúng ta có thêm thông tin về thời điểm ăn nào trong ngày là tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với hệ trao đổi chất.

"Trước kia, chúng ta vẫn biết việc nhịn ăn trong thời gian ngắn có thể cải thiện khả năng trao đổi chất," - Peterson chia sẻ.

"Tuy nhiên, hiệu quả ấy có phải đơn giản chỉ là do con người ta ăn ít đi và giảm được cân hay không thì chưa ai hiểu."

"Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng việc ăn theo chế độ tuân thủ theo đồng hồ sinh học là cực kỳ hợp lý."

Tiến sĩ Eric Ravussin - giám đốc trung tâm nghiên cứu béo phì và là đồng tác giả nghiên cứu bổ sung thêm rằng, kết quả này có thể đem lại tiềm năng điều trị cho các bệnh nhân mắc tiểu đường. Nhưng dù vậy, vẫn cần các nghiên cứu quy mô lớn hơn để tái khẳng định lại điều đó.

Tham khảo: Daily Mail