Một ca sĩ khiếm thị bị từ chối mở thẻ ATM

HỒNG MINH, Theo Pháp luật TP.HCM 09:57 23/10/2017

Có thể ngân hàng lo cho sự an toàn của người khiếm thị nhưng việc từ chối mở thẻ ATM cho họ là sai luật.

Ngày 14-10, ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông đến phòng giao dịch của Vietcombank ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM để mở tài khoản ATM. Tuy nhiên, yêu cầu của anh đã bị từ chối.

Anh Đông bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM:Tuy khiếm thị nhưng tôi không mất năng lực hành vi dân sự. Tôi xoay xở làm được mọi việc trong cuộc sống của mình. Tôi nghĩ không nên phân biệt đối xử với người khiếm thị”.

Liên hệ với chi nhánh Vietcombank Cộng Hòa, ông Trương Thế Anh, Phó phòng giao dịch của chi nhánh này, cho biết theo quy định của ngân hàng thì khách hàng là người khiếm thị vẫn có quyền mở tài khoản nhưng không được cung ứng các dịch vụ làm thẻ ATM và ngân hàng điện tử. Ông Thế Anh cho rằng: “Những quy định này để tránh rủi ro cho khách hàng vì họ là người khiếm thị, giao dịch qua ATM và ngân hàng điện tử không an toàn cho họ”.

Một ca sĩ khiếm thị bị từ chối mở thẻ ATM - Ảnh 1.

Ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông khẳng định anh có thể tự giao dịch với thẻ ATM, khi cần thiết sẽ nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ. Ảnh: HỒNG MINH

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, bà Đoàn Thị Phương Chi, Phó Trưởng phòng Thẻ Vietcombank TP.HCM, nói: “Anh Đông có lẽ là người khiếm thị đầu tiên đến xin mở thẻ ATM nên các bạn ở phòng giao dịch Cộng Hòa từ chối để bảo vệ khách hàng. Có rất nhiều rủi ro cho các bạn khiếm thị vì họ không nhìn thấy được. Tuy nhiên, đây là nhóm đối tượng phải được quan tâm để họ được hưởng quyền bình đẳng như mọi người. Vì vậy tôi sẽ có ý kiến với ban điều hành để họ có ý kiến, giải pháp giúp đỡ người khiếm thị”.

Sau khi bị Ngân hàng Vietcombank từ chối, anh Hà Văn Đông đã đến Ngân hàng ACB - Chi nhánh Phan Đăng Lưu đề nghị mở thẻ và được chấp nhận. Anh Đông bày tỏ: “Tôi thuộc các phím số nên rút tiền tại ATM không có gì khó khăn. Nếu giao dịch số tiền lớn, tôi nhờ người đi cùng thực hiện giúp. Nhân viên ngân hàng cũng sẵn sàng giúp tôi khi tôi đến cây ATM. Nói chung, việc sử dụng thẻ ATM với tôi không có gì khó khăn cả”.

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng theo điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư 19/2016 của Ngân hàng Nhà nước thì người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Theo quy định của BLDS, người khiếm thị là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Do đó việc ngân hàng từ chối mở thẻ ATM là không phù hợp quy định pháp luật nêu trên. “Tôi nghĩ có thể nhân viên giao dịch ngân hàng lo lắng, muốn hạn chế rủi ro cho khách hàng. Thế nhưng đối với người khuyết tật, chúng ta có trách nhiệm tìm giải pháp chứ không nên từ chối họ” - luật sư Trí nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày