Móc túi, khủng bố… và những gian nan của phóng viên Việt Nam trên đường tác nghiệp Euro 2016

Song Nhi, Theo Trí Thức Trẻ 11:48 21/06/2016

Mặt méo xệch vì bị móc túi, phóng viên Hoàng Linh của báo Bóng đá vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra ngay trong những ngày đầu tiên đặt chân tới Paris tác nghiệp Euro 2016.

Hoàng Linh và Hồ Phương là 2 trong số 3 phóng viên của báo Bóng đá được cử sang Pháp tác nghiệp Euro 2016. Trước khi lên máy bay, hai đồng nghiệp của chúng tôi đã được cảnh báo về nạn móc túi, trộm cắp và những rủi ro có thể sẽ xảy ra trên đất Pháp.

Nhưng phải tận mục sở thị mới thấy được những kỹ năng móc túi của đạo chích Pháp siêu việt thế nào. Sau khi rời Chantilly nơi đội tuyển Anh đóng quân, 2 phóng viên Hồ Phương và Hoàng Linh lên tuyến metro đầu tiên để di chuyển về Paris. Mặc dù đã rất cẩn thận bảo vệ tài sản tùy thân, nhưng phóng viên Hoàng Linh đã phải khóc dở mếu dở.

Móc túi, khủng bố… và những gian nan của phóng viên Việt Nam trên đường tác nghiệp Euro 2016 - Ảnh 1.

Phóng viên Hoàng Linh kiểm tra lại chiếc ví bị đạo chích móc mất và tất cả tiền mang theo trong ví đã không cánh mà bay.

Chỉ sau vài phút đứng trên tàu, một khách nữ tiến đến và chỉ tay về phía sàn tàu nơi chiếc ví của phóng viên Hoàng Linh đang nằm ở đó. Tất cả số tiền trong ví đã không cánh mà bay, cũng may là tên đạo chích còn "nhân đạo" để lại giấy tờ tùy thân cho phóng viên Hoàng Linh.

Theo lời của những nhân chứng, tên đạo chích chẳng phải ai xa lạ mà chính là một người đàn ông với khuôn mặt thân thiện, lịch sự, tay cầm túi bánh mì baguette và còn mỉm cười sau khi va phải chúng tôi. Bị móc túi ngay trong những ngày đầu tiên tác nghiệp, đó sẽ là kỷ niệm khó quên với phóng viên Hoàng Linh.

Móc túi, khủng bố… và những gian nan của phóng viên Việt Nam trên đường tác nghiệp Euro 2016 - Ảnh 2.

Phóng viên Hoàng Linh đang trò chuyện với 2 cổ động viên Romania.

Nhưng đó chỉ là một trong vô vàn khó khăn mà các phóng viên, nhà báo trực tiếp tác nghiệp Euro 2016 trên đất Pháp. "Chúng tôi phải di chuyển khá nhiều trong một thời gian ngắn: 4 thành phố chỉ trong 11 ngày đến đây. Mạng internet không phủ khắp và tốt như ở Việt Nam mình, đặc biệt là những thành phố nhỏ như Lille hay Lens. Giá cả sinh hoạt khá đắt đỏ, rẻ nhất là tự mua đồ về nấu thì lại rất mất thời gian. Ngôn ngữ cũng là vấn đề khi phần lớn người Pháp nói tiếng Anh không tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đối mặt với những rủi ro như gặp phải cổ động viên say xỉn, đánh nhau, hooligan…", phóng viên Hồ Phương chia sẻ.

Việt Nam từ lâu đã chuyển sang sử dụng internet cáp quang, nhưng nhiều nơi ngay chính tại Paris vẫn phải sử dụng mạng không dây với tốc độ chậm như rùa bò. Nhằm đảm bảo lượng tin bài được gửi về một cách nhanh nhất, phóng viên Hoàng Linh phải mua một chiếc sim của hãng Orange trị giá 15 euro, nạp thêm 20 euro (500.000 VNĐ) thì trong tài khoản chỉ có 600 Mb dung lượng Internet tốc độ cao. Mất chừng ấy tiền cũng chỉ để đổi lấy dung lượng ngang với khoảng 100 bức ảnh chất lượng cao cùng 4 clip HD quãng ngắn.

Móc túi, khủng bố… và những gian nan của phóng viên Việt Nam trên đường tác nghiệp Euro 2016 - Ảnh 3.

Phóng viên Hồ Phương chia sẻ những khó khăn khi tác nghiệp ở Euro 2016.

Trên đường tác nghiệp trực tiếp trên đất Pháp, các phóng viên, nhà báo Việt Nam còn không ít phen rùng mình. Những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, những đám cổ động viên quá khích, mà nếu không may rơi vào tình huống này, không loại trừ khả năng tính mạng bị đe dọa, hay chí ít cũng mang thương tích trên mình. Nhưng trong gian nan, các phóng viên, nhà báo Việt Nam cũng cảm nhận được tình cảm nồng ấm từ những kiều bào Việt Nam đang học tập và sinh sống trên đất Pháp.

Phóng viên tác nghiệp bên Pháp phấp phỏng, những phóng viên, biên tập viên ở Việt Nam cũng vất vả không kém để có thể đưa tới độc giả những thông tin nóng hổi nhất. Phóng viên Trần Giáp của báo Thể thao và Văn hóa tâm sự: "Vì phải cập nhật thông tin cho báo mạng và vẫn phải sản xuất báo giấy hàng ngày, nên hầu như cả ekip làm việc liên tục. Như tôi, bắt đầu làm việc từ 14h, sau đó xử lý tin bài đến tận sáng hôm sau trước khi về nghỉ ngơi để nhường cho ca kế tiếp".

Móc túi, khủng bố… và những gian nan của phóng viên Việt Nam trên đường tác nghiệp Euro 2016 - Ảnh 4.

Phóng viên Trần Giáp trong ca trực ở tòa soạn báo TT&VH.

Vì các trận đấu của Euro 2016 chủ yếu diễn ra vào ban đêm và kéo dài tới 1 tháng, nên nhịp sinh học bị thay đổi. Với phóng viên Trần Giáp, hiện có hai con nhỏ, nên công việc gia đình trong suốt một tháng Euro đều dồn hết lên vai bà xã. Hiểu và đồng cảm với công việc của chồng nên bà xã của phóng viên Trần Giáp cũng cố gắng để ông xã được nghỉ ngơi lấy sức.

"Anh em cũng bảo nhau, mất 1 tháng tạm xa gia đình để tập trung cho Euro. Mệt, vất vả, nhưng chính nhờ Euro mà mọi người tập hợp nhau được nhiều hơn, cả phóng viên, BTV trong nước lẫn quốc tế. Mục tiêu của chúng tôi là đưa tới bạn đọc những thông tin nhanh nhất, đầy đủ nhất và nóng hổi nhất", nhà báo Tùng Điển, Phó Tổng biên tập báo Bóng đá chia sẻ.

Móc túi, khủng bố… và những gian nan của phóng viên Việt Nam trên đường tác nghiệp Euro 2016 - Ảnh 5.

Để có được những thông tin nóng hổi, cập nhật về Euro 2016 là những hy sinh thầm lặng của những phóng viên, biên tập viên thể thao.

Euro 2016 mới đi qua được 1/3 chặng đường và những phóng viên, biên tập viên, nhà báo thể thao Việt Nam vẫn đang âm thầm nỗ lực để những trang viết, những thông tin cập nhật đến được với độc giả một cách nhanh nhất.