Mở phòng thí nghiệm theo phong cách "Công viên Kỷ Jura", giới khoa học Nga kỳ vọng hồi sinh voi ma mút

May, Theo Helino 21:27 01/09/2018

Họ sẽ làm cách nào? Mà tại sao lại phải mở ở một nơi cực kỳ hẻo lánh?

3.600 năm trước, con voi ma mút cuối cùng của Trái đất đã tử vong. Xác của chúng, một số vẫn được bảo quản đâu đó dưới lớp băng vĩnh cửu của phương Bắc.

Vậy bạn nghĩ sao về việc hồi sinh voi ma mút? Liệu một ngày sinh vật khổng lồ lông lá ấy tiếp tục bước đi tại các vùng đất lạnh giá của thế giới? Hoàn toàn có thể, với cơ sở nghiên cứu mới do giới khoa học Nga lắp đặt tại Siberia.

Được biết, cơ sở nghiên cứu này được đặt tại thành phố Yakutsk, với tổng chi phí đầu tư ban đầu trị giá 5,9 triệu USD (khoảng 132 tỷ đồng). Nó được ví với phòng nghiên cứu trong "Công viên kỷ Jura" của Hollywood, và được kỳ vọng trở thành một khu vực lưu trữ gene lớn nhất thế giới.

Mở phòng thí nghiệm theo phong cách Công viên Kỷ Jura, giới khoa học Nga kỳ vọng hồi sinh voi ma mút - Ảnh 1.

Các nhà khoa học Nga sẽ kết hợp với Cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học SOOAM của Hàn Quốc, với mục tiêu có được mẫu gene của những loài vật đã tuyệt chủng từ lâu. Trong đó có cả các loài từ thời cổ đại, như tê giác khổng lồ, voi ma mút, sư tử hang, và một số loài ngựa to lớn khác.

Lý do phòng thí nghiệm được đặt tại nơi xa xôi hẻo lánh tại Siberia là vì điều kiện khí hậu cực lạnh. Khí hậu lạnh cùng lớp băng vĩnh cửu đã biến nơi đây thành địa điểm tuyệt vời nhất dành cho nghiên cứu dạng này.

Bởi lẽ, lớp băng vĩnh cửu ấy giống như một chiếc tủ lạnh tự nhiên vậy. Theo ước tính, ít nhất 80% mẫu vật của các loài đã tuyệt chủng hiện vẫn còn chưa được khai quật đang nằm ở đây.

Thậm chí chỉ mới đây thôi, người ta phát hiện xác của một con ngựa non với niên đại lên tới 40.000 năm, tại khu vực Yakutia phía Bắc Siberia. Hay như năm ngoái, có 2 xác cá thể non của sư tử hang với niên đại 12.000 năm, được tìm thấy trong tình trạng bảo quản cực kỳ hoàn hảo.

Mở phòng thí nghiệm theo phong cách Công viên Kỷ Jura, giới khoa học Nga kỳ vọng hồi sinh voi ma mút - Ảnh 2.

Chú ngựa non có niên đại 40.000 năm tuổi

"Đó là những mẫu vật vô giá, và chúng chẳng thể được tìm thấy ở đâu khác ngoài những khu vực này" - trích lời tiến sĩ Lena Grigorieva, chuyên gia của nhóm nghiên cứu.

Dĩ nhiên, việc hồi sinh các loài vật đã tuyệt chủng không phải là một câu chuyện dễ, bởi ADN bị phân hủy theo thời gian. Kể cả khi các mô mềm được bảo quản trong băng lạnh, thì vẫn có những đoạn ADN bị thiếu.

Đó là lý do vì sao trong phim người ta phải dùng ADN của ếch để bù cho khủng long. Còn ngoài đời, ma mút và sư tử hang có họ hàng với bộ ADN tương tự hay không thì còn phải xét.

Mở phòng thí nghiệm theo phong cách Công viên Kỷ Jura, giới khoa học Nga kỳ vọng hồi sinh voi ma mút - Ảnh 3.

Hơn nữa, ngay cả khi chúng ta gây dựng lại được một loài đã tuyệt chủng, thì vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần phải giải quyết, đặc biệt là về yếu tố đạo đức.

Ngay như trong Jurassic Park, tiến sĩ Malcom đã bảo "Chẳng phải ngẫu nhiên mà đất mẹ khiến chúng biến mất?"

Dù vậy, chẳng thứ gì ngăn được các nhà khoa học tìm cách hồi sinh voi ma mút đâu.

Tham khảo: IFL Science