Miếng băng vệ sinh rơi ra từ cặp của nữ sinh cấp 2 và chuyện "kỳ thị kinh nguyệt" đầy ám ảnh mà đứa con gái mới lớn nào cũng trải qua

Linh Lam, Theo Helino 19:50 07/04/2019

Thời đi học, mấy đứa con gái chắc chắn ai cũng từng một lần bị mang ra làm trò đùa vì chuyện kinh nguyệt của tuổi dậy thì.

Giáo dục giới tính được nói nhiều nhưng xem ra chưa bao giờ là vấn đề được bàn luận nghiêm túc trong các trường học. Bởi với tâm lý ngại ngùng tuổi mới lớn, học sinh nhắc đến những điều liên quan đến giới tính vẫn như một trò đùa, không thực sự quan tâm. Đặc biệt là các bạn nữ, với những sự biến đổi mạnh mẽ trên cơ thể cùng những biến chuyển tâm sinh lý, họ trở thành đối tượng đem ra cợt nhả của đám con trai. Trong lớp mỗi khi có đứa con gái "đến tháng", có những biểu hiện nhẹ như đau bụng là nhiều đứa con trai vô duyên trong lớp lại trêu chọc, không quan tâm đến cảm xúc của "nạn nhân". 

Sau một bài viết chia sẻ về chuyện con trai trong lớp nhìn thấy miếng băng vệ sinh bị rơi ra từ cặp sách một nữ sinh, nhiều bạn nữ đã để lại bình luận chia sẻ rằng chính mình ngày xưa cũng là nạn nhân của chuyện kỳ thị kinh nguyệt. Có thể đôi khi chỉ vài ba lời đùa vui đầy vô tư của mấy thằng con trai trong lớp nhưng lại biến thành nỗi ám ảnh khó quên của nhiều cô gái mới lớn. Đặc biệt trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý còn biến động, những sự cố nhỏ như này ảnh hưởng cực lớn đến tư tưởng, hành vi của các nữ sinh, thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm.

"Vừa nãy có một em nữ là học sinh cấp 2 kể cho tôi, chiều nay lúc đang học trên lớp, có một miếng băng vệ sinh chưa dùng rơi ra từ cặp của em ấy.

Mấy bạn nam trong lớp nhìn thấy mới nhặt lên, mà như kiểu nhặt chuột chết vậy, cứ thế ném qua ném lại khắp phòng học. Tất cả mọi người trong lớp, cả nam cả nữ, ai cũng né miếng băng vệ sinh kia như né dịch bệnh.

Không một bạn nữ nào đứng ra nhận rằng mình cũng có thứ này. Em ấy cũng không nhận. Em ấy chỉ đứng nhìn mọi người cười cợt, không nói một lời.

Lúc cuối khi em ấy kể với tôi, giọng như sắp khóc luôn rồi, vừa khó xử vừa xấu hổ, lại vô cùng đè nén. Em ấy nói vào khoảnh khắc đó, em ấy cảm thấy mình như một kẻ có tội, còn máu thì bẩn tưởi.

Em ấy hỏi, bạn nữ nào mà không có kinh nguyệt cơ chứ?

Tôi tưởng chuyện này chỉ xảy ra vào khoảng 10 năm trước, khi tôi còn học cấp Hai.

Mới tối qua còn thảo luận với bạn bè về chủ đề "miệt thị phụ nữ thực dụng, hám tiền", tôi nói giờ người ta miệt thị phụ nữ đủ kiểu: mặt mũi, dáng người, tuổi tác, IQ, ăn mặc gợi cảm hay quan hệ với nhiều người vượt khỏi "tiêu chuẩn" mà "xã hội" đặt ra nữa.

Hôm nay mới nhận ra, sót một cái, miệt thị kinh nguyệt.

Con trai đến tuổi dậy thì biết con gái có kinh nguyệt là có thể sinh con.

Trong sách giáo khoa Sinh học đã bắt đầu giảng dạy những kiến thức sinh lý cũng như cách tạo dựng một sinh mệnh mới.

Nhưng thái độ của họ đối với kinh nguyệt, vừa mang sự tò mò, ngây thơ đầy tàn nhẫn của trẻ con, lại mang theo sự kì thị.

Tôi vẫn hay bảo rằng, trẻ con cũng không phải tự nhiên mà trở thành người tốt được.

Trẻ con không tự nhiên mà trở thành người tốt.

Muốn trẻ con trở thành người tốt, thì cần phải giáo dục."

(Nguồn: Lung Linh Tháp)

Miếng băng vệ sinh rơi ra từ cặp của nữ sinh cấp 2 và chuyện kỳ thị kinh nguyệt đầy ám ảnh mà đứa con gái mới lớn nào cũng trải qua - Ảnh 2.

Có thể thấy rằng rất nhiều nữ sinh từng bị các bạn nam trong lớp trêu chọc chỉ vì chuyện kinh nguyệt và những vấn đề xoay quanh. Nhiều bạn kể rằng khi vô tình làm rơi miếng băng vệ sinh hay trong lớp có người phát hiện ra con gái mang băng vệ sinh đến trường sẽ lấy đó làm trò đùa, bảo rằng sao lại "dơ" đến vậy!

Thảo My: "Thật sự không hiểu, đến thời đại này rồi vẫn còn tư tưởng "miệt thị kinh nguyệt". Mình nhớ hồi cấp 2, hôm đấy có buổi chào cờ và cả lớp phải đội mũ ca lô. Lớp mình có 2 bạn nam vì không có mũ nên cứ ngồi lại trong lớp không dám ra chào cờ, cả lớp đã đi hết. Cô giáo chủ nhiệm vào thấy thế mới bảo: "Vậy thì các em "Lục Cặp" của các bạn cả lớp ra xem có ai đem thừa mũ không, lấy mà đội". Vậy là bọn nó phát hiện ra trong lớp có 1 bạn nữ mang băng vệ sinh. Ngồi dưới sân trường giờ chào cờ bọn nó cứ rủ rỉ cười với nhau kể vể chuyện "Eo ôi con A mang băng vệ sinh đi học!"

Sau đó mình tình cờ nghe được chuyện này, cảm thấy hành động của cả giáo viên chủ nhiệm lẫn mấy nhân vật nam trên kia thật khó chấp nhận."

Thuỳ Tiên: "Nhớ hồi cấp 2, một nhãn hàng băng vệ sinh về trường tôi tổ chức 1 buổi giáo dục giới tính dành riêng cho các bạn nữ. Cuối buổi phát về mỗi lớp để tặng mỗi bạn nữ 1 hộp băng vệ sinh. Lúc cô chủ nhiệm mang vào, mấy thằng con trai cười cợt, cô bảo: "Không có sự tồn tại của cái này thì mấy cậu cũng không tồn tại đâu?"

Tâm Xù: "Hồi cấp 2 cũng bị lục cặp và đặt băng vệ sinh lên mặt bàn. Rồi cả lũ con trai cười cợt hú hét."

Pham Thu Trang: "Hồi năm cấp 2, mình cũng hay bị lôi ra làm trò đùa lắm. Ăn cắp tiền, lục lọi cặp sách, dụng cụ học tập bị lấy ra làm đồ chơi cho tụi nó.

Đỉnh điểm, tụi nó còn lôi được trong cặp mình có băng vệ sinh, cái tụi nó trách ngược mình "Sao mày dơ vậy Trang?"; "Tao không nghĩ mày là con người như vậy".

Miếng băng vệ sinh rơi ra từ cặp của nữ sinh cấp 2 và chuyện kỳ thị kinh nguyệt đầy ám ảnh mà đứa con gái mới lớn nào cũng trải qua - Ảnh 3.

Nhiều nữ sinh trở thành nạn nhân của việc miệt thị kinh nguyệt thời đi học

Miệt thị kinh nguyệt chỉ là những hành động nhỏ, nếu giáo dục giới tính không tử tế sẽ còn sinh ra nhiều hệ luỵ đáng nghiêm trọng hơn nữa. Trên thế giới, việc giáo dục giới tính cho học sinh đặc biệt được coi trọng, thậm chí họ còn có nhiều biện pháp giáo dục đầy sáng tạo, giúp học sinh tuổi mới lớn làm quen, hiểu những thay đổi trên cơ thể và cả tâm sinh lý bên trong. Hơn hết, họ học được cách tôn trọng bản thân, tôn trọng những người khác giới.

Ở Anh, Chương trình với tên gọi "Khóa học Nhà nước" yêu cầu trẻ em phải được giáo dục giới tính khi còn mầm non. Pháp luật Anh quy định rất rõ rằng trẻ khi đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính một cách bắt buộc.

Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh.

Ở Hà Lan, tại trường học, giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy từ rất sớm. Thậm chí, trẻ em bậc tiểu học ở nước này còn được học những bài học về tôn trọng những người chuyển đổi giới tính, lưỡng tính hay đồng tính.

Tại Singapore, tất cả các cấp học đều có chương trình giáo dục giới tính của Bộ giáo dục. Tại cấp tiểu học, trẻ em được dạy về việc phát triển cơ thể và cách xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Tại trung học và sau đó, học sinh được dạy về sức khỏe và hành vi tình dục cũng như cách phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục.