Miếng ăn cuối cùng trên đĩa - chuyện ai cũng từng gặp: không chỉ ở Việt Nam mà các nơi khác cũng "tránh như tránh tà"

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 21:19 02/02/2019

Cứ hễ trên đĩa chỉ còn lại một miếng bánh, miếng chả, miếng nem thì hiện tượng "đùn đẩy" lại xảy ra, ai cũng tránh ăn miếng cuối cùng, vì sao thế nhỉ?

Bạn đi ăn cùng hội bạn, và cả đám cùng chia sẻ một chiếc bánh pizza chẳng hạn. Chiếc bánh pizza ấy có thể cắt ra được 8 phần trong khi nhóm bạn có 7 người. Những tưởng chỉ cần không thiếu thì sẽ không có vấn đề nhưng bạn đã nhầm.

Lúc này, cả đám sẽ nhìn chằm chằm chiếc bánh cuối cùng ấy một cách đăm chiêu rồi lần lượt lấm lét ngó nhau đầy suy tư. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Ai sẽ là người ăn chiếc bánh cuối cùng đây?

Miếng ăn cuối cùng trên đĩa - chuyện ai cũng từng gặp: không chỉ ở Việt Nam mà các nơi khác cũng tránh như tránh tà - Ảnh 1.

Ai sẽ là người ăn miếng bánh cuối cùng là câu hỏi gây "trăn trở" cho các "thực thần".

Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng chắc hẳn tình huống này đã xảy ra khá nhiều lần với mỗi người trong chúng ta khi đi ăn cùng nhau. Phần lớn thời gian mọi người thường bỏ lại cái gọi là "miếng ăn cuối cùng", trừ khi có nhân tố đặc biệt nào đấy "hi sinh" giải quyết phần thừa ấy. Lý do không hẳn là vì đã no, nhưng cho dù vẫn còn thòm thèm thì người ta vẫn thường tránh né làm người cuối cùng động đũa.

Hiện nay thì, khi đi với người thân thiết, ta thường thoải mái hơn, bỏ qua lễ nghĩa mà "xử" miếng cuối dễ dàng. Tuy nhiên ở nhiều bữa tiệc như tiệc cưới, tiệc tất niên khi phải ngồi cùng đồng nghiệp hay họ hàng xa không quá gần gũi, tự động chúng ta sẽ ăn ít đi một chút và có xu hướng tránh làm người cuối cùng động đũa nếu như trước đó đã được chia phần rồi. Những phần ăn cuối cùng trên đĩa không ai đụng vào này thường được nhiều người dí dỏm gọi là "miếng ăn sĩ diện". Trái với nhiều ngộ nhận rằng hiện tượng này chỉ xảy ra ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung, thì đây là hiện tượng quy mô toàn cầu đấy.

Người Đức có một chữ dùng để tả miếng ăn cuối cùng là andstandreste, được định nghĩa như "miếng ăn mà người lịch sự sẽ không lấy". Ở Thuỵ Điển, từ trivselbit lại dùng để chỉ "miếng bánh của sự an toàn và bình yên", nghĩa là bạn nên để nó "an toàn và bình yên" một mình trên đĩa, đừng đụng vào. Đây là một trong những quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Thuỵ Điển. Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy là người Hồng Kông thường hiếm khi đụng đến miếng cuối cùng trên đĩa, còn ở Chile thì hãy cẩn thận bị "nguyền" không bao giờ lấy được vợ/chồng nếu dám đụng đến miếng ăn này. Xét trên nhiều phương diện thì đây có vẻ là một nguyên tắc ăn uống mang tính "toàn cầu".

Miếng ăn cuối cùng trên đĩa - chuyện ai cũng từng gặp: không chỉ ở Việt Nam mà các nơi khác cũng tránh như tránh tà - Ảnh 3.

"Miếng ăn mà người lịch sự sẽ không đụng vào".

Nhiều người cho rằng việc này thể hiện rằng mình là người không tham lam. Ngoài ra thì theo nguyên tắc chung thì đa số mọi người thường cho rằng bản thân nên ăn một phần bằng với mọi người, nếu ăn hơn phần được chia ấy thì không được hay. Một số khác thì lại cho rằng hiện tượng này thực ra là một cử chỉ đẹp chứ không phải "hành vi sĩ diện", vì muốn nhường cho người nào vẫn còn đói và cần nó hơn mình. 

Đối với người Việt Nam, nhiều bạn đã lý giải rằng, bắt nguồn từ thời xưa khi thức ăn không mấy dư dả, những người đã ăn rồi sẽ thường nhường lại miếng cuối cùng cho những ai chưa no. Bởi vì trong thời đấy, miếng ăn nào cũng rất đáng quý, đáng quý đến mức không một ai dám đem nó làm của riêng mình nên mới xuất hiện tình huống mọi người nhìn nhau, không dám động đũa. Như vậy, trái với suy nghĩ rằng hiện tượng này là do "sĩ diện" mà để phí thức ăn, nó thực ra có nguồn gốc từ sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Trong thực tế, nhiều người còn chủ động gắp miếng ăn cuối này cho trẻ em hoặc người già có mặt trong bàn tiệc.

Miếng ăn cuối cùng trên đĩa - chuyện ai cũng từng gặp: không chỉ ở Việt Nam mà các nơi khác cũng tránh như tránh tà - Ảnh 4.

Việc chừa lại miếng cuối cùng thực ra là một cử chỉ thể hiện tinh thần sẻ chia của người Việt Nam.

Mặt khác, đối với một số khác thì cử chỉ này đã không còn phù hợp ở thời điểm hiện đại nữa, vì đây là hành vi "tội lỗi" khi bỏ phí món ăn ngon lành. Trong thực tế, giới trẻ thời nay không có nhiều người ngại chuyện ăn miếng cuối cùng. Chuyện ăn miếng cuối cùng là không có gì sai cả, nếu tất cả mọi người không ai cần nó, thì vì sao mình lại không được ăn?

Miếng ăn cuối cùng trên đĩa - chuyện ai cũng từng gặp: không chỉ ở Việt Nam mà các nơi khác cũng tránh như tránh tà - Ảnh 5.

Nếu như không ai cần, thì chẳng có gì sai khi ăn miếng cuối vì việc bỏ phí thức ăn là không nên.

Ngoài ra, nhiều người cũng gợi ý là bẻ đôi, chia đôi cho một ai đó nếu thấy ngại, hoặc "đánh tiếng" hỏi han trước khi "đánh chén". Còn bạn thì sao, bạn đã bao giờ gặp phải "hiện tượng" này chưa?