Mesut Ozil - đằng sau mác người hùng là kẻ vô ơn ồn ào?

Thanh Đình, Theo Thế Giới Trẻ 08:06 24/07/2018

Sau bức tâm thư chia tay ĐTQG Đức dài lê thê, Mesut Ozil đã nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều. Vậy rốt cuộc anh ta là ai, người Đức hay người Thổ, vĩ nhân hay kẻ vô ơn?

Mesut Ozil - đằng sau mác người hùng là kẻ vô ơn ồn ào? - Ảnh 1.

Chưa nguôi ngoai với thất bại ở World Cup 2018, nước Đức thêm một lần rúng động vì quyết định chia tay của Mesut Ozil , sau bức tâm thư dài 3 trang mà trong đó, anh nói rằng mình "không được tôn trọng", "bị biến thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc và đấu đá chính trị", tất cả khiến việc "khoác áo ĐTQG Đức không còn mang đến niềm vui, hay sự tự hào".

Thoạt nhìn, Ozil xứng đáng nhận được sự cảm thông. Quả thực những áp lực và chỉ trích kéo dài kể từ khi tiền vệ 29 tuổi chụp hình chung với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người bị phương Tây cáo buộc đang thiết lập chế độ độc tài và bóp nghẹt tự do ngôn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cuộc sống của anh ngày càng ngột ngạt.

Mesut Ozil - đằng sau mác người hùng là kẻ vô ơn ồn ào? - Ảnh 2.

Vì vậy, không ít người hâm mộ trên mạng xã hội đánh giá cao hành động dũng cảm của Ozil, một con người vĩ đại khi tố cáo "thói đạo đức giả của phương Tây với những người nhập cư, một mặt hưởng lợi từ họ, mặt khác lại coi thường họ vì không có cùng gốc gác".

Nhưng phản ứng từ phía Đức thì sao? Nói theo cách của tờ Bild, thì "đủ rồi". Ozil có thể ra đi nếu muốn. Sau tất cả, mặc dù đòi hỏi sự tôn trọng, nhưng đã bao giờ cầu thủ này tự hỏi, liệu anh đã thực sự tôn trọng nước Đức, nơi cung cấp cho anh ta mọi thứ, từ giáo dục, y tế tới sự nghiệp cầu thủ chói lọi?

Mesut Ozil - đằng sau mác người hùng là kẻ vô ơn ồn ào? - Ảnh 3.

Ozil sinh ra ở Gelsenkirchen. Ông nội Ozil đã đưa gia đình, trong đó có bố anh, rời Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức từ 44 năm trước. Và như ông nói, "đất nước này đối xử với chúng tôi như những vị khách quý, chào đón bằng vòng tay rộng mở, kèm theo công việc được trả lương cao".

Nhưng Ozil đã làm gì? Anh lựa chọn khoác áo ĐTQG Đức nhưng lại không bao giờ hát quốc ca. Và trong khi các đồng đội làm điều đó, tiền vệ này lầm rầm cầu nguyện bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, với nội dung xin Thánh Allah tiếp thêm sức mạnh, che chở và đưa anh đi đúng hướng.

Không ai ngăn cản Ozil thể hiện tình yêu với quê hương, nguồn cội. Tuy nhiên, đó không phải cách anh ta nên làm, khi đại diện cho nước Đức. Nó lại càng không nên với một cầu thủ chuyên nghiệp. Anh ta có thể cầu nguyện, nhưng tại sao lại vào lúc hát quốc ca?

Mesut Ozil - đằng sau mác người hùng là kẻ vô ơn ồn ào? - Ảnh 4.

Nhớ lại thời điểm Die Mannschaft đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở vòng loại Euro 2012, Ozil gọi đó là cơn ác mộng. Ở trận đấu tại Berlin, người ta có thể đọc thấy sự tội lỗi ở Ozil khi anh ghi bàn vào lưới Thổ. Đến trận lượt về, truyền thông Đức nghi ngờ Ozil đã vờ chấn thương để không phải ra sân. Mang quốc tịch Đức, nhưng anh lại thổ lộ, "muốn người dân Thổ Nhĩ Kỳ tự hào về mình". Thật kỳ lạ.

Phải nói rằng chính Ozil đã liên tục gây ấn tượng không hay với người Đức, để rồi tấm hình với Tổng thống Erdogan như giọt nước tràn ly. Chính trị gia Alice Weidel gọi tiền vệ 29 tuổi là "sản phẩm thất bại của quá trình hội nhập", đồng thời kêu gọi trục xuất Ozil khỏi Die Mannschaft.

Mesut Ozil - đằng sau mác người hùng là kẻ vô ơn ồn ào? - Ảnh 5.

Joachim Low, một người Đức bao dung, đã gạt câu chuyện ầm ĩ sang một bên để đưa Ozil tới World Cup 2018. Những hãy xem anh ta đáp trả niềm tin đó: 0 bàn thắng, 0 kiến tạo, rất ít ảnh hưởng và quá nhiều sự thất vọng. Ozil cũng mắc lỗi trong bàn thua ở trận gặp Mexico và mờ nhạt ở trận thua Hàn Quốc, khiến Die Mannschaft về nước sớm.

Bây giờ, khi vết thương còn chưa liền sẹo, anh ta lại đưa thêm nhát dao vào trái tim nước Đức, khiến quốc gia này đứng trước nguy cơ chia rẽ vì vấn đề nhập cư. Vậy, đã có thể gọi Ozil là kẻ vô ơn được chưa?