“Mẹ ơi, đi học để làm gì?”, câu hỏi gây xúc động trong đoạn phim ngắn về trường tiểu học Tri Lễ 4

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 14/12/2018

Sau khi xem xong đoạn phim ngắn "Theo ánh sáng mà đi" dài 3 phút về trường tiểu học Tri Lễ 4, nhiều người xem đã xúc động trước câu hỏi: "Mẹ ơi, đi học để làm gì?" của một bé gái H’Mông.

Ngày qua, cộng đồng mạng đang chuyền tay nhau một đoạn video ngắn chứa những thước phim tuyệt đẹp và trong trẻo về đỉnh trời Mường Lống - "Vùng rừng núi mênh mông đến nỗi người đi vào đây không tìm được lối ra". Nhân vật chính trong đoạn phim là cô gái nhỏ người H’Mông có gương mặt xinh xắn, thuần khiết tựa sương sớm vùng cao. Cô bé khiến người xem xúc động với câu hỏi: "Mẹ ơi, đi học để làm gì?". Đây có lẽ là câu hỏi chung của nhiều em nhỏ tại đỉnh trời Mường Lống, nhưng dường như câu trả lời luôn bị bỏ lửng...

“Mẹ ơi, đi học để làm gì?”, câu hỏi gây xúc động trong đoạn phim ngắn về trường tiểu học Tri Lễ 4 - Ảnh 1.

Câu nói xúc động của em bé H’Mông: "Mẹ ơi, đi học để làm gì?"

Phim được xây dựng dựa trên hành trình cõng chữ lên non của các thầy giáo tại điểm trường của tiểu học Tri Lễ 4, gồm Mường Lống, Huổi Xái 1, Huổi Xái 2, Huổi Mới 1, Huổi Mới 2 và Nậm Tột, thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, trên đỉnh núi Phà Cà Tún.

Các bản làng tại Tri Lễ 4 nằm heo hút trên những ngọn đồi quanh năm phủ sương trắng xóa. Người dân tại đây chủ yếu là đồng bào người H’Mông, 97% không biết tiếng Kinh. Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, quanh năm Tri Lễ 4 không trồng được cây gì mang lại giá trị kinh tế. Đàn ông, trai tráng trong bản đi làm thuê khắp nơi, bản chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Vì vậy, đa phần các em nhỏ ở đây không được đến trường. Trẻ con 4 - 5 tuổi đã phải lao động, bé xíu nhưng đã mang chiếc gùi to gần bằng thân người hay địu em trên lưng, cùng mẹ đi hái rau rừng, đốn củi hay trỉa bắp trên những ngọn đồi xa.

“Mẹ ơi, đi học để làm gì?”, câu hỏi gây xúc động trong đoạn phim ngắn về trường tiểu học Tri Lễ 4 - Ảnh 3.

Các em bé Tri Lễ không được đến trường mà phải ngày ngày lên nương

Những lúc không phải lên nương, những em nhỏ này thường đứng tần ngần trước cổng trường nhìn chúng bạn chơi đùa mà không dám tiến vào. Có em thì thập thò ở cửa sổ lớp học nhìn các bạn viết bài, rồi chạy ù đi khi bị thầy phát hiện. Các thầy thương lắm, rủ đến trường nhưng bố mẹ chúng một mực không cho, còn bắt con trốn đi khi thầy đến nhà.

Sĩ số lớp học cứ đến năm học mới lại vơi đi. Vận động được các em trở lại trường là cả một thử thách. Nên phụ huynh đồng ý, các em chịu đến lớp, các thầy mừng lắm. Hàng đêm, các thầy miệt mài đến nhà để phổ cập kiến thức, giúp các em theo kịp chương trình trên lớp. Các thầy phụ luôn việc ru em để học trò tập trung viết bài. Sự tiến bộ của các em chính là niềm vui, giúp các thầy cảm thấy nỗi nhọc nhằn như được vơi đi.

“Mẹ ơi, đi học để làm gì?”, câu hỏi gây xúc động trong đoạn phim ngắn về trường tiểu học Tri Lễ 4 - Ảnh 4.

Thầy giáo Tri Lễ phụ chăm em để học trò tập trung học bài

Không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, không chỉ người dân, cuộc sống của các thầy nơi đây cũng vô cùng thiếu thốn. Các bữa ăn hàng ngày chỉ là bát mì hay mâm cơm với măng rừng, tôm cá mò được ở suối. Nơi ở tách biệt, thứ duy nhất kết nối các thầy với cuộc sống bên ngoài là chiếc điện thoại, nhưng muốn dò sóng phải đi đến một ngọn đồi khác. Sóng ở rất yếu, chỉ cần đứng lệch đi một tí sẽ "rớt" ngay.

Con đường đến Tri Lễ 4 chỉ là một lối mòn cheo leo, men theo vách núi dựng đứng, kế bên là vực sâu hun hút. Khi những cơn mưa rừng trút xuống không ngớt, là lúc các thầy lo lắng cho hành trình về nhà ngày cuối tuần của mình. Chạy xe trên con đường nhão nhoẹt bùn đất, chuyện té ngã, đối với các thầy đã quá quen thuộc. Cứ thế, những vết sẹo "kỷ niệm" lại hằn lên khắp người. Tay lái phải "cứng" lắm mới đi nổi, nhưng chuyện xui rủi thì không ai đoán trước được...

“Mẹ ơi, đi học để làm gì?”, câu hỏi gây xúc động trong đoạn phim ngắn về trường tiểu học Tri Lễ 4 - Ảnh 5.

Địa hình khắc nghiệt, Tri Lễ 4 tách biệt với cuộc sống bên ngoài

Dù vậy, các thầy chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Vì nếu bỏ cuộc, cuộc sống các em nhỏ tại đây sẽ lại rơi vào tăm tối. Ánh sáng tri thức tắt lịm, chúng sẽ lại ngày ngày theo mẹ lên nương, rồi lập gia đình ở cái tuổi đáng lý chỉ vừa mới vào cấp 2, cấp 3 và không hề biết đến những khung trời khác bên kia những dãy núi.

Kết thúc đoạn phim "Theo ánh sáng mà đi", cô bé H’Mông mơ về những ánh đèn rọi sáng bản làng. Cô bắt đầu nghĩ về tương lai, hướng về phía những vì sao đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Mẹ ơi, đi học để làm gì?". "Theo ánh sáng mà đi" sẽ giúp mọi người có một cái nhìn chân thật hơn về những gian khó, vất vả trong hành trình đi tìm ánh sáng tri thức của thầy trò Tri Lễ 4.

Phim ngắn này là một phần của dự án "Mặt trời mơ ước" - Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ. Dự án này nằm trong chương trình WeDo, một hoạt động thuộc khuôn khổ WeChoice Awards 2018, giải thưởng tôn vinh những con người, kể lại những câu chuyện đầy cảm hứng, hướng cộng đồng đến những giá trị tốt đẹp.

Đồng hành cùng dự án "Mặt trời mơ ước", Samsung sẽ mang đến một ngôi trường hiện đại và khang trang cùng 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng ngàn mặt trời ước mơ cho trẻ em nơi vùng cao Tri Lễ.

WeChoice Awards 2018 xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà tài trợ chính Công ty Điện tử Samsung Vina đã đồng hành cùng với Wedo thực hiện dự án "Mặt trời mơ ước" – Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ .

WeChoice Awards 2018 là một giải thưởng thường niên được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh các nhân vật hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có thành tích nổi bật, hướng mọi người đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống thông qua những câu chuyện đầy cảm hứng.

WeChoice Awards hy vọng rằng các nhà tài trợ sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi ở những mùa giải tiếp theo.

“Mẹ ơi, đi học để làm gì?”, câu hỏi gây xúc động trong đoạn phim ngắn về trường tiểu học Tri Lễ 4 - Ảnh 7.