"Mẹ chồng": Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết

Lệ - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 12:05 02/12/2017

Dù có nham hiểm, tàn độc hay nhu mì, chịu đựng, thậm chí là ngây ngô trước cuộc chiến tranh quyền đoạt vị thì rốt cuộc, bức tranh bốn mùa trong "Mẹ chồng" cũng nhuốm một màu bi kịch khi những vệt màu loang vào nhau.

Khai thác chủ đề mẹ chồng nàng dâu theo cách thể hiện đầy kịch tính như một bộ phim cung đấu, Mẹ chồng đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của điện ảnh Việt hiện tại. Khoan bàn về sự thành bại của phim hay diễn xuất của từng nhân vật, đạo diễn Lý Minh Thắng đã tạo nên ấn tượng cho phim bằng bức tranh thủy mặc bốn mùa, phảng phất nỗi buồn cùng chất thơ đậm chất Á đông.

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 1.

Hạ: Mùa sen nở và khởi nguồn của bi kịch


Hoa sen là hình ảnh xuyên suốt trong nội dung của phim, sen nở rồi đến sen tàn như dòng chảy của thời gian tuyến tính cũng tượng trưng cho sự thay đổi của các nhân vật. Đạo diễn Lý Minh Thắng xây dựng bộ phim bằng việc thổi vào nó hơi thở của bốn mùa nhưng lại chọn sự khởi đầu bằng mùa hạ - mùa sen nở rộ, hẳn là phải có một dụng ý riêng.


Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 2.

Hình ảnh sen được nhắc đến xuyên suốt bộ phim

Chọn mùa sen nở làm khởi nguồn câu chuyện cũng là cách Lý Minh Thắng khiến cho Ba Trân (Thanh Hằng) xuất hiện rạng rỡ, đầy khí chất như một đóa sen đầu mùa. Từ ánh mắt, thần thái đến nụ cười của cô ngày còn trẻ, cái ngày đầu tiên đặt chân vào nhà họ Huỳnh đều phảng phất nét thanh tao của đóa sen đẹp nhất xứ Đại Điền.

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 3.

Thanh Hằng rạng rỡ, đầy khí chất như một đóa sen đầu mùa hạ

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 4.

Dĩ nhiên, cuộc vui nào cũng sẽ đến hồi kết và đóa sen có rạng rỡ đến mấy rồi cũng sẽ đến lúc úa tàn. Với "đóa sen" Ba Trân, sự "úa tàn" đồng nghĩa với việc khởi đầu của chuỗi những tháng ngày bi kịch, tranh quyền đoạt vị đến mất đi cả bản chất của mình. Càng tiếc hơn khi sen phải tàn ngay giữa hạ, khi còn chưa kịp nếm hạnh phúc ở Huỳnh gia.

Thu: Mùa sen chớm tàn và con rắn chưa kịp thay da


Mùa thu trong Mẹ chồng được bắt đầu bằng lời dẫn về những đóa sen cuối mùa còn sót lại và sự xuất hiện đầy ấn tượng của mợ cả Ba Trân trước sự kính trọng, nể sợ của toàn thể người dân Đại Điền. Với danh nghĩa mợ cả, sự xuất hiện ở hội thi cướp thóc trở thành điểm nhấn cho sự lột xác hoàn toàn của nhân vật kể cả địa vị lẫn tính cách và diễn biến tâm lý.


Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 5.

Ba Trân xuất hiện trong sự nể sợ của người dân Đại Điền

Mợ cả Ba Trân lúc này gần như đã nắm toàn bộ quyền lực trong tay, tất nhiên không phải tuyệt đối bởi bà Hội đồng vẫn chưa mất, mà theo lời Ba Trân là "cái xác", chủ nhân đích thực của Huỳnh gia, nhất quyết không lại chìa khóa hộp gia bảo cho cô. Chính sự tồn tại của bà khiến mợ cả dù được nể sợ đến mấy thì cũng vẫn chỉ là "con rắn chưa thay da" thèm khát quyền lực đến mức không ngần ngại dọn sạch những kẻ ngáng chân mình.

Lại nhắc đến bối cảnh mùa thu và câu chuyện sen chớm tàn, trong phần phim này khán giả vẫn thoáng nhìn ra vài phân đoạn "chất sen" còn xót lại trong con người mợ cả. Đó là ánh mắt của mợ khi nhìn cậu Hai Phước, ánh mắt của tình mẫu tử, sự yêu thương và cả tự hào, dường như ánh mắt đó không khác mấy so với niềm vui của Ba Trân trong ngày đầu về với Huỳnh gia.

Đông: Mùa héo tàn cùng những nỗi niềm riêng


Mùa đông trong Mẹ chồng là thời điểm hiện diện đầy đủ nhất của 5 người phụ nữ trong phim: Hai Lịnh – Ba Trân – Bảy Loan – Tư Thì – Tuyết Mai và cũng là thời điểm mà mỗi khán giả có thể nhìn thấu chiều sâu trong nội tâm mỗi nhân vật cùng những toan tính lẫn nỗi bất hạnh mà mỗi người phải chịu.

Hai Lịnh từng một thời uy quyền nay chỉ như cái bóng âm thầm bị tách biệt khỏi thế giới, tai nghe hết mọi thị phi ngoài kia nhưng miệng không tài nào nói lên được nỗi căm phẫn. Bà ngày ngày chịu sự đày đọa của Ba Trân, sống như một cái xác trong sự cô quạnh và niềm uất nghẹn luôn dâng trào trong ánh mắt.

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 6.

Nỗi căm phẫn luôn thường trực trên ánh mắt của Hai Lịnh

Trong khi đó, một mợ cả Ba Trân nắm trong tay mọi quyền lực, được mọi người tôn trọng, ngưỡng vọng và nể sợ, tưởng chừng mọi thứ đang độ viên mãn nhưng lại là kẻ cô độc đến đáng thương. Hình ảnh mợ cả ngồi một mình giữa gian nhà chính được lặp lại khá nhiều lần, đặc biệt là khi mợ vừa chính tay bóp chết tình yêu đời mình. Rốt cuộc thì Ba Trân cũng giống như mẹ chồng mình, phải chôn nỗi uất nghẹn sâu trong lòng giữa một căn phòng trống, trên chiếc ghế mà lẽ ra người ngồi lên đấy phải đầy ngạo nghễ và uy quyền.

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 7.

Hình ảnh Ba Trân cô độc giữa căn phòng chính được lặp lại không ít lần

Một chi tiết rất đắt khác thể hiện được nỗi khổ tâm của người đàn bà quyền lực này chính là cảnh Ba Trân tắm cho cậu Hai Phước. Sự yếu mềm của "xà mẫu" trước đứa con trai khó khăn lắm mới giữ được này thực sự chạm được đến cảm xúc của người xem. Rốt cuộc sự tàn độc của Ba Trân cũng chỉ vì những khốn khổ, đày đọa phải chịu đựng trong quá khứ quá lớn khiến người làm dâu, làm mẹ này phải tự xù lông lên để bảo vệ lấy con mình.

"Nếu ngày đó má không giữ được con thì má cũng như con cào cào này. Có búng có nhảy thì cũng chỉ là kiếp sống trong tay người ta".

Trái ngược hẳn với Ba Trân là một Bảy Loan cả đời nhu mì, chai lì và cam chịu sự héo tàn, định đoạt của số phận. Trong con người ấy chưa một giây phút nào có ý thức tranh đấu cho cá nhân, cả một đời chỉ nguyện phụng sự cho gia đình chồng. Biên kịch cố tình sắp đặt cho Bảy Loan không thoại một câu nào cho đến tận giữa phim, khi Tuyết Mai - người có sự tương đồng với cô - xuất hiện.

Ban đầu người xem sẽ cảm thấy Tư Thì – vợ cả của cậu Hai Phước cũng có những nét tương tự với Bảy Loan bởi mùa đông của cô cũng là sự hờn ghen không dám cất thành lời khi chồng mình dành sự quan tâm cho người vợ hai trẻ trung xinh đẹp. Nhưng hoá ra Tuyết Mai cũng có một mùa đông đầy những uất nghẹn không kém phần ai.

Một cô gái tự do, bướng bỉnh, luôn tò mò và ngây ngô chẳng hề biết về những tranh đấu quanh mình vô cùng tàn nhẫn. Về làm dâu Huỳnh gia trong nỗi tủi hờn khi chưa hề biết mặt chồng lại chẳng được tổ chức đám cưới rình rang cho xứng tầm. Số phận như trêu đùa cô gái trẻ khi để cô gặp lại mối tình dang dở trong hoàn cảnh éo le nhất.

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 8.

Tuyết Mai từ một cô gái trẻ đầy ước mơ phải giam mình trong Huỳnh gia cùng người chồng khờ

Xuân: Mùa đơm hoa và chấm dứt những đấu tranh

Câu chuyện Mẹ chồng được bắt đầu từ mùa hạ và kết thúc bởi mùa xuân, một sự sắp xếp có vẻ không đúng theo trật tự thời gian nhưng lại đúng cho cuộc chiến tranh giành quyền lực. Mùa xuân là mùa của những khởi đầu, mùa mà trăm hoa khoe sắc, là thời điểm mà Tuyết Mai mang thai đứa cháu đầu tiên của Huỳnh gia. Cũng là mùa khởi sự cho những nổi loạn luôn âm ỉ bấy lâu trong mỗi người dân Đại Điền. Xuân thường mang theo sự dịu dàng, nhưng trong Mẹ chồng, xuân lại là bắt đầu của những thay đổi bằng máu.

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 9.

Lý Minh Thắng chọn mùa xuân làm cái kết cho sự tranh đấu của Ba Trân, làm điểm thay đổi dữ dội cho ngôi quyền của Huỳnh gia, cũng như dành tặng cho cô gái mang sắc tím một thủa xuân thì mới như chính tên cô. Nhưng sau mùa xuân lại chính là mùa hạ, Tư Thì sẽ lại vướng vào cái oi nồng ngột ngạt mà Ba Trân từng vướng phải.

Sẽ chẳng ai biết được mùa hạ, mùa thu hay mùa đông của Tư Thì sẽ còn điều gì chờ đợi phía trước. Cô sẽ tranh đấu với ai, phụng sự cho ai hay chỉ một mình một cõi hả hê ngồi trên ngai vàng mà không còn ai quỳ dưới chân? Xuân rồi cũng tàn, hạ rồi cũng sang thu. Vòng tròn bi kịch nhân danh hiếu đạo sẽ chưa dừng lại chừng nào mỗi con người thời ấy phải sống trong sự áp đặt của Nho giáo. "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại", 8 chữ này mới chính là con rắn độc đã cắn vào thân xác lẫn tâm hồn những nàng dâu nhà họ Huỳnh.

Mẹ chồng: Bốn mùa trôi trên tranh tứ bình và những bi kịch không hồi kết - Ảnh 10.

Không ai biết sau mùa xuân này liệu có còn một nàng dâu mới nào xuất hiện trong cuộc đời Tư Thì

Tạm kết: Năm người phụ nữ bất hạnh trong bức tranh bốn mùa

Dù có nham hiểm, tàn độc hay nhu mì, chịu đựng, thậm chí là ngây ngô trước cuộc chiến tranh quyền đoạt vị thì rốt cuộc, bức tranh bốn mùa trong Mẹ chồng cũng nhuốm một màu bi kịch khi những vệt màu loang vào nhau. Là kết thúc cuộc đời trong đau đớn, tức tưởi, là mất đi đứa con cầu tự hay nắm trong tay mọi quyền lực thì vòng tròn luẩn quẩn của những bi kịch cũng chưa hề có hồi kết.

Tuy diễn biến khá nhanh bởi phim chỉ gói gọn trong khoảng một tiếng rưỡi khiến người xem chưa cảm thấy đủ "đã" nhưng nói một cách công bằng thì Lý Minh Thắng đã làm khá tốt việc khiến khán giả cảm thấy thương cảm hơn là ghét các nhân vật trong phim, bởi rốt cuộc họ cũng chỉ là phận đàn bà bị xã hội mang nặng tư tưởng phong kiến đè nén đến mức mất đi cả cái quyền được yêu, được hận.

Mẹ chồng hiện đang công chiếu trên toàn quốc.