"Me Before You" để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai?

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 18:29 09/06/2016

Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết "Me Before You" tạo ra tranh cãi nảy lửa quanh cái kết của nó.

(Bài viết có tiết lộ tình tiết trong phim)

Ra mắt trong tuần rồi, tác phẩm lãng mạn Me Before You đã khiến vô số khán giả xúc động và rơi nước mắt với câu chuyện tình lãng mạn của Louisa và William. Tuy nhiên, kết thúc của tác phẩm cũng làm dấy lên không ít tranh cãi trong dư luận. Cụ thể, anh chàng Will cuối cùng vẫn chọn cái chết dưới sự hỗ trợ của y khoa khi tuổi đời còn rất trẻ.

Kết thúc của phim mang thông điệp tiêu cực cho người khuyết tật?

Hãy cùng nhìn lại cuộc đời của William Traynor. Trước vụ tai nạn, anh là một chàng trai phóng khoáng và đam mê phiêu lưu. Sau khi bị liệt toàn thân, nhân vật này mất tinh thần đến mức xua đuổi mọi người và chối bỏ cả bản thân mình. Will từng tự tử nhưng được cứu thoát, và rồi anh hứa với bố mẹ khoảng thời gian "sáu tháng", sau thời hạn này anh sẽ chấm dứt cuộc đời ở Dignitas, một cơ sở y khoa ở Thụy Sĩ cung cấp dịch vụ cái chết êm ái.

Chúng ta đều biết những gì diễn ra sau đó, Lou đến và khiến Will lạc quan hơn cùng một tình yêu đẹp, nhưng vẫn không làm anh thay đổi quyết định. Tại sao khuyến khích người khác "sống can trường" mà người đó lại chọn cách đầu hàng trước số mệnh?

Cho nên, một bộ phận công chúng đã thể hiện sự bất bình với cái kết trên Twitter bằng hashtag #MeBeforeEuthanasia (Euthanasia: cái chết êm ái do bác sĩ thực hiện). Hai tổ chức dành cho người khuyết tật là Not Dead Yet UK và Reeve Foundation cũng phản đối kết thúc phim. Sức lan tỏa của quan điểm này càng lúc càng mạnh mẽ hơn trong vài ngày gần đây.

Me Before You để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai? - Ảnh 1.

Lou đã không thể thay đổi Will

Theo Emily Ladau trên Salon, Jojo Moyes (tác giả của tiểu thuyết kiêm biên kịch phim) tưởng tượng ra một thế giới mà khuyết tật đồng nghĩa với khổ đau, và cái chết êm ái là cách giải quyết duy nhất. Trong truyện, mọi thứ có phần phiến diện hơn khi chưa từng có suy nghĩ nào của Will ở ngôi thứ nhất, mà tất cả câu chuyện chỉ xoay quanh những gì người xung quanh nghĩ về anh.

Đạo diễn Jenni Gold, người phải ngồi xe lăn vì chứng loạn cơ, trả lời THR: "Tại sao phải mô tả tàn tật như điều tệ hại nhất?". Diễn viên bị liệt vì chấn thương tủy sống Zack Weinstein thì chỉ trích rằng đây là một kịch bản phim dẫn dụ cảm xúc của khán giả. "Thông điệp của phim là, sẽ tốt hơn nếu anh ta chết để giúp ích cho cô ta hơn là tiếp tục sống… Đó cũng là một quan điểm, nhưng thật khó mà chứng kiến những sự kiện trong đời tôi bị dùng làm phương tiện truyền bá cho điều đó", anh chia sẻ và cũng nhấn mạnh thêm vào sự một chiều khi mô tả người khuyết tật trên phim: "Trên phương diện một diễn viên và một người khuyết tật, tôi khó chịu không phải vì họ kể câu chuyện đó. Mà vì đó thường xuyên là câu chuyện duy nhất được kể".

Me Before You để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai? - Ảnh 2.

Những người chỉ trích "Me Before You" cho rằng phim ẩn chứa thông điệp "tự sát là cách giải quyết tối thượng cho người tàn tật". Họ thậm chí đã tụ tập để phản đối tác phẩm tại lễ ra mắt ở London.

"Khán giả ai cũng muốn những câu chuyện của người tàn tật xuất hiện nhiều hơn trong văn hóa đại chúng, song Me Before You lại sai lạc và không chính xác. Nó truyền bá những thông điệp chưa chính xác về cuộc sống của những người khuyết tật. Với kết thúc chết chóc của mình, Hollywood một lần nữa lại bảo những người như tôi rằng thà chết đi còn hơn sống tàn tật. Nó nói rằng cuộc sống của tôi không đáng giá" - Michaela Hollywood trên tờ Independent.

Lý lẽ phản bác

Trước búa rìu dư luận, đạo diễn Thea Sharrock đã đứng ra bảo vệ đứa con tinh thần. Bà thừa nhận rằng Me Before You đề cập đến một chủ đề nhạy cảm và dễ bị chỉ trích, nhưng khẳng định cái kết của phim là dũng cảm. Theo nhà làm phim 40 tuổi, quá dễ dàng nếu cho tác phẩm đi theo hướng ngược lại (người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống), nhưng kết thúc thế này lại thú vị hơn.

Tất nhiên, tác giả tiểu thuyết Jojo Moyes cũng không đứng ngoài cuộc tranh cãi. Bà tiết lộ Me Before You là sự kết hợp từ trải nghiệm cá nhân của Moyes và cuộc đời của vận động viên rugby Daniel James, một người khuyết tật đã hành xử như William sau khi bị chấn thương cột sống. Như vậy, đây chỉ là hành trình của một người đơn lẻ trong số vô vàn người của cộng đồng khuyết tật.

Me Before You để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai? - Ảnh 3.

Jojo Moyes, Emilia Clarke và đạo diễn Thea Sharrock

"Tôi không hiểu điều đó (sự chỉ trích). Càng nghiên cứu về chủ đề này, tôi càng nhận ra rằng đây là một tình huống đặc biệt, nhưng cũng thật khó phán xét, vì trừ phi ta đặt mình vào hoàn cảnh của họ, tôi nghĩ ta không nên phê phán họ". Moyes cũng nhấn mạnh thêm là, trong phim cũng như truyện, không ai đồng ý với quyết định của Will cả. Chính vì vậy, câu chuyện không nhằm mục đích truyền đi thông điệp tiêu cực, mà chỉ nói về một nhân vật cụ thể mà thôi.

Một khía cạnh nữa cũng phải bàn đến là "quyền được chọn" của con người. Xã hội chúng ta luôn đề cao việc tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân, và trong tình huống này, rõ ràng Will có toàn quyền quyết định số phận của mình. Bất kể Will có định đoạt như thế nào thì đó vẫn là chuyện riêng của anh. Cũng theo Sharrock, những người phản đối đã hiểu sai cơ bản về thông điệp của phim. Nó là một câu chuyện giả tưởng về tầm quan trọng của quyền được chọn.


Me Before You để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai? - Ảnh 4.

Các nhân vật trong "Me Before You" là hư cấu nhưng tổ chức Dignitas là có thật ngoài đời

Theo thống kê, đến năm 2010, tổ chức Dignitas đã hỗ trợ đến hơn 1.000 người tự sát, trong số đó có 21% là những người không mắc bệnh hiểm nghèo hay tiến triển, mà chỉ do mệt mỏi trong cuộc sống. Hầu hết những người liên hệ với Dignitas không định chết, mà chỉ cần bảo hiểm trong trường hợp căn bệnh trở nên không thể chịu đựng nổi. Trong số những người được "bật đèn xanh", có 70% không bao giờ trở lại Dignitas. Những con số này khẳng định, nhu cầu về cái chết êm ái là có thật trong cộng đồng người khuyết tật.

Kịch bản cũng đưa ra một tình tiết để làm giảm nhẹ cáo buộc tiêu cực đối với cộng đồng người khuyết tật. Will thật sự có nói: "Tôi hiểu đó có thể là một cuộc sống tốt. Nhưng đó không phải cuộc sống của tôi. Tôi không phải kiểu người chấp nhận nó". Will được mô tả là một người mạnh mẽ, quyết đoán và không thỏa hiệp, thế nên anh cảm thấy cuộc sống trong một thân thể bị liệt không xứng đáng với mình. Trên thực tế, Will đã dành thời gian dài ra sức tập phục hồi chức năng nhưng không có kết quả, chứ không phải anh không cố để có thể sống với bệnh tật. Nếu Will muốn "sống can trường, thúc đẩy bản thân, đừng dừng lại", nhưng anh cảm thấy tình trạng của mình không thể cho phép điều đó, thì ra đi là lựa chọn hợp lý.

Me Before You để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai? - Ảnh 5.

Will không muốn "sống mòn" khi bị liệt tứ chi

Thật ra mà nói, vấn đề của Will có thể được giảm nhẹ, hoặc giải quyết, nếu có sự xuất hiện của dù chỉ một người khuyết tật khác trong phim. Nhân vật này có thể tạo ra sự tương phản và chỉ cho Will thấy cái chết không phải là lựa chọn duy nhất. Nhưng rồi chẳng có ai cả, Jojo Moyes đã đặt Will vào một thế giới chỉ toàn những người khỏe mạnh. Thiếu vắng đi quan điểm của những người không may khác, câu chuyện cô lập Will và đẩy anh nhanh tới với quyết định của mình.

Kết

Trong cuộc tranh cãi bất tận này, bên nào cũng có cái lý của mình, không có ai đúng hẳn hoặc sai hẳn. Người viết bài này tôn trọng và không hề chỉ trích quyết định của Will cũng như hình mẫu của anh ngoài đời, nhưng không xem đó là một hành động đáng khuyến khích cho những người khuyết tật.

Ở đâu đó ngoài đời thật, chúng ta có những tấm gương cao đẹp hơn, đáng kính phục hơn. Helen Keller, nhà hoạt động xã hội quá cố khiếm thị và khiếm thính, cả đời dành tình yêu cho người tàn tật, người phụ nữ nhỏ bé với nghị lực phi thường mà mỗi lần nhắc đến tên cả thế giới phải ngả mũ kính phục. Nick Vujicic, sinh ra đã không có tứ chi nhưng đi khắp thế giới để gieo mầm lạc quan, tình yêu với cuộc sống. Stephen Hawking, nhà vật lý bị liệt toàn thân vẫn đêm ngày khám phá bí mật của vũ trụ, truyền cảm hứng cho hàng triệu người đang nghiên cứu và học tập. Danh sách này còn dài, rất dài…

Me Before You để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật, điều này đúng hay sai? - Ảnh 6.

Lou và Will trong buổi khiêu vũ

Để kết lại bài viết này, xin dẫn lại bốn câu thơ được Goethe đề ở trang đầu trong lần tái bản cuốn "Nỗi Đau Của Chàng Werther". Vốn dĩ tiểu thuyết này kể về bi kịch của một chàng thanh niên trẻ ở thế kỉ 18 đã tự tử vì bế tắc trong cuộc sống. Ngay khi ra mắt, cuốn sách đã gây rúng động trên toàn châu Âu, song cũng mang lại ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của nhân vật chính. Chính vì vậy, trong lần tái bản, Goethe đã đề thêm bốn câu thơ để khuyên nhủ giới trẻ rằng hãy yêu quý Werther, nhưng phải sống mạnh mẽ hơn anh ta.

Hỡi các độc giả thân ái, hãy khóc vì chàng, hãy yêu chàng,

Hãy cứu lấy thanh danh của chàng trước khi chàng lụi tàn,

Xem kìa, linh hồn của chàng từ huyệt mộ bay lên đang dùng ánh mắt nói với bạn:

"Hãy làm một đấng nam nhi, xin đừng đi theo vết chân của tôi."

Cũng tương tự, hãy yêu Will, hãy khóc vì chuyện tình của anh và Lou, nhưng hãy mạnh mẽ hơn, hãy sống can trường hơn anh!