Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời

Nguyên Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 17:02 14/09/2018

Tái xuất màn ảnh rộng sau hơn 8 năm trời vắng bóng, tuy nhiên, những gã thợ săn ngoài hành tinh trong "The Predator" vẫn chưa thể làm khán giả thỏa mãn bởi phần nội dung hời hợt và thiếu chiều sâu.

Ra mắt lần đầu vào năm 1987, Predator (Quái Thú Vô Hình) nhanh chóng trở thành một tượng đài kinh điển của Hollywood nói riêng cũng như nền văn hóa đại chúng nói chung. Xoay quanh cuộc đụng độ giữa nhóm biệt kích Mỹ với sinh vật ngoài hành tinh Yautja, Predator là sự kết hợp tuyệt vời giữa thể loại hành động, khoa học viễn tưởng và kinh dị máu me. Thế nhưng, các tác phẩm tiếp theo về chủng tộc đáng sợ ấy lại sở hữu chất lượng ngày càng giảm sút.

Tám năm trôi qua kể từ tập phim điện ảnh cuối cùng – Predatos (2010), đạo diễn Shane Black quyết định hồi sinh thương hiệu này bằng phần hậu truyện mang tên The Predator (Quái Thú Vô Hình). Rùng rợn, đẫm máu nhưng Predator lại "lệch tông" bằng những pha hài hước quá mức cùng một kịch bản đầy "sạn".

Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời - Ảnh 1.

Trailer phim "The Predator"

Nội dung dài dòng, rối rắm không cần thiết

Lấy bối cảnh 3 thập niên sau những sự kiện ở Predator 1987, một phi thuyền Yautja lại tiếp tục đâm sầm xuống vùng biên giới Mexico, đúng ngay nơi mà tay xạ thủ Quinn McKenna (Boyd Holbrook) cùng đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ. Xui xẻo chạm trán phải quái thú hung hãn, anh là thành viên duy nhất trong nhóm còn sống sót. Lo sợ cơ quan tình báo sẽ tìm cách ém nhẹm vụ việc, trước lúc bị bọn họ "hỏi thăm", Quinn liền gói ghém vài thiết bị công nghệ trên tàu rồi đem giấu chúng tại nhà vợ mình. Tưởng rằng bố vừa đem đồ chơi mới về, cậu con trai Rory (Jacob Tremblay) đã lôi chúng ra nghịch ngợm và vô tình kích hoạt chức năng định vị, triệu hồi thêm một phi thuyền Yautja khác mò tới Trái Đất.

Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời - Ảnh 3.

Con trai mất nết thấy đồ của bố thì bóc ra chơi

Trong khi đó, đội biệt kích do đặc vụ Traeger dẫn đầu (Sterling K. Brown) cũng vừa bắt giữ thành công con quái thú. Cả nó và Quinn được áp giải đến một căn cứ bí mật thuộc Stargazer - tổ chức chuyên nghiên cứu chủng tộc ngoài hành tinh Yautja. Thế nhưng, với sức mạnh thể chất phi thường, con quái thú dễ dàng thoát khỏi sự khống chế của quân đội. Tranh thủ tình cảnh hỗn loạn đang diễn ra, Quinn nhanh chóng chạy trốn về nhà và phát hiện mọi chuyện đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Để bảo vệ gia đình mình an toàn trước nanh vuốt của các Predator, anh đành phải nhờ cậy nhóm bạn cựu chiến binh cùng tiến sĩ sinh vật học Casey Bracket (Olivia Munn).

Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời - Ảnh 4.

Biệt đội cảm tử phiên bản Predator: Liều hơn và vô dụng hơn.

Phong cách hài hước đúng kiểu… nhà chuột

Khác hẳn màu sắc tăm tối thường thấy ở các tác phẩm tiền nhiệm, đạo diễn Shane Black đã thổi vào The Predator bầu không khí vui tươi, hài hước. Lấy cảm hứng từ tác phẩm Suicide Squad (2016), nhóm cựu binh đồng hành với anh chàng Quinn gây ấn tượng mạnh bởi mức độ lầy lội thuộc khó đỡ. Vốn là những người lính bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh, mỗi thành viên trong nhóm đều có tính tình tưng tửng, thất thường. Cách thức mà họ phản ứng hoặc giải quyết vấn đề chắc chắn sẽ khiến khán giả phải bật cười nghiêng ngả.

Phát huy truyền thống tốt đẹp "không máu me thì không phải Predator", phần hậu truyện mới nhất tiếp tục thách thức thị giác người xem bằng hàng loạt phân cảnh bạo lực dán mác 18+. Xuyên suốt 100 phút thời lượng, hầu hết những nhân vật bỏ mạng dưới tay bọn thợ săn đều chết chẳng toàn thây. Bên cạnh đó, tạo hình của hai gã Yautja cũng là một điểm cộng đáng ghi nhận. Nếu Fugitive Predator sở hữu vóc dáng thanh mảnh nhưng được trang bị "đồ chơi" hiện đại, thì Ultimate Predator tựa hệt tên đồ tể to xác thích sử dụng tay chân hơn cái đầu.

Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời - Ảnh 5.

Vui thôi chứ đừng vui quá, kẻo bị Predator "củ hành"

Một phim Predator mất chất

Thế nhưng, chừng ấy ưu điểm trên vẫn không thể bù lấp nổi vô số lỗ hổng to tướng nằm rải rác khắp bộ phim. Trước hết, sự hài hước giống như một con dao hai lưỡi. Vì quá lạm dụng mảng miếng chọc cười, đứa con tinh thần của đạo diễn Shane Black đánh mất hoàn toàn cái vẻ nghiêm túc, u ám đặc trưng ở thương hiệu Predator xưa nay. Chưa kể, nhiều chỗ còn đùa cợt quá trớn, làm khán giả cảm thấy lố lăng và phản cảm.

Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời - Ảnh 6.

Đã nói là vui thôi đừng vui quá mà không nghe à

Được giới thiệu là thế hệ Predator mạnh mẽ nhất, ưu việt nhất có hệ thống vũ khí tiên tiến cùng khả năng cấy ghép ADN từ các giống loài khác, tuy nhiên, sức mạnh thực tế của mấy gã thợ săn này lại chẳng xứng công trông đợi. Thật sự, số lượng "đồ chơi" ngoài hành tinh xuất hiện trong The Predator khá nghèo nàn lẫn nhàm chán. Thậm chí, khẩu đại bác mini gắn vai đáng sợ ngày nào cũng bị giảm hẳn uy lực sát thương. Riêng Ultimate Predator gây thất vọng to lớn với màn trình diễn nhạt nhòa, không hơn gì mấy lão phản diện vai u thịt bắp ở dòng phim hành động hạng B. Các chiến binh vũ trụ này dễ dàng bị con người đuổi bắt và bắn bỏ. Chó vũ trụ cũng bị đánh tới "ngu người" trở thành chó cảnh, sau còn quay qua phản chủ.

Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời - Ảnh 7.

Ultimate Predator - kẻ phản diện chán nhất dòng phim

Nếu bọn chiến binh Yautja được nâng cấp đầy đủ, thì nhóm dũng sĩ địa cầu cũng không hề kém cạnh. Đơn cử như cô nàng Casey, chắc hẳn diễn viên Olivia Munn vẫn nghĩ cô đang sắm vai nữ dị nhân Psylocke bên vũ trụ X-Men. Bên cạnh chức danh giảng viên đại học, nhà sinh vật học, Casey có thể sử dụng mọi loại vũ khí xuất hiện trong phim: từ súng gây mê, shotgun, tiểu liên, lựu đạn đến tận công nghệ ngoài hành tinh. Ngoài ra, cô còn thuần hóa luôn mấy bé thú cưng của lũ Predator. Dẫu không gây sốc bằng người đồng nghiệp, nam tài tử Boyd Holbrook vẫn sở hữu cho bản thân mình pha đu bám phi thuyền ăn đứt Tom Cruise.

Máu me, hài hước, nhưng “The Predator” còn lâu mới xứng với thương hiệu Quái Thú Vô Hình đình đám một thời - Ảnh 8.

Casey Bracket – nhà sinh vật học "phi thường" bởi chị phi vèo vèo qua những địa hình mà người thường không tài nào làm được.

Chưa kịp vùng vẫy được bao lâu, gã thợ săn huyền thoại Predator đã bị chôn vùi bởi hàng đống hạt sạn về kịch bản, diễn xuất. Chưa kể Predator còn có một cái kết không thể khó chịu hơn. Có lẽ, Shane Black với Hollywood nên ngừng việc vắt sữa tượng đài quái vật này và để nó yên nghỉ thì sẽ hay hơn.

The Predator hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.