Mẫu hóa thạch kỳ lạ thân to đầu bé tí khiến các nhà khảo cổ học Mỹ đau đầu

Đ.L, Theo Helino 16:48 29/01/2019

Nó khá giống thú mỏ vịt nhưng mình gai như khủng long và có đuôi cá sấu.

Nếu không vì mục đích nghiên cứu, có lẽ tiến sĩ Ryosuke Motani (từ trường ĐH California) sẽ chôn xuống thứ mà ông vừa khai quật lên. Đó là mẫu vật của loài bò sát sống dưới biển đã tuyệt chủng, tên Eretmorhipis carrolldongi.

Loài vật này có mỏ vịt, lưng nổi đầy gai như khủng long stegosaurus và đuôi dài giống cá sấu; chân có màng. Thêm nữa, dù thân mình dài hơn 60cm nhưng nó lại có đầu bé tẹo cùng đôi mắt ti hí. 

Mẫu hóa thạch kỳ lạ thân to đầu bé tí khiến các nhà khảo cổ học Mỹ đau đầu - Ảnh 1.

Mình dài, đầu nhỏ, mắt hí - đó là điều mẫu hóa thạch này cho biết (ảnh: Long Cheng và Motani)

Kết hợp thêm lưng gai như 1 loài khủng long và đuôi như cá sấu (ảnh: Heinrich Harder, NatGeo)

Điều này gây bất ngờ cho khoa học, bởi nhiều loài bò sát cổ sống dưới nước hầu như đều sở hữu cặp mắt to để kiếm mồi. Với trường hợp dị biệt này, các nhà khoa học cho rằng con vật đã không dựa vào thị giác để săn mồi. Đầu quá bé nên cũng loại trừ khả năng nó dựa vào thính giác. Vậy nhờ vào đâu?

Gợi ý đến từ... cái mỏ vịt. Do đặc điểm này rất giống với thú mỏ vịt (vẫn tồn tại và gây sửng sốt đến ngày nay) nên khoa học cho rằng cách săn mồi của chúng tương đồng nhau.

Đây là một ví dụ của trường hợp tiến hóa hội tụ. Theo đó, các loài vật thuộc họ hàng, dòng dõi khác nhau đã tiến hóa độc lập nhưng rồi hình thành các đặc điểm tương đồng do áp lực khá giống nhau về môi trường sống.

Hóa thạch phần đầu cho thấy, loài bò sát cổ cũng có cái mỏ vịt (ảnh: Long Cheng và Motani)

Nhiều khả năng con bò sát E. carrolldongi chọn sống ở đầm lầy vì nơi đây có nhiều động vật giáp xác nhỏ. Khi đến giờ săn mồi, nó sẽ "quẹt" mỏ sang phải và trái. Nếu gặp đúng mồi, nó táp.

Điều này lại dẫn đến 2 "ngã rẽ" khoa học mới. Thứ nhất, nếu tất cả giả thiết trên là đúng, E. carrolldongi sẽ là là mẫu vật xưa cổ nhất được tìm thấy của nhóm động vật có màng ối (bao gồm thú, bò sát và chim) biết sử dụng đặc điểm xúc giác thuần thục để săn mồi.

Thứ hai, phát hiện này có thể mở đường cho khoa học hiểu biết thêm về thú mỏ vịt và mối liên hệ của nó với các loài bò sát dưới nước. Phải chăng tất cả chúng đều có thể dùng xung điện để săn mồi?

Tiến sĩ Ryosuke Motani giàu kinh nghiệm nghiên cứu về cổ sinh vật (ảnh: UCDavis, Internet)

Dù sao, việc phát hiện loài bò sát E. carrolldongi là vô cùng độc đáo cả vẻ ngoài lẫn chi tiết bên trong. "Thật là một tổ hợp kì lạ của những sinh vật mà chúng ta đã biết", tiến sĩ Motani nhận định. "Khi tôi nhìn thấy mẫu hóa thạch lần đầu, tôi đã kêu 'Hả' rồi im lặng rất lâu sau đó".

Hai mẫu vật E. carrolldongi được tìm thấy ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tiến sĩ Motani cùng các nhà cổ sinh vật ở Trung Quốc đã tìm thấy mẫu vật đầu tiên hơn 10 năm trước nhưng nó bị mất dầu. Mẫu thứ 2 được tìm thấy năm 2015. Cả hai mẫu đều có niên đại cách đây khoảng 247 triệu năm, trước thời khủng long trị vì Trái Đất.

Theo The New York Times