Mặt tối học đại học tại Anh: Áp lực thi cử gia tăng, cạnh tranh việc làm khốc liệt đè nặng tâm lý sinh viên

AB, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 11:22 25/10/2019

Trường học vốn phải là nơi giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ thì ngày nay với áp lực thành tích cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nó đã trở thành một nơi đầy lo âu, bức xúc, sợ hãi đi kèm những vụ tự tử.

Cách đây 19 năm, anh Terry Vass vốn là bảo vệ cho trường đại học Brunel University tại London-Anh và phần lớn thời gian của anh là giải quyết những vụ say xỉn, đánh nhau trong trường. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đây đã khác khi ngày càng nhiều sinh viên gọi bảo vệ vì gặp tổn thương về tinh thần hơn là thể xác.

Áp lực điểm số, nạn bắt nạt trong trường học hay nỗi sợ hãi khi phải sống xa nhà cùng nhiều yếu tố khác khiến sinh viên ngày nay gặp vấn đề về tâm lý hơn nhiều so với cách đây 20 năm. Đội bảo vệ của anh Vass giờ đây thường xuyên phải lên phòng cấp cứu để giám sát những sinh viên đang gặp stress hay chấn thương tâm lý nặng. Có những trường hợp bản thân anh Vass phải ngồi canh chừng một cô sinh viên tới 6 tiếng đồng hồ khi nạn nhân đang trong tình trạng khủng hoảng và có khả năng tự tử cao.

Mặt tối học đại học tại Anh: Áp lực thi cử gia tăng, cạnh tranh việc làm khốc liệt đè nặng tâm lý sinh viên - Ảnh 1.

Tại các trường đại học Anh nói riêng và trên thế giới nói chung, áp lực cuộc sống cũng như sự phát triển của công nghệ, tăng trưởng kinh tế khó khăn… đã khiến không chỉ người lớn mà cả những sinh viên trên ghế nhà trường bị stress.

Với không khí tràn đầy lo âu sợ hãi, tỷ lệ bỏ học năm đầu tiên tại các trường đại học Anh đã tăng mạnh kể từ năm 2015 với khoảng 26.000 sinh viên mỗi năm. Tỷ lệ tự sát trong trường đại học tại Anh tính đến cuối tháng 7/2017 cũng tăng đột biến với 4,7 em trên mỗi 100.000 học sinh, tương đương cứ 4 ngày thì có 1 sinh viên tự tử.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi vào tháng 11/2018, các nhóm sinh viên đã xuống đường biểu tình đòi chính phủ có sự hỗ trợ nhiều hơn về mặt tâm lý cũng như đầu tư cho mảng giáo dục khi học sinh gặp áp lực cực lớn từ xã hội. Lo lắng xin việc làm, học phí tăng, sự bắt nạt và những mối quan hệ phức tạp trên mạng xã hội… đều ảnh hưởng rất lớn đến giới sinh viên ngày nay.

Trớ trêu thay, cuộc biểu tình này chẳng được chính phủ quan tâm và cô Ruth Day, lãnh đạo của buổi biểu tình đã bị trường học cấm túc 8 tuần và gây nên sự phẫn nộ trong toàn thể giới sinh viên.

Câu chuyện cũng dễ hiểu khi giới sinh viên không phải là những người đóng góp chính cho nền kinh tế, trong khi các trường học thì cần thành tích và muốn giữ hình ảnh đẹp. Chẳng có một phụ huynh nào muốn gửi con vào trường suốt ngày biểu tình và có dấu hiệu khiến sinh viên bị áp lực. Tuy vậy thay vì giải quyết vấn đề, các trường đại học lại giấu chuyện này đi hoặc coi đó là điều không quan trọng bằng thành tích học tập.

Cả một thể hệ bỏ đi

Khoảng 50% số thanh thiếu niên tại Anh hiện theo học tại các trường đại học và con số này còn cao hơn nữa tại nhiều nước. Dẫu vậy, kinh tế giảm tốc cũng rất nhiều vấn đề trong xã hội đang khiến giới trẻ ngày nay gặp rắc rối.

Đáng lẽ ra, cuộc khủng hoảng 2008 chấm dứt sẽ đem lại cơ hội mới cho các sinh viên khi kinh tế hồi phục thì với việc cắt giảm an sinh xã hội, thắt chặt đầu tư cho giáo dục để đổ tiền vào những mảng kích thích kinh tế khác đã khiến giới trẻ ngày nay gặp áp lực cực lớn.

Hiện nay tại Anh, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 4-24 tuổi gặp vấn đề về tâm lý cao gấp 6 lần so với năm 1995. Trường đại học thường là một xã hội thu nhỏ nhưng chính phủ và các thầy cô lại không quan tâm mấy đến tâm lý của các thanh thiếu niên khi bước sang trang mới.

Sự thay đổi hàng ngày của công nghệ, kéo theo nhu cầu biến đổi của thị trường việc làm khiến sinh viên ngày một phải học nhiều nhưng lại phát hiện mình chẳng dùng được mấy khi ra trường xin việc.

Mặt tối học đại học tại Anh: Áp lực thi cử gia tăng, cạnh tranh việc làm khốc liệt đè nặng tâm lý sinh viên - Ảnh 2.

Một cuộc khảo sát của trường đại học University of the West of England cho những vụ tự tử trong khoảng 2010-2018 cho thấy phần lớn các vụ việc trên diễn ra vào những tháng trước kỳ thi cử, khi áp lực lên sinh viên là vô cùng lớn.

Dẫu biết rằng trường đại học đang cố trang bị hành trang cho học sinh đối đầu với thị trường việc làm ngày một khốc liệt nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nó cũng nên là nơi nuôi dưỡng sự thoải mái, cho sinh viên một môi trường phát triển hơn là gò ép nhau.

Mặc dù vậy, việc nới lỏng cho sinh viên là điều khá khó khăn khi họ trả hàng nghìn USD học phí và đòi hỏi trở lại những kiến thức chuyên môn xứng đáng với số tiền đó. Chẳng phụ huynh nào muốn cho con theo học những trường có tiêu chuẩn thấp.

Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên ngày nay phải vay mượn để học đại học bởi hầu như chẳng công ty lớn nào muốn thuê một người không có bằng cấp. Hệ quả là số liệu chính thức cho thấy các sinh viên tại Anh tốt nghiệp với khoản nợ bình quân lên đến 50.000 Bảng (64.000 USD).

Tệ hại hơn, chi phí sống quá cao khiến nhiều sinh viên ngày nay phải đi làm thêm kiếm tiền, hoặc kiếm thêm kinh nghiệm làm đẹp hồ sơ xin việc. Trớ trêu thay, phần lớn các công việc bán thời gian chẳng giúp họ có thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Báo cáo năm 2014 tại Anh cho thấy 45% sinh viên ở đây phải đi làm thêm và có tới 13% các bạn trẻ phải làm hơn 35 tiếng mỗi tuần.

Áp lực học hành, công việc khiến sinh viên ngày nay chẳng còn thời gian hưởng thụ cuộc sống nhà trường mà họ đáng được hưởng. Hệ quả là việc bỏ học, tự tử hay hàng loạt các vấn đề phát sinh nhưng chẳng được chính phủ, nhà trường hay gia đình quan tâm. Tất cả mọi người chỉ thấy một thế hệ trẻ bỏ học, không lên lớp, lười làm bài hay luôn luôn mệt mỏi mà chưa nhìn thấy những áp lực vô hình đằng sau các cánh cổng trường đại học.