Mark Zuckerberg nói gì trước làn sóng tẩy chay #deletefacebook?

TVD, Theo Trí Thức Trẻ 20:30 22/03/2018

CEO Facebook đã tham gia phỏng vấn với một loạt các trang tin tức lớn trên thế giới, liên quan đến scandal vừa qua.

Trong khi vụ scandal làm lộ thông tin của 50 triệu người dùng đang nhấn chìm Facebook bắt đầu từ cuối tuần vừa qua, CEO Mark Zuckerberg phải đợi tới ngày hôm nay mới chính thức lên tiếng. Bên cạnh bài đăng khá dài trên trang cá nhân của mình, Zuckerberg cũng tham gia phỏng vấn với một loạt các trang tin công nghệ lớn trên thế giới.

Mặc dù nội dung của các câu trả lời phỏng vấn đa số tập trung vào các vấn đề mà Mark Zuckerberg đã đề cập đến trong bài viết trên trang cá nhân của mình, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số thông tin thú vị khác.

Mark Zuckerberg nói gì trước làn sóng tẩy chay #deletefacebook? - Ảnh 1.

Đầu tiên chính là việc CEO Mark Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi, từ này đã không được nhắc tới một lần nào trong bài đăng trên trang cá nhân. Trả lời phỏng vấn Recode, Zuckerberg thừa nhận: “Chúng tôi đã khiến cộng đồng thất vọng, tôi thực sự cảm thấy tồi tệ và tôi thực sự xin lỗi về điều đó”.

Recode cũng đặt một câu hỏi về sai lầm của Facebook khi yêu cầu Cambridge Analytica xóa dữ liệu thông tin người dùng, nhưng không có bất kỳ bước kiểm tra nào. Zuckerberg đã trả lời rằng:

“Vào thời điểm đó, có vẻ như chúng ta không cần phải đi xa hơn nữa. Tuy nhiên với những hậu quả chúng ta thấy bây giờ, rõ ràng đó là một sai lầm. Chúng tôi nên xem xét kỹ lưỡng hơn và sẽ không bao giờ để sai lầm đó lặp lại một lần nữa”.

Vào lúc đó, Facebook đã mắc phải sai lầm khi không cử người kiểm tra xem Cambridge Analytica đã thật sự xóa toàn bộ dữ liệu người dùng hay chưa. Đây là sai lầm dẫn đến việc thông tin của 50 triệu người dùng đã bị tiết lộ.

Mark Zuckerberg nói gì trước làn sóng tẩy chay #deletefacebook? - Ảnh 2.

Recode đặt câu hỏi về việc Facebook sẽ kiểm soát việc truy xuất dữ liệu của hàng ngàn ứng dụng khác trong nhiều năm qua như thế nào. Mark Zuckerberg thừa nhận điều đó không hề dễ dàng:

“Dữ liệu không nằm trên máy chủ của chúng tôi, vì vậy chúng tôi sẽ gửi những người kiểm tra tới các công ty thứ 3 lưu trữ những dữ liệu này. Đó không phải là việc dễ dàng, nhưng cần được thực hiện”.

New York Times cũng đặt một câu hỏi thú vị liên quan tới làn sóng tẩy chay #deletefacebook và suy nghĩ của Mark Zuckerberg là gì. Mặc dù làn sóng này đang lan rộng, nhưng có vẻ như Zuckerberg không quá lo lắng:

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta thấy một số lượng đáng kể người dùng có hành động này. Nhưng bạn biết đó, việc bị phản đối cũng không tốt. Tôi hiểu rằng sự việc vừa qua đã khiến mọi người mất niềm tin. Nếu như mọi người muốn xóa ứng dụng Facebook hay không thoải mái khi sử dụng Facebook, đó có thể là một vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ tìm cách khắc phục”.

New York Times tiếp tục hỏi vì sao Mark Zuckerberg lại im lặng giữa tâm bão scandal trong vài ngày qua. Mark Zuckerberg thừa nhận rằng:

“Đầu tiên, chúng tôi muốn hiểu rõ mọi sự việc đang diễn ra. Sau đó, chúng tôi muốn biết chắc rằng mọi vấn đề đã được khắc phục để sai lầm không lặp lại. Tôi biết có rất nhiều áp lực để chúng tôi có câu trả lời một cách sớm nhất, nhưng tôi muốn mọi thứ chúng tôi nói đều là chính xác”.

Câu hỏi cuối cùng của New York Times dành cho Zuckerberg: “Khi nghĩ về những tác động tiêu cực của Facebook trên toàn thế giới anh có mất ngủ không? Adam Mosseri, người đứng đầu Facebook News Feed nói rằng ông ấy thường xuyên mất ngủ đấy. Anh có cảm thấy tội lỗi trước tác động của Facebook trên toàn thế giới hay không?

Mark Zuckerberg đã trả lời: “Đó là một câu hỏi hay. Chúng tôi đã tạo ra một thứ chưa từng có, để giúp kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới, giúp họ chia sẻ và xây dựng cộng đồng. Tôi nghĩ rằng sẽ có những khó khăn mà chúng ta không lường trước được.

Khi bắt đầu Facebook năm 2004 trong phòng ký túc xá, tôi chưa từng nghĩ rằng Facebook lại có tác động lớn trong những cuộc bầu cử. Trong quá trình xây dựng Facebook, chúng tôi đã mắc phải hàng loạt những sai lầm khác nhau. Vì vậy tôi dành phần lớn thời gian của mình để tìm cách giải quyết những khó khăn mới xuất hiện mỗi ngày”.

Tham khảo: Recode, New York Times