Đi tìm hồi ức trong những món ăn vặt

JL, Theo Mask Online 00:00 28/09/2012

Những món ăn này có lẽ đã gắn bó với chúng mình từ thời áo trắng đấy!

Đất nước chúng ta nổi tiếng với những món ăn đặc trưng vừa ngon lại vừa hợp túi tiền mà không phải đi đâu cũng có thể tìm thấy. Đặc biệt, những món ăn hè phố chỉ có ở Việt Nam đã làm rung động bao người đam mê ẩm thực trên thế giới vì sự phong phú và hương vị rất đặc trưng.

Bánh gối

Bánh gối có lẽ đã trở thành một cái tên quen thuộc với các bạn Hà thành. Vào cái thời mà nem chua rán chưa xuất hiện thì những chiếc bánh gối là món ăn hấp dẫn đúng không? Bánh gối hơi giống bánh xèo miền Nam hay bánh quai vạc miền Tây, nhưng rất khác biệt về phần nguyên liệu và cách làm.

di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat

Một chiếc bánh gối ngon phải có màu vàng ươm, vị giòn rụm và nhân bánh thơm ngon hài hòa. Phần nhân có thể bao gồm trứng gà, thịt xay xay, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, chút gia vị và một ít cà rốt hay su hào thái nhuyễn trộn đều với nhân. Hương vị bánh gối sẽ chẳng hoàn thiện nếu thiếu đi phần nước chấm và rau ghém. Nước chấm có thể là nước mắm pha với đu đủ xanh, cà rốt, tỏi băm, đường và dấm hoặc tương ớt.

Cháo trai

Hiện nay, quanh quất đâu đó trên đường phố Hà Nội vẫn còn những người bán gánh cháo trai với một gánh đựng nồi cháo trai quấn trong chăn nóng hổi, gánh còn lại làm ngây ngất người đi qua bởi hương quẩy và rau răm. Cháo trai dân dã, ăn với quẩy và hành phi, ấm nóng bởi vị cay cay của hạt tiêu và ớt bột, làm cho người thưởng thức vừa ấm bụng trong chiều mưa se lạnh, vừa thấm cái chất mộc mạc của những món ăn phố xá Hà thành.

di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat

Cháo trai thường được nấu bằng loại gạo ngon, đã được ngâm và giã nhỏ như tấm. Người nấu phải khéo tay, khi nấu phải khuấy liên tục để cháo nấu ra có độ đặc sánh vừa miệng, không bị vón cục, nếu để quá lửa có thể hỏng cả nồi cháo. Một bát cháo ngon phải có vị ngọt tự nhiên của nước luộc trai và loại trai dùng làm cháo là trai non, tươi. Hương vị quyến rũ của trai phi hành, vị béo ngọt của bát cháo sánh đặc, thơm nồng của rau dăm, thêm tí cay cay của hạt tiêu, ớt bột càng khiến bát cháo trai càng thêm hấp dẫn.

Thịt trai có vị ngọt mặn, giàu đạm, canxi, photpho, một số vitamin như B1, B2, PP, C và đặc biệt là có rất nhiều kẽm. Chúng có tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát. Quả thật là một món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng các bạn nhỉ!

Bánh tráng nướng

Bánh tráng nướng có lẽ đã trở thành một phần không thể thiếu khi đến với xứ sở sương mù Đà Lạt. Đi một vòng quanh thành phố, không thể không chú ý đến những chiếc lò than đỏ hồng của những hàng bánh tráng nướng.

Khói bốc lên từ món ăn vặt, cộng thêm với sự ấm áp tỏa ra từ ngọn lửa than có lẽ đã thu hút những du khách còn lạ lẫm với cái se lạnh của Đà Lạt. Buổi tối, người ta thường mua một chiếc bánh tráng nướng gập đôi, rồi cầm tay nhâm nhi trong lúc dạo quanh phiên chợ đêm.

di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat

Nguyên liệu làm bánh tráng thường thay đổi tùy theo ý thích của người bán, do đó bạn có thể tìm thấy nhiều hương vị khác nhau khi dạo quanh những hàng bánh tráng nướng. Người bán thường sẽ dùng trứng, một ít thịt heo xay rim, thêm chút mỡ hành, lạc rang và ớt bột.

Món ăn này cũng có thể được biến tấu với bò khô, sốt mayonnaise, phô mai... Mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy cái riêng của mình khi ăn món bánh tráng nướng được làm theo đúng khẩu vị. 

di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat


Có lẽ vì hâm mộ món ăn này mà giờ đây bánh tráng nướng cũng xuất hiện trên đường phố Sài Gòn. Nhưng phải có cái khí trời lành lạnh thì chúng mình mới có thể cảm nhận trọn vẹn được hương vị giản đơn mà nồng ấm của món ăn vặt này.

Bánh căn trứng cút

Đã đến Đà Lạt, ắt hẳn ngoài món bánh tráng nướng kinh điển, các bạn còn phải thưởng thức thêm món bánh căn. Bánh được đổ trong những chiếc khuôn bé xinh xắn, vì bánh nhỏ nên người ta ít khi bán theo cái mà thường bán theo cặp. Khi đổ bánh, người làm bánh đổ một lớp bột gạo ở dưới cùng, rồi đến một lớp trứng cút, cuối cùng là một lớp bột gạo rồi đậy nắp khuôn lại, mấy phút sau là bánh chín, có thể ăn ngay được.

di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat

Do nguyên liệu làm bánh đơn giản nên khi ăn bánh, chúng mình hay phải ăn với những loại nước chấm cầu kỳ. Nước chấm bánh căn thường bao gồm thịt xá xíu, mỡ hành, có nơi còn pha nước mắm với ớt chỉ thiên cay nóng cả lưỡi. Khi ăn, các bạn phải gắp cả chiếc bánh, nhúng ngập trong nước chấm rồi ăn ngay. Phải ăn bánh căn trong không khí Đà Lạt thì cái vị cay ấy mới thấm vào thành hơi ấm lan tỏa trong người.

Bánh bông lan

Đây là một món ăn gắn liền với thời học sinh của biết bao bạn trẻ Sài thành. Người miền Tây khi làm bánh bông lan thì nguyên liệu chính là bơ để bánh có độ béo và mềm, nhưng các cô chú ở Sài Gòn lại sử dụng nước cốt dừa để thay cho bơ. Những chiếc bánh thường xốp mềm, ngọt béo và thoang thoảng hương thơm nước cốt dừa.

Chiếc bánh bông lan hoàn hảo phải là chiếc bánh xốp mà không khô, không quá ngọt và béo, khi cho vào miệng thì cảm giác được vị mềm vừa thơm hương vị của nước cốt dừa.

di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat

Khác với những gánh hàng rong khác, hàng bánh bông lan nằm im lìm bên một góc phố, không ồn ào, náo nhiệt, người bán không vội vàng, khoan thai đổ từng vỉ bánh cho dù có rất nhiều khách đứng đợi xung quanh.

Với những ai đã trót yêu thích mùi vị ngọt ngào và hương thơm của bánh bông lan, họ vẫn kiên nhẫn đợi chờ từng vỉ bánh vì mỗi mẻ bánh chỉ có 6 cái, và không có gì ngon hơn một túi bánh bông lan thơm nóng hổi vừa ra lò.

Bánh tàn ong

Bánh tàn ong đặc biệt nhìn rất giống bánh waffle của phương Tây, nhưng hương vị lại rất giản dị nhưng vô cùng nồng nàn. Chiếc bánh mỏng tang nhưng chất chứa bao kỷ niệm tuổi thơ của bất cứ ai từng sống ở đất Sài thành.

 Lang thang qua các con phố Sài Gòn, nhất là ở những quận trung tâm, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những gánh hàng bánh nướng ở một góc phố, hay một vỉa hè nào đấy. Trên đôi quang gánh đó hầu như có đủ các loại bánh bông lan, bánh chuối nướng và bánh tàn ong.
 
di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat

Trước khi được đổ bột, những chiếc khuôn đổ bánh được làm nóng, sau đó được quết dầu đều lên đáy và nắp trong của khuôn. Người làm bánh sau khi đổ bột thì gấp khuôn lại và lật đều cả hai mặt để bánh mau chín và giòn. Hoặc bánh có thể được lấy ngay ra sau khi nướng để ăn có độ dẻo và nóng.

Hồi ức tuổi thơ hòa quyện với hương vị bánh nướng thơm ngon ngọt dịu có lẽ sẽ làm chúng mình cảm thấy gắn bó hơn với mảnh đất mình đang sống.


Cùng mang bánh khọt và bánh căn đặt lên bàn cân nào...
di-tim-hoi-uc-trong-nhung-mon-an-vat
(Click vào hình để xem hướng dẫn chi tiết nha!)