5 món nem Việt không thể bỏ lỡ (P1)

Vens, Theo Mask Online 00:01 06/07/2012

Cùng điểm danh xem bạn đã thưởng thức những món nem này chưa nhé!

Văn hóa Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú từ lâu đã thu hút du khách bốn phương bởi những món ăn độc đáo, lạ miệng. Nem Việt là một trong những món ăn như vậy. Trải dài từ Bắc vào Nam, các món nem lại có những đặc trưng riêng gắn liền với đặc điểm địa lý, văn hóa, khí hậu của mỗi vùng miền.

Những cái tên chúng tớ sắp nhắc tới sau đây có lẽ sẽ không quá xa lạ với các bạn, nem tai, nem nắm, nem chua, nem lụi, nem nướng đều là những món nem độc đáo, ngon miệng và vô cùng hấp dẫn.

Những món nem độc đáo của ẩm thực Việt.

Vốn là món ăn vô cùng nổi tiếng tại đất Hà Thành, sự hòa quyện giữa vị giòn giòn của tai với vị bùi bùi của thính cùng làm nên sự thu hút của nem tai Hà Nội. Không chỉ hấp dẫn đối với du khách, nem tai còn là món ăn phổ biến trong gia đình, trong các bàn tiệc.


(Nguồn: Xóm Nhiếp ảnh)

Nhiều người nói nem tai có xuất xứ từ Nam Định và du nhập vào Hà Nội bởi một người con gái khi cô lấy chồng tại Ước Lễ (Hà Tây). Từ đó, nem tai gia truyền dần dần được biến đổi phù hợp với ẩm thực xứ Bắc, kết hợp với món chả giò, nem chua, trở thành những đặc sản nổi tiếng của làng Ước Lễ.

Ngon và lạ miệng, nem tai vốn được chế biến bằng cách dùng tai lợn luộc thái thật mỏng, trộn thính, lá chanh thái chỉ, ớt và chút bột canh, khi ăn thường dùng bánh đa nem gói kèm với lá sung, lá đinh lăng, lá mơ tam thể và chấm nước chấm chua cay nhẹ.


Nem tai giòn giòn ngon ngon.

Tuy nhiên, để làm được món nem tai ngon không hề đơn giản. Ngay từ khi chọn tai, người làm nem đã phải chọn lấy tai của con lợn khỏe mạnh để thịt tai dày dặn, to bản và ít diềm. Khâu làm sạch tai đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận, bởi nếu không sạch sẽ để lại mùi và ảnh hưởng đến thời gian bảo quản. Sau đó là hấp cách thủy từng mẻ một để tai không bị mất nước mà vẫn đảm bảo độ giòn, mềm.

Công đoạn thái tai yêu cầu dao phải mài thật sắc để thái cho thật chuẩn, không được dày quá vì ăn sẽ mất ngon và cũng không được mỏng quá vì sẽ không giòn và mất vị. Thế nhưng, khâu cuối cùng là quan trọng nhất, quyết định thành công của món nem tai vẫn là thính - được làm từ bột đỗ xanh, đỗ tương, gạo nếp, gạo tẻ và một số gia vị khác. Những nguyên liệu này được rang liu riu trước khi hạ thổ, rồi lại rang vàng, sau đó cho vào cối xay nhuyễn và trộn đều vào tai lợn.

Một món nem cũng không kém phần nổi tiếng của đất Việt đó chính là nem nắm Giao Thủy (Nam Định). Nem nắm là món ăn đã rất lâu đời, nổi tiếng từ thời nhà Trần. Theo tương truyền, khi các vua Trần chọn phủ Thiên Trường làm nơi ngự, các làng nghề hình thành và món nem nắm Giao Thủy cũng được xem là đặc sản dâng vua từ thời đó.


Nem nắm Giao Thủy – đặc sản Nam Định.

Nếu như nem tai được làm từ tai lợn thì nem nắm được làm từ bì và thịt lợn trộn đều với thính, tỏi, nước mắm… rồi nắm trong lá sung và lá đinh lăng. Cũng giống với nem tai, khâu chọn bì lợn, chế biến bì cũng vô cùng quan trọng. Sau khi loại bỏ lông và phần mỡ dính dưới da, bì lợn được đem luộc chín tới (trong nước sôi khoảng 3 - 5 phút) để bì vừa dai lại vừa mềm; nếu luộc kĩ bì sẽ bị keo dính ăn không ngon. Bì phải thái mỏng bằng tay, tuyệt đối không dùng bằng máy thái. Chọn thịt lợn làm nem cũng không kém phần quan trọng, nên chọn thịt ở phần đầu, phần thịt có lẫn chút mỡ.

Vị thơm của nem nắm Giao Thủy nằm ở phần thính gạo trộn cùng, người Giao Thủy đã dùng thứ gạo thơm ngon nhất vùng chiêm trũng để làm thính, do đó hương vị rất đặc trưng mà khó nơi nào có được.


Nước mắm chấm đặc biệt được chế biến theo cách cổ truyền của người dân Sa Châu.

Nước mắm chấm cũng được chế biến theo cách cổ truyền của người dân Sa Châu (xã Giao Châu, huyện Giao Thủy), cá được nấu chín tự nhiên, không qua tẩm ướp, sau chừng 6 tháng mới mang ra vắt lấy nước mắm nguyên chất. Sau đó, mắm lại được phơi nắng nóng rồi cho vào vại sành chôn xuống đất thêm 6 tháng nữa. Vậy là phải mất ngót 1 năm, nước mắm Sa Châu mới được mang ra để ăn với nem.