Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn... dở một cách phí phạm!

Bảo Anh - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 08:20 10/12/2017

Tội nghiệp Bình Minh khi mà giữa lùm xùm chuyện ngoại tình, khán giả còn chưa kịp nghe anh trải lòng thì đã phải lên tăng xông nếu như trót xem phim "Giấc mơ Mỹ" do anh đóng vai chính.

Giấc mơ Mỹ là bộ phim được đầu tư để nói về một mặt cuộc sống của những người đã, đang và sẽ hành nghề bác sĩ. Phim được đạo diễn bởi Davina Hồng Ngân, người đã từng làm ra "thảm hoạ" điện ảnh mang tên Valentine Trắng và nay với Giấc mơ Mỹ, người ta phát hiện ra một loại thảm hoạ phí phạm khác. Không chỉ phí tiền vé mà khán giả còn cảm thấy phí thay cho nhà sản xuất Mai Thu Huyền khi mà phim được đầu tư quay sang tận nước Mỹ xa xôi.

Nghe "giấc mơ Mỹ", hẳn bạn sẽ tưởng bộ phim sẽ nói về "American Dream", một cụm từ phổ biến trên thế giới nói về khát vọng. Nhưng không, phim chỉ đơn thuần là câu chuyện của Hoàng Linh (Mai Thu Huyền) trong công cuộc trở lại với nghề y sau tai nạn nghề nghiệp trong ca mổ do mình phụ trách khiến cô bị sa thải, và hành trình này của Linh diễn ra trên đất Mỹ. Trong chặng đường ấy, hai người đàn ông là người chồng Thế Vinh (Bình Minh) và Peter (Kyo York) đã khiến cho cuộc sống của Hoàng Linh xoay mòng mòng như mớ bòng bong trong đầu khán giả khi xem phim.

Bộ phim gây ức chế bậc nhất trong năm

Về mặt ý tưởng, có lời khen cho bộ phim vì đây có thể coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên lấy đề tài y khoa để khai thác chính trên màn ảnh rộng (theo như nhà sản xuất giới thiệu). Và chắc vì làm phim về ngành y nên phim cũng trở nên khó hiểu như cái quá trình trở thành bác sĩ là phải mất đến hàng chục năm vậy! Để hiểu được nội dung phim thôi cũng là cả một quá trình kì công mà kể cả sau khi về nhà, vắt óc suy nghĩ vẫn không thể hiểu nổi mình đã bỏ ra gần 2 tiếng đồng hồ ngồi trong rạp xem cái gì nữa.

Mở đầu phim là cảnh một tai nạn nghiêm trọng, để nhấn mạnh rằng cô bác sĩ Hoàng Linh rất giỏi, rất có tâm với bệnh nhân. Nhưng sau đó, khi có cuộc gọi về rằng anh Thế Vinh đang hấp hối bên Mỹ, thì cô bỏ cả bệnh nhân đang chờ mổ, bỏ cả con trai lại Việt Nam rồi phóng tót ra sân bay rồi đi Mỹ? Mọi người chưa kịp biết Thế Vinh là ai thì BÙM!, thời gian quay lại 10 năm trước, rồi một mớ tình tiết không đầu không cuối diễn ra khiến khán giả muốn ngủ cũng không dám ngủ vì sợ phim có cài twist gì đó.

Trailer Giấc mơ Mỹ với những cảnh quay lạm dụng kĩ xảo như mấy game cách đây mười mấy năm nhưng không hiểu để làm gì!?

Theo giới thiệu, đây là bộ phim về ngành y, thế nhưng thứ mà tất cả xem lại là câu chuyện tình yêu rối rắm giữa cô, Peter và Thế Vinh. Cô cưới Vinh, cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô tiến bước nữa với Peter rồi bị anh ta cho ra khỏi cửa vì dám "léng phéng" với Thế Vinh.

Qua Mỹ quay phim làm gì cho phí vậy hả nhà sản xuất!?

Nhà sản xuất Giấc mơ Mỹ đã không ngần ngại chi khoản tiền khủng để thuê du thuyền 5 sao, máy bay trực thăng, một đoàn xe mô tô phân khối lớn hay đưa đoàn phim tới quay tại 15 địa điểm khác nhau khắp bang California, nhưng chẳng biết phải làm như vậy để làm gì khi mà phim vẫn dở không chấp nhận nổi!

Lại nói, theo tôn chỉ Giấc mơ Mỹ, dĩ nhiên bộ phim phải có cảnh quay ở Mỹ, thế nhưng đây là một khoản đầu tư cực phí phạm của nhà sản xuất. Thực chất, cảnh quay ở đất nước này tuy nhiều nhưng không đẹp, nhìn còn chẳng nhận ra đó là Mỹ. Thậm chí nhiều cảnh còn cắt ghép trên phông nền một cách nhem nhuốc, hay nói đơn giản là vừa sến vừa cẩu thả.

Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn dở một cách phí phạm! - Ảnh 2.

Những cảnh dùng flycam này liên tục xuất hiện và chẳng hề giúp ích thật sự cho phim

Không nói đến việc lạm dụng flycam thì nên công nhận phim có hình ảnh thật đẹp. Thế nhưng, song song đó là những đoạn cận mặt quá đà đến nỗi lộ rõ từng chân tơ kẽ tóc của nhân vật theo nghĩa đen giống như sự sắp đặt tương phản cố ý!? Thử tưởng tượng đi xem và ngồi hàng tận hàng H nhưng gương mặt tô vẽ quá đậm và đầy khuyết điểm của diễn viên vẫn hiện lên trước mắt bạn gần như ngồi A mà xem. Và có nhiều lúc, phông nền được ghép vào còn làm mờ cả đường viền má của diễn viên. Bộ phim cứ mờ mờ ảo ảo như một giấc mơ đích thực.

Thay vì đầu tư máy quay xịn và bối cảnh đỉnh cao bay vòng vòng trên trời mà có thể bỏ tiền ra mua phim tư liệu rồi làm cảnh giả ở Việt Nam, thì đoàn làm phim nên cân nhắc hơn trong khâu hậu kì, cắt ghép hình ảnh. Số tiền khủng để di chuyển tới đất nước khác, setup máy móc chắc thừa đủ để phim có kĩ xảo tốt hơn.

Quay về vụ tai nạn ở đầu phim vừa nhắc tới ở trên. Khi mới xem, khán giả có vài người khá hoang mang vì tưởng mình ngồi nhầm phòng chiếu. Vẫn biết chất lượng kĩ xảo của điện ảnh nước ta chưa phát triển, nhưng việc dựng cảnh như hoạt hình 3D ngay mở đầu phần nào khiến người xem cụt hứng và thấy phim dở ngay từ những giây đầu.

Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn dở một cách phí phạm! - Ảnh 3.

Cảnh đoàn tàu lao xuống núi

Có lẽ thứ minh hoạ đúng nhất cho cái cụm từ "giấc mơ Mỹ" chình là chất lượng hình ảnh, kĩ xảo trên phim. Giống như để đạt đến mức mà đạo diễn tưởng tượng ra thì khâu kĩ thuật của phim phải đi một quãng đường xa như từ Việt Nam tới Mỹ như vậy, nhưng phải đi bộ cơ mới thấy được sự chông gai!

Thoại nửa Tây nửa ta để chứng minh phim về giấc mơ Mỹ!?

Hình ảnh chưa phải là tất cả! Thứ gây tiền đình nhất, phải là những câu thoại trong phim. Đồng ý rằng, đây là bộ phim được quay ở cả Mỹ và Việt Nam, cho nên phải có cả thoại bằng tiếng Mỹ, nhưng như thế không có nghĩa là một bà mẹ đang sống ở Việt Nam, nói với con trai người Việt Nam rằng "Honey à, má mi có chút việc", rồi lại "Honey à, má mi rất xin lỗi con" từ đầu chí cuối.

Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn dở một cách phí phạm! - Ảnh 4.

Thêm nữa, việc đan xen những từ tiếng nước ngoài vào câu thoại không biết là lần thứ bao nhiêu được áp dụng trên phim Việt và đều không thành công, nhưng Giấc mơ Mỹ vẫn cứ thích chêm thôi, cho nó sang! "Mày phải gọi police đi", hay là "anh yêu em lắm darling à" chẳng hạn. Đấy là chưa kể nhân vật Hoàng Linh của Mai Thu Huyền với khả năng đọc tiếng Anh như mấy em học sinh đang tập thuyết trình trong tiết Anh văn.

Nhưng đỉnh cao nhất phải kể đến nhân vật của Kyo York! Không biết nhà sản xuất hay đạo diễn có thù hằn gì với anh chàng mà cho nhân vật Peter nói năng với loạt thoại kì cục kể cả là tiếng Anh hay tiếng Việt.

Diễn xuất: dở nốt!

Diễn viên Mai Thu Huyền với vai diễn Hoàng Linh là tâm điểm của bộ phim. Hoàng Linh là một cô bác sĩ mẫn cán, hạnh phúc với chồng và tôn trọng lời thề hypocrat tuyệt đối. Vẻ ngoài của Mai Thu Huyền dường như rất hợp với vai diễn đầy tri thức và nhân văn này. Nhưng có vẻ sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, trình diễn xuất của Thu Huyền sụt giảm khá nhanh chóng. Hoặc, cô cố tình bảo tồn lối diễn xuất truyền hình bao năm qua nên vô tình vẽ ra những động tác, biểu cảm không thể nào "sến" và "lố" hơn. Nhìn cách mà Hoàng Linh chạy theo chiếc xe của Thế Vinh với gương mặt khổ hạnh, tay chân vẫy vùng phong cách slow-motion mà nhớ đến những tuồng cải lương, vấn đề không hợp giữa sân khấu và điện ảnh là một chuyện nhưng cam đoan nghệ sĩ cải lương diễn hay hơn cô này là cái chắc!

Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn dở một cách phí phạm! - Ảnh 5.

Còn hai nhân vật là Thế Vinh (Bình Minh) và Peter (Kyo York) lại như phải mặc một chiếc áo quá kì cục mà không ai dám lên tiếng phản bác. Theo nghĩa đen, thì bộ phim đã tố cáo cả hai đang mập lên kinh khủng qua những chiếc áo sơ mi. Còn theo nghĩa bóng thì là cả hai đã phải cố ghìm khả năng diễn xuất xuống để tương xứng với những nhân vật khác trong phim. Về Bình Minh, anh đã từng đóng khá nhiều phim, dù cho chưa thực sự có dấn ấn quá lớn gì, nhưng cũng không phải thảm hoạ. Cho đến Giấc mơ Mỹ mới thấy, thà anh nên nghỉ đóng phim cho đỡ mang tiếng!

Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn dở một cách phí phạm! - Ảnh 6.

Hoàng Linh - người chồng thích tạo twist nên bị quả báo mắc căn bệnh mà không hiểu là bệnh gì ở cuối phim

Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn dở một cách phí phạm! - Ảnh 7.

Nhân vật của Kyo York dễ khiến người ta phang dép lên thẳng màn hình khi xem!

Nhân vật Peter của Kyo York ban đầu là một vị cứu tinh của Hoàng Linh khi cô bị chồng phụ bạc. Bao nhiêu lời đường mật (dù khá kì cục và thoại dở kinh khủng) được nói ra để dụ Hoàng Linh sang Mỹ. Nhưng vừa sang đến nơi thì anh thay đổi thái độ 180% do kịch bản muốn thế nên người xem chả hiểu nhân vật này bị rối loạn nhân cách hay đang làm màu. Bẵng đi một thời gian, anh cũng tự dưng hồi tâm chuyển ý một cách khó hiểu!

Những cảnh phim cố ý cho vào để bị chửi!?

Gần cuối phim có cảnh Hoàng Linh chạy xe hơi đến nhà chồng cũ bên Mỹ. Đang chạy tự dưng trên trời rơi xuống dĩa bay hay bom đạn gì đó làm cho đường sá bốc lửa, khói bụi mịt mù. Nhưng Hoàng Linh vẫn nắm chặt tay lái vượt qua bão táp và không ngừng đòi được video call với người chồng đang hấp hối. Khi ai cũng tưởng cô sẽ bỏ mạng trong đám khói lửa kĩ xảo xấu ói kia thì vài giây sau, Hoàng Linh xuất hiện tại nhà chồng. Nhưng thay vì phi vào xem chồng có trăn trối gì, cô đứng lặng người trước tấm tranh treo tường mà anh ta đã gìn giữ, may là anh còn kéo dài mạng sống đợi đến lúc cô sực nhớ ra rồi chạy vào không thôi chắc cô tự thổ huyết chết luôn.

Mặc kệ lùm xùm tình cảm, phim của Bình Minh vẫn dở một cách phí phạm! - Ảnh 8.

Chưa hết, đoạn cuối phim, rõ ràng Thế Vinh đã trong tư thế nhắm mắt xuôi tay, còn Hoàng Linh đang ôm chặt chồng mình và khóc lóc thảm thiết, không ngừng bảo "dậy đi" vì cô có thứ muốn cho anh xem, thế là Thế Vinh đột nhiên mở mắt ngay để gọi nốt cú điện thoại về Việt Nam rồi mới đi.

Cuối phim còn có một bí mật động trời được tiết lộ. Khi Hà Giang (Đinh Y Nhung) bật mí cho Hoàng Linh rằng những clip "nóng" mà cô nhận được thực chất được quay bởi camera gắn dưới gầm bàn. Thế nhưng không biết do camera hay cái bàn biết di chuyển mà đoạn phim nóng được zoom ra zoom vào rất sinh động. Nhưng Hoàng Linh chắc không thắc mắc chi tiết đấy, cả hai chỉ ôm nhau khóc nức nở đầy cảm thông sau gần mười năm ghét nhau vì là tình địch.

Hương Tràm cũng không cứu nổi phim!

Hương Tràm gần đây được mệnh danh là "nữ hoàng nhạc phim" khi cô hát nhạc phim nào là bài đó thành hit, góp phần đẩy thêm tên tuổi của phim. Ví dự như Mẹ chồng và Cho em gần anh thêm chút nữa. Thế nhưng có lẽ Tràm lần này cũng bó tay với Giấc mơ Mỹ khi mà khoảnh khắc bài hát của cô vang lên ở cuối, khán giả chỉ thấy thở phào vì phim đã hết và lật đật đứng lên chạy loạn ra khỏi rạp chứ chưa kịp nghe hết bài hát.

Bởi mới nói, làm phim quan trọng nhất vẫn là cái tâm. Có tâm muốn thực hiện một phim hay tự khắc nó sẽ hay chứ chẳng cần bỏ tiền để qua tận Mỹ để người ta xem xong bị lên tăng xông! 2017 rồi, điện ảnh Việt phát triển lắm rồi, khán giả có gout hơn nhiều rồi, muốn gắn cái tagline "Một tuyệt tác nhân văn" lên poster cũng nên khiến nó thành một tác phẩm ra hồn trước đã.