Ly hôn vẫn sống chung nhà: Tình trạng dở khóc dở cười của 4,3 triệu cặp đôi Trung Quốc

AB, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 15:04 04/06/2019

Đôi khi "ế sang chảnh" còn sướng hơn lập gia đình, để rồi đến cả ly hôn cũng chẳng xong.

Tại những thành phố lớn của Trung Quốc ngày nay, một cặp nam nữ sống chung dưới mái nhà có thể là vợ chồng, anh em, người thân hoặc thậm chí là vợ chồng đã ly hôn. Nghe có vẻ kỳ, tại sao đã ly hôn còn có thể sống chung dưới một mái nhà nhìn mặt nhau hàng ngày? Câu chuyện này thực ra chẳng ly kỳ như mấy bộ phim tâm lý mùi mẫn, mà nó xót xa và thực tế hơn nhiều.

Ly hôn vẫn sống chung nhà: Tình trạng dở khóc dở cười của 4,3 triệu cặp đôi Trung Quốc - Ảnh 1.

Anh Yuan và vợ cũ Lu đều đã 32 tuổi, đang sống chung trong một căn hộ ở Thượng Hải. Cả 2 người đều cùng quê ở Giang Tô và đã cưới nhau được 5 năm trước khi ly hôn, nhưng cả hai đều không đủ tiền để mua đứt lại căn hộ trị giá 8 triệu Nhân dân tệ, tương đương 1,2 triệu USD mà họ đang sống.

Cả hai người cũng không muốn chuyển đi vì tiền thuê nhà quá đắt đỏ. Tại những nơi như Thượng Hải, không dễ gì để người ngoại tỉnh hay thậm chí là dân bản địa sở hữu một căn nhà thoải mái.

Chuyện của anh Yuan chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp ly hôn nhưng vẫn sống chung vì giá nhà quá đắt đỏ. Số liệu chính thức cho thấy kể từ năm 2016, tỷ lệ các cặp đôi 30-40 tuổi ly hôn ở Trung Quốc nhưng vẫn sống chung nhà ngày một tăng ở các thành phố như Quảng Châu, Thẩm Quyến, Bắc Kinh hay thậm chí ở tỉnh Quảng Đông.

Ly hôn vẫn sống chung nhà: Tình trạng dở khóc dở cười của 4,3 triệu cặp đôi Trung Quốc - Ảnh 2.

Tỷ lệ kết hôn (đỏ) và ly dị (xanh) trên mỗi 1.000 người Trung Quốc

Bộ nội vụ Trung Quốc cho hay tính đến tháng 8/2017, hơn 4,3 triệu cặp đôi đã ly hôn ở Trung Quốc và vẫn còn tiếp tục tăng. Năm 1987, tỷ lệ ly hôn trong các cặp đôi của Trung Quốc chỉ vào khoảng 0,55% thì đến năm 2017, con số này là 3,2%. Tệ hơn, chỉ có khoảng 10,6 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn năm 2017, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Theo Giáo sư Li Jianmin của Viện dân số và phát triển IPD, giờ đây kết hôn và ly dị đã trở nên thực tế với những tính toán về tài chính, đi kèm với đó là danh dự, hình ảnh trong xã hội, qua đó khiến việc lập gia đình hay ly hôn trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Anh Shen Ye, một công dân 36 tuổi tại Bắc Kinh đã ly dị vợ nhưng vẫn sống chung như vợ chồng. Họ không muốn bán ngôi nhà vì địa điểm gần trường con gái và cũng muốn con của họ được sống trong căn hộ tiện nghi. Cả hai đều muốn duy trì hình ảnh nơi công sở nên dù ly dị vẫn sống chung, chỉ có điều ngủ khác phòng và thân ai người nấy lo.

Hết "đại dịch ế kinh niên", giờ đây chính phủ còn phải lo chuyện gia đình êm ấm cho các cặp đôi Trung Quốc.

Vào năm 1986, chỉ có khoảng 460.000 cặp đôi đăng ký ly hôn ở Trung Quốc thì vào năm 2016, con số này đạt 4,15 triệu đôi. Trong khi đó, độ tuổi bình quân lập gia đình tại Trung Quốc ngày một cao, lên mức 26 tuổi vào năm 2015.

Đây thực sự là một mối lo cho chính quyền Bắc Kinh khi nhân lực là một trong những tài nguyên vô cùng quý giá xác định sức mạnh dài hạn của nền kinh tế. Với cuộc chiến thương mại ngày càng nóng bỏng hiện nay, thị trường nội địa sẽ đóng vai trò rất quan trọng với Trung Quốc và việc ly dị tăng, kết hôn giảm là dấu hiệu đáng báo động.

Tính bình quân trên 1.000 người, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh 9,92 năm 2013 xuống còn 8,3 năm 2016.

Thậm chí Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã phải hối thúc các cơ quan chức năng có hành động: "Gia đình là cốt lõi của xã hội. Xã hội sẽ ổn định nếu chúng ta có những gia đình bình yên, xã hội sẽ hỗn loạn nếu các gia đình không hạnh phúc."

Ly hôn vẫn sống chung nhà: Tình trạng dở khóc dở cười của 4,3 triệu cặp đôi Trung Quốc - Ảnh 3.

Tuy nhiên, chuyện hôn nhân ngày nay có vẻ khó bởi việc ly hôn không còn bị đánh giá là điều đáng hổ thẹn như xưa. Phụ nữ Trung Quốc ngày nay độc lập, tự chủ hơn và không dễ dàng nhẫn nhịn một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.