Lý do vì sao hàng loạt người Trung Đông chọn Trung Quốc như 1 điểm đến để sinh sống và làm việc?

Gya Rados Spiderum, Theo Helino 10:00 27/05/2018

5 năm về trước, Manar Abdulhussein quyết định rời bỏ những trận đánh bom và tấn công ở quê nhà - thủ đô Baghdad của Iraq và đến Trung Quốc để “an cư lạc nghiệp”. Vì sao Trung Quốc lại có sức hút đối với những người Trung Đông như thế?

Abdulhussein, nay đã 38 tuổi, đã từng sở hữu một nhà máy may mặc cùng người chồng ở Baghdad. Nhưng vì chiến tranh loạn lạc, cô không cảm thấy an toàn khi tiếp tục sống tại nơi đây.

"Nhiều người khuyên răn chúng tôi đến Trung Quốc để lập nghiệp", Abdulhussein kể lại. Cặp vợ chồng cùng ba người con trai đã quyết định chuyển đến sinh sống tại Nghĩa Ô - thành phố Trung Quốc 1,2 triệu người được biết đến là nơi sản xuất hơn 60% đồ trang trí Giáng sinh trên thế giới cũng như hàng loạt các loại hàng hóa khác.

Lý do vì sao hàng loạt người Trung Đông chọn Trung Quốc như 1 điểm đến để sinh sống và làm việc? - Ảnh 1.

Nghĩa Ô - thành phố sản xuất hơn 60% đồ trang trí Giáng sinh trên thế giới

Đứa con trai út của Abdulhussein có tên Yousif, cũng được sinh ra ngay tại Trung Quốc và giờ đây đã được 4 tuổi. Công việc kinh doanh của gia đình cũng dần trở nên khá khẩm hơn hẳn. Bà Abdulhussein thậm chí còn dùng một cái tên Trung Quốc là Lan Lan để tiện giao tiếp với những người dân bản địa.

Cũng như Abdulhussein, nhiều người chọn Trung Quốc để lập nghiệp vì đa phần họ có những mối thương lái tại đất nước này. "Ở đây rất an toàn, chẳng có chiến tranh hay bom nổ gì cả. Tôi mong rằng, con cái của tôi có thể ổn định làm ăn rồi sinh con đẻ cái ở đây luôn".

Lý do vì sao hàng loạt người Trung Đông chọn Trung Quốc như 1 điểm đến để sinh sống và làm việc? - Ảnh 2.

Trung Quốc vẫn cấp visa cho những người đến từ các nước vẫn còn chiến tranh, miễn là họ có khả năng chi trả phí sinh hoạt, học phí ngôn ngữ và thuế kinh doanh.

Ở một nơi phát triển bùng nổ như Nghĩa Ô, những người di cư từ nước ngoài được chào đón vô cùng nồng hậu. Thêm vào đó, nhiều quốc gia phương Tây bắt đầu siết chặt luật nhập cư, khiến những thương gia có hiểu biết đến từ Syria, Yemenis, Libyans và Iraq quay sang chọn nơi đây để định cư và sinh sống.

Mặc dù Trung Quốc không có luật công nhận người tị nạn, chính quyền ở đây vẫn cấp visa cho những người đến từ các nước vẫn còn chiến tranh, miễn là họ có khả năng chi trả phí sinh hoạt, học phí ngôn ngữ và thuế kinh doanh.

Một báo cáo của chính phủ Nghĩa Ô chỉ ra, trong năm 2016, thành phố đã cấp 9.675 giấy phép cư trú tạm thời - tăng 17% so với cùng kì năm trước và trong đó có đến hơn 4.000 người đến từ các nước bị tàn phá bởi chiến tranh, chẳng hạn Iraq, Yemen, Syria và Afghanistan.

Được biết đến với danh hiệu "thị trường bán buôn hàng hóa nhỏ lẻ lớn nhất thế giới", Nghĩa Ô không chỉ giúp những người dân lao động ở Trung Quốc mà còn mở ra vô vàn cơ hội trong hoạt động sản xuất dành cho những người di cư đến từ nước ngoài.

Lý do vì sao hàng loạt người Trung Đông chọn Trung Quốc như 1 điểm đến để sinh sống và làm việc? - Ảnh 3.

Thành phố Nghĩa Ô đã cấp 9,675 giấy phép cư trú tạm thời - tăng 17% so với cùng kì năm trước.

"Nghĩa Ô luôn luôn mở rộng vòng tay để chào đón những người di cư", ông Ammar Albaadani - người Yemen đầu tiên đến Trung Quốc vào năm 19 tuổi theo diện học bổng của bang. Người đàn ông 38 tuổi quay về Yemen để làm bác sĩ, nhưng khi chiến tranh bùng nổ ba năm về trước, Albaadani đã quyết định định cư tại Nghĩa Ô.

Dòng chảy di cư của các doanh nhân Ả Rập đã biến Nghĩa Ô trở thành một trung tâm đa văn hóa nhộn nhịp với nhiều nhà hàng Trung Đông và nhà thờ Hồi Giáo. Tuy vậy, các quy định nhập cư của Trung Quốc dành cho người nước ngoài có thể xem là nghiêm ngặt nhất nhì trên thế giới. Điều này khiến những người dân di cư sống tại nơi đây luôn thấp thỏm không biết rằng họ có thể sinh sống trong ngôi nhà thứ hai này trong thời gian bao lâu.

Đơn cử là ông Albaadani, dù thời gian ở Trung Quốc còn nhiều hơn cả ở Yemen, nhưng ông vẫn đang dùng hộ chiếu của Yemen. "Thật khó khăn để được công nhận là công dân của đất nước này", ông bùi ngùi chia sẻ.

Lý do vì sao hàng loạt người Trung Đông chọn Trung Quốc như 1 điểm đến để sinh sống và làm việc? - Ảnh 4.

Dòng chảy di cư của các doanh nhân Ả Rập đã biến Nghĩa Ô trở thành một trung tâm đa văn hóa nhộn nhịp với nhiều nhà hàng Trung Đông và nhà thờ Hồi Giáo.

Kể từ năm 2015, luật nhập cư của Trung Quốc dần được nới lỏng - khởi nguồn từ trung tâm thương mại Thượng Hải - để thu hút những công nhân có tay nghề cao. Theo báo cáo của tờ China Daily, điều kiện cư trú lâu dài tại đây được mở rộng, cụ thể như sau: những cư dân đã sống ở Trung Quốc trong bốn năm liên tiếp và có thu nhập hàng năm trên 600.000 nhân dân tệ (tức trên 2 tỉ đồng) và có khả năng chi trả 120.000 nhân dân tệ thuế thu nhập hàng năm (tức khoảng 430 triệu đồng).

Ngoài ra, các chuyên gia về di trú chỉ ra rằng sẽ có thêm các hướng dẫn nội bộ được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Theo một báo cáo của tờ Global Times, quốc gia 1,3 tỉ người chỉ mới cấp khoảng 1.576 "thẻ xanh" Trung Quốc cho phép cư trú lâu dài trong năm 2016, tăng 163% so với năm trước.

"Nếu được sinh sống lâu dài ở Trung Quốc, chúng tôi cần các chính sách giúp cuộc sống dễ dàng hơn - đặc biệt là visa và cư trú, giáo dục trẻ em, bảo hiểm xã hội và chăm sóc y tế," ông Albaadani cho biết. "Có lần, tôi đã nghĩ đến châu Âu để sinh sống, nhưng vì đã quen tay quen chân tại đây, chúng tôi khó có thể thích nghi ở một lục địa khác".

Nguồn: Sixth Tone