Lý do buổi livestream chào mừng U23 Việt Nam cứ bị giật liên tục đến phát bực

Champion, Theo Helino 17:58 28/01/2018

Nhiều người dùng tỏ ra bực bội vì đường truyền cứ liên tục bị ngắt quãng, "cà giật" gây ức chế. Nhưng có làm khác được đâu, các "anh tôi" hot quá mà.

Dù đã hạ cánh từ 13h, nhưng sau nhiều tiếng đồng hồ, xe bus chở đội tuyển U23 Việt Nam mới có thể tiến vào nội đô. Dòng người hâm mộ quá đông khiến mọi ngả đường tắc nghẽn, và chiếc xe chỉ có thể nhích lên từng chút, từng chút một.

Nhưng bất chấp mỏi mệt, người hâm mộ vẫn tập trung dõi theo từng bước di chuyển của đội tuyển Việt Nam. Chỉ có điều, những người không có điều kiện đến tận nơi, phải xem qua truyền hình trực tiếp hoặc qua các kênh livestream đang phải chịu chung một cảm giác tương đối ức chế.

Lý do buổi livestream chào mừng U23 Việt Nam cứ bị giật liên tục đến phát bực - Ảnh 1.

Đúng vậy đó! Gương mặt nam thần của các "anh tôi" không những trở nên mờ ảo, mà thi thoảng còn "cà giật" vì chất lượng đường truyền, mang lại cảm giác cực kỳ bực bội. Giận cá thì chém thớt, nhiều người đổ lỗi cho cơ quan truyền hình, lôi nhà mạng ra mắng nhiếc, thậm chí có người còn tính inbox để ăn thua với... Mark Zuckerberg.

Nhưng than ôi, có phải lỗi tại họ đâu! Lý do đường truyền thê thảm như vậy chỉ là vì khán giả đến đông quá mà thôi.

Lý do buổi livestream chào mừng U23 Việt Nam cứ bị giật liên tục đến phát bực - Ảnh 2.

Người hâm mộ đổ về đón thầy trò HLV Park Hang Seo

Tại sao điện thoại và internet không thể sử dụng được trong đám đông?

Nếu đã từng đi xem trực tiếp một trận bóng đá kín sân, hoặc từng dự một music festival với hàng ngàn người "quẩy tung tóe", bạn hẳn sẽ nhận thấy một sự trùng hợp. Đó là dù có nỗ lực cỡ nào thì vào lúc cao điểm, bạn cũng chẳng thể gọi được điện thoại hay sử dụng được internet. 

Để mô tả kỹ hơn thì mạng khi đó sẽ chuyển về tín hiệu "E", còn sóng điện thoại thì ở mức tậm tịt. Tóm lại lúc đó chiếc điện thoại chỉ còn chức năng duy nhất là bật flash mà thôi.

Lý do chỉ là vì nghẽn mạng thôi! Khi có quá nhiều thiết bị sử dụng sóng di động trong cùng một thời điểm, chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau để giành lấy sóng phát ra từ an-ten nhà mạng. Sóng điện thoại vì thế mà sập xuống, không hồi đáp.

Và khi ở những nơi công cộng, bạn chỉ có lựa chọn duy nhất để truy cập internet là dựa vào sóng 3G hoặc 4G. Nhưng rất tiếc, 2 công nghệ này cũng dựa vào các trạm thu phát sóng của nhà mạng, hay nói cách khác là phụ thuộc vào sóng di động. Sóng di động mà tậm tịt, 3G hay 4G cũng theo đó mà treo thôi.

Ấy là chưa kể trong những sự kiện như vậy, sẽ có rất nhiều thiết bị cùng lúc sử dụng mạng. Livestream, gửi ảnh, nhắn tin qua ứng dụng... tất cả cũng góp phần khiến mạng trở nên thê thảm hơn.

Lý do buổi livestream chào mừng U23 Việt Nam cứ bị giật liên tục đến phát bực - Ảnh 3.

Nghìn lẻ một chiếc điện thoại cùng lúc sử dụng, sóng nào mà chịu nổi...

Đối với những cơ quan truyền thông tổ chức sự kiện, họ sẽ sử dụng những bộ thu phát wifi sử dụng sim 3G/4G tốc độ cực cao, qua đó làm tăng ưu thế tiếp sóng cho những thiết bị của họ. Tuy nhiên, khi phải truyền hình theo kiểu "lưu động" giống như đang làm với U23 Việt Nam, ưu thế ấy cũng giảm đi.

Hơn nữa, do chiến tích lần này của U23 Việt Nam là quá tuyệt vời, dẫn đến chuyện người hâm mộ từ khắp mọi nơi đổ về để nhìn thấy họ tận mắt. Hệ quả, mạng nghẽn thì cũng đành chịu thôi.

Tham khảo: BU, Forbes...