Lương Mạnh Hải và "con trai" đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong "Khi con là nhà"?

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 06:00 01/01/2018

Ra rạp vào những ngày cận kề Tết đoàn viên, "Khi con là nhà" càng chạm sâu vào nỗi nhớ gia đình của mỗi người. Đồng thời, bộ phim còn truyền đạt những kinh nghiệm, bài học dạy con rất đời và thú vị.

(Bài viết có tiết lộ nội dung phim, vui lòng cân nhắc trước khi đọc)

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Đặt nhân vật vào hoàn cảnh sống khắc nghiệt, Khi con là nhà kể về câu chuyện vật lộn với cuộc sống của hai bố con Quang (Lương Mạnh Hải) – Bi (bé Duy Anh). Nếu Quang là một người ba chưa tốt, suốt ngày chỉ biết đá gà, cờ bạc và lô đề; thì Bi lại là một em bé rất ngoan. Bi không chỉ không bị nhiễm vào những thói hư tật xấu, mà còn luôn cố gắng kéo ba khỏi vòng luẩn quẩn có tiền – chơi – vay nợ.

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 1.

Nhưng ở gần mực, khó mà không đen được. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi hai bố con lên thành phố, sống trong cảnh không một xu dính túi, đồ ăn cũng phải đánh nhau để có được một suất cơm từ thiện. Khi ấy, đồng tiền được cả hai đặt lên hàng đầu vì họ cần nó để tiếp tục sống. Bi vẫn còn là đứa trẻ con, vẫn là tờ giấy trắng chịu những tác động từ bố. Dù em có hiểu được kiếm tiền từ cờ bạc là không tốt, nhưng em lại chưa đủ khả năng để phân biệt thêm những việc khác, rắc rối hơn như là ăn cắp.

Em không lường được đó là việc xấu, và sẽ làm hai bố con khốn đốn như thế nào. Em chỉ hiểu rằng, có thứ đồ ngoài đường và mình cần, thì lấy và chạy thôi. Bởi Bi từng thấy Quang ăn cắp con gà, sau đó hai bố con đã qua được một bữa. Rồi khi lần đầu tiên Bi "hành sự" ăn cắp dép của người ta, Quang không ngăn cản, thậm chí còn xốc con lên và chạy cùng với những đôi dép vừa lấy kia. Và đỉnh điểm, là khi Quang thấy chiếc ví trên đường, anh vội vã lục tung nó lên để xem có tiền không. Sau đó mới thất vọng vứt đi vì không còn lại gì có giá trị.

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 2.

Những điều đó, Quang không dạy Bi, nhưng chắc chắn cậu bé sẽ hiểu được đồng tiền "ma lực" như thế nào. Khi đôi mắt em sáng lên bởi thấy bà bán hàng tạp hóa cầm xấp tiền để đếm, người ta dễ đoán được em sẽ ăn cắp nó. Nhưng khán giả không ghét, mà lại thấy thương nhiều hơn. Thương bởi cái thơ ngây của em bị đặt nhầm chỗ, thương bởi tình yêu em dành cho bố nhiều hơn cả suy nghĩ của em.

Quang giận con, nhưng cũng thương con vô cùng. Thế nên anh mới làm mặt lạnh, mới giận không thèm nói với con câu nào. Nhưng Quang giận con một, thì lại giận chính bản thân mình mười. Bởi không chỉ đẩy con vào cuộc sống khó khăn, mà anh còn vô tình khiến con nhiễm thói hư của mình. Răn đe con, nên sau đó Quang cũng bớt được một việc xấu. Bằng chứng là khi cần xe đạp để về quê, anh đã ăn cắp ở quầy hủ tiếu, nhưng khi mọi chuyện xong xuôi, anh lại trả nó về đúng chỗ cũ .

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 3.

Nhớ về sự ngây thơ của con, Quang không cho phép mình làm điều xấu

Bởi thế, Quang đã là mực, làm nhòe đi trang giấy trắng là Bi. Nhưng cũng chính Quang, lại là đèn, để từ đó về sau Bi không dám ăn cắp nữa. Còn bé Bi, Bi đích thực là ánh sáng của cuộc đời Quang. Bi là ánh sáng thức tỉnh Quang khỏi cạm bẫy đỏ đen, là tia hy vọng để anh cố gắng làm lại cuộc đời.

Thương con phải biết thương mình

Xuyên suốt bộ phim, đó là câu chuyện buồn về cuộc sống cơ cực của hai cha con. Nhưng "Khi con là nhà" đã rất biết cách nuôi cảm xúc của khán giả, để đi đến một cái kết viên mãn. Nếu như trong phần đầu phim, Quang vui vẻ giới thiệu rằng bé Bi không được đi học; thì đến cuối phim, anh hồ hởi khoe rằng bé đã tới lớp. Thực chất đây không hoàn toàn là một bài học cha mẹ dành cho con cái, mà chính là để các vị phụ huynh nhắc nhở lẫn nhau, về tầm quan trọng của việc học hành nghiêm túc đối với con mình.

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 4.

Được đi học không chỉ là bước ngoặt của cuộc đời Bi, mà còn là một dấu mốc cho chính Quang. Khán giả sẽ không còn phải thương đến thắt lòng khi thằng bé Bi thấy tờ giấy tìm trẻ lạc, mắt láo liên rồi vội vã xé đi vì nó nhớ rằng ba từng dặn, đấy là giấy truy nã. Trong ý thức của trẻ nhỏ, điều gì người lớn nói, cũng là đúng ! Thế nên nó rất sợ bị mọi người thấy ảnh, sợ bị bắt vào công an, sợ không còn thấy ba nữa.

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 5.

Quang vì thương con, nên mới tu chí làm ăn để kiếm tiền cho con đi học. Và cũng vì thương con, nên Quang chưa hề bắt con phải đi ăn xin hay đi ăn cắp bao giờ. Không giống với Bủm (La Quốc Hùng). Bủm chưa là cha, nhưng nếu trở thành cha, ít nhất Bủm sẽ dạy được con hơn Quang không chỉ trong việc học, mà còn là tầm quan trọng của lao động đối với mỗi người.

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 6.

Bủm truyền đến cho khán giả một ý thức rằng nếu không lao động, dù chỉ là lết đi khắp các con phố để ăn xin , thì sẽ không bao giờ có được tiền để sống. Điều này ảnh hưởng khá nhiều tới Bi sau này. Khi trở về quê nhà, nó đã luôn miệng nhắc cha về việc phải làm lại nghề thú y, chứ không được cờ bạc nữa.

Thương mình ta mới thương được gia đình

Quay lại với câu chuyện cờ bạc của Quang. Thực chất, việc Quang chơi cờ bạc ban đầu không hề xấu. Bởi anh chỉ muốn có một cơ hội trời cho nào đấy để hai bố con cùng đổi đời. Nhưng rồi dần dần, Quang đã lún sâu vào vòng xoáy đỏ đen mà không hay. Mỗi lần được rủ đi chơi, Quang đều hứa với Bi rằng sẽ chơi nốt lần này, nhưng đáp lại là thái độ thất vọng cùng câu nói quen thuộc "Ba xạo ! Có bao giờ ba giữ lời hứa đâu!".

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 7.

Rồi sau rất nhiều biến cố, Quang mới ngộ ra rằng, nếu thương Bi thì trước tiên phải biết thương mình. Thương chính bản thân anh khi sống kiếp trốn tránh của một con nợ, đời trốn chạy của kẻ bị truy nã. Cứ phải chui lủi như thế, thì Quang sẽ thương gia đình kiểu gì đây ?

Bằng việc không bao giờ giữ được lời hứa, Quang đã vô tình chỉ cho Bi một bài học quan trọng về việc giữ chữ tín với mọi người. Và sau này, khi cuộc sống của hai cha con sang trang mới, chính Quang lại được học lại bài học mình đã từng dạy con. Quang từ bỏ "kiếp đỏ đen", trở về làm anh bác sĩ thú y của làng đúng như lời hứa.

Lương Mạnh Hải và con trai đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái hay ho như thế nào trong Khi con là nhà!? - Ảnh 8.

"Khi con là nhà" kết thúc bằng cảnh gây cười nhưng cũng vô cùng sâu sắc, đó là Quang cầm gậy đuổi đánh người rủ mình đi đánh bài. Đây chính là hành động quyết liệt nhất, minh chứng cho ý chí tu tỉnh làm người của Quang.

Bài học dạy con hay chính là những điều cha mẹ cần nhìn lại

Không chỉ là việc học chữ, việc lao động, hay là giữ chữ tín, mà quan trọng hơn cả, "Khi con là nhà" chỉ cho tất cả giá trị trân quý nhất của cuộc đời, được gói gọn trong hai chữ "gia đình". Vì gia đình, người ta sẽ không ngại khó khăn, bỏ xứ đi lang bạt mưu sinh. Nhưng khi ấy, "nhà" sẽ là thứ luôn trong tim họ, luôn khiến họ trăn trở để chờ ngày trở lại với những người thương yêu. Câu nói đầy ám ảnh mà Bi đã khóc nấc lên và nói với ba, khiến cả Quang, và cả khán giả thêm yêu gia đình của mình hơn, ấy là "Con chỉ còn mỗi mình ba, con không muốn xa ba đâu!".

Nhạc phim "Khi con là nhà" do Khắc Việt sáng tác và trình bày

Khi con là nhà đang khởi chiếu trên toàn quốc.