Loving Vincent - Những lá thư đầy xúc động về đam mê, cuộc sống và cái chết

M, Theo Trí Thức Trẻ 16:14 13/10/2017

Nếu như đã trót phải lòng kiệt tác hoạt hình "Loving Vincent", khán giả không thể bỏ qua hai bức thư đầy cảm xúc của Vincent Van Gogh gửi cho em trai của mình.

Trong năm nay, một trong những tác phẩm điện ảnh đặc sắc nhất không thể không kể đến Loving Vincent. Đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được làm toàn bộ bằng sơn dầu. Nội dung của Loving Vincent xoay quanh cái chết đầy bí ẩn của doanh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh.

Phim lấy bối cảnh vào mùa hè năm 1891 tại nước Pháp, Armand Roulin (Douglas Booth), được cha mình là Joseph Roulin (Chris O’Dowd) giao nhiệm vụ đến Paris để trao tận tay một lá thư. Người nhận là Theo Van Gogh, em trai ruột của Vincent Van Gogh. Khi đến nơi, Armand phát hiện ra rằng Theo đã chết, nguyên nhân một phần có lẽ vì quá đau buồn trước cái chết của người anh trai. Tuy nhiên, cái chết của Van Gogh cũng có rất nhiều bí ẩn, Arman quyết định đi tìm câu trả lời cho cái chết bí ẩn của người họa sĩ.

Loving Vincent - Những lá thư đầy xúc động về đam mê, cuộc sống và cái chết - Ảnh 1.

Phim thực sự gây xúc động không chỉ vì phần hình ảnh cực kì xuất sắc mà còn lấy được tình cảm của khán giả bởi câu chuyện đầy thương tâm của Vincent Van Gogh và em trai của mình. Trong phim, chúng ta biết được rằng Vincent thường xuyên viết thư cho em trai của mình. Bên trong những bức thư chất chứa những tâm sự sâu thẳm nhất của Vincent về cuộc đời, gia đình cũng như quan điểm nghệ thuật. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn của phim, khán giả chỉ biết đến một phần nhỏ của bức thư. Dưới đây là hai bức thư Vincent đã viết cho em mình vào năm 1882 và 1888.

Loving Vincent - Những lá thư đầy xúc động về đam mê, cuộc sống và cái chết - Ảnh 2.

The Hague, 21/07/ 1882

Em trai thương mến,

Đã khuya rồi, nhưng anh vẫn muốn viết thư cho em. Dù cho em không có mặt ở đây – anh vẫn cần em và cảm thấy anh em ta không hề xa cách nhau.

Ngày hôm nay, anh đã tự hứa với bản thân một chuyện, đó là sẽ coi bệnh tật của mình, hoặc những tàn dư còn sót lại của nó, là không tồn tại. Đã mất quá nhiều thời gian rồi, công việc cần được tiếp tục.

Vì vậy, khỏe hay không khỏe, anh cũng sẽ vẽ đều đặn từ sáng tới tối. Anh không muốn lại phải nghe bất cứ ai nói với mình: "ồ lại là mấy bức tranh cũ".

Hôm nay anh đã vẽ phác thảo một cái nôi em bé với một chút sắc màu trong đó. Anh cũng đang vẽ dở một tác phẩm giống như bức về cánh đồng mà anh đã gửi em gần đây.

Tay anh đã trở nên quá trắng với mức cho phép, nhưng anh biết làm sao được? Anh sẽ lại ra ngoài. Bởi nó chẳng đáng kể gì so với nỗi đau phải xa rời công việc. Nghệ thuật rất ghen tuông, nàng không cho phép bệnh tật được đặt vị trí cao hơn nàng.

Anh sẽ làm vui lòng nàng. Anh mong rằng, vì thế, em sớm sẽ nhận được thêm vài bức đáng kể nữa.

Những người như anh đáng ra không được phép bị bệnh. Em chắc hiểu rằng anh tôn sùng nghệ thuật như thế nào. Một người phải làm việc thật vất vả và lâu dài để đạt đến sự chân thật. Điều anh muốn và lấy làm mục tiêu khó khủng khiếp, ấy là anh còn chẳng đặt mục tiêu quá cao.

Anh muốn có thể tạo nên những bức vẽ khiến mọi người cảm động. "Sorrow" là một khởi đầu nhỏ - có lẽ những bức phong cảnh như bức "Meerdervoort Avenue," "Rijswijk Meadows," "Fish-Drying Barn," cũng là những khởi đầu nhỏ. Chí ít chúng cũng truyền đạt điều gì đó từ cảm xúc của anh.

Dù là con người hay là phong cảnh, điều anh muốn truyền đạt không phải là một cái gì đó sến súa ủy mị mà là một nỗi đau đớn thật sâu sắc.

Nói ngắn gọn, anh muốn vươn tới một mức độ mà mọi người khi nói về tác phẩm của anh, sẽ nói là: người đàn ông này đã cảm nhận thật sâu lắng, người đàn ông này đã cảm nhận tinh tế. Mặc cho sự thô mộc ở anh – em hiểu chứ? – mà có khi lại nhờ nó cũng nên. Giờ mà nói vậy thì có vẻ tự phụ nhưng đó chính là lí do tại sao anh muốn dồn tất cả năng lượng của mình vào đấy.

Anh là ai trong mắt mọi người? một con số không, một gã lập dị hay một kẻ khó ưa – một người mà không có và sẽ không bao giờ có vị trí nào trong xã hội, nói một cách ngắn gọn, thậm chí còn thấp kém hơn những kẻ thấp kém nhất.

Tốt thôi – Giả sử rằng, mọi thứ đúng như vậy, thì thông qua những tác phẩm của mình, anh muốn bày tỏ trong trái tim của một kẻ lập dị, một kẻ vô danh này, ẩn chứa điều gì.

Đó chính là khao khát của anh, mặc cho tất cả, dựa trên tình yêu hơn là lòng oán giận, dựa trên cảm xúc trầm lắng hơn là say mê bồng bột.

Mặc dù anh vẫn thường xuyên ở dưới đáy của khổ đau, vẫn có bình lặng, sự hòa hợp thuần khiết và âm nhạc bên trong anh. Anh nhìn thấy hội họa ở những túp lều nghèo nàn nhất, ở những góc bẩn thỉu nhất. Tâm trí anh hướng tới những thứ ấy với một xung lượng không sao cưỡng lại được.

Những thứ khác dần dần biến mất, và càng như vậy thì mắt anh càng sáng lên những cảnh sắc. Nghệ thuật đòi hỏi sự làm việc kiên trì, làm việc bất kể mọi thứ và sự quan sát liên tục. "Kiên trì" ở đây có nghĩa là sự lao động không ngừng nghỉ, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là không từ bỏ quan điểm của bản thân dù người khác nói thế này thế khác.

Anh không mất hi vọng đâu, em trai, rằng trong một vài năm nữa, hoặc thậm chí là từ bây giờ, từng chút một, em sẽ thấy những thứ anh làm sẽ đưa đến cho em sự hài lòng nào đó sau tất cả sự hy sinh của em.

Anh gần đây có rất ít liên lạc với những họa sĩ khác. Anh cũng không cảm thấy tệ lắm. Người ta phải chú ý đến ngôn ngữ của tự nhiên chứ không phải ngôn ngữ của những người họa sĩ. Giờ đây anh đã hiểu hơn anh của 6 tháng trước đây là tại sao Mauve 1 lại nói:Đừng có nói với tôi về Dupré 2, thà rằng bạn cứ kể với tôi về bờ mương hoặc những gì đại loại vậy còn hơn.

Điều này nghe có vẻ hơi sỗ sàng, nhưng hoàn toàn chính xác. Cảm xúc cho sự vật, cho hiện thực quan trọng hơn nhiều cảm xúc cho tranh vẽ; chí ít là nó cũng phong phú và sống động hơn.

Bởi vì giờ đây anh có cái nhìn rộng mở hơn về nghệ thuật và cuộc đời, mà trong đó nghệ thuật là những gì tinh túy nhất, nên với anh, thật giả dối và chối tai làm sao khi những kẻ như Tersteeg3 lại luôn được săn đón.

Về phần mình, anh thấy những bức tranh hiện đại có một sự quyến rũ đặc biệt mà những bức tranh ngày xưa còn thiếu. Đối với anh, một trong những biểu hiện cao quý nhất của nghệ thuật sẽ luôn thuộc về người Anh, ví dụ: Millais và Herkomer và Frank Holl 4. Với tất cả sự tôn trọng, anh muốn nói sự khác biệt giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật ngày xưa có lẽ là các nghệ sĩ hiện đại là những nhà tư tưởng sâu sắc hơn…

Có sự khác biệt lớn nữa về cách truyền tải cảm xúc, ví dụ Chill October bởi Millais và Bleaching Ground at Overveen bởi Ruysdael 5. Và tương tự giữa những người nhập cư Ailen bởi Holl và những người phụ nữ đọc Kinh Thánh của Rembrandt 6. Rembrandt và Ruysdael rất siêu phàm, đối với chúng ta cũng như đối với người cùng thời với họ, nhưng có thứ gì đó trong chủ nghĩa hiện đại khiến chúng ta rúng động vì riêng tư và thân mật hơn.

Điều tương tự với tranh khắc gỗ của Swain 7 và tranh khắc gỗ của những bậc thầy người Đức ngày xưa.

Vậy nên thật sai lầm khi vài năm trước đây có một trào lưu khá thịnh giữa những họa sĩ hiện đại cố bắt chước các họa sĩ tiền bối. Đó là lý do anh nghĩ Millet 8 nói đúng: anh nghĩ thật ngớ ngẩn khi mọi người cứ cố ra vẻ cái họ không phải. Điều này nghe có vẻ thật tầm thường nhưng cũng sâu sắc khó dò như đại dương, và cá nhân anh thì thấm điều đó tận tim.

Anh chỉ muốn nói với em rằng anh sẽ quay lại làm việc thường xuyên và cũng muốn nói thêm là anh rất ngóng thư của em – cuối cùng, anh chúc em ngủ ngon.

Tạm biệt, với một cái bắt tay.

Mãi mãi là anh của em,

Vincent,

Xin em hãy nhớ tấm Ingres dày, đính kèm đây là một mẫu khác. Anh vẫn còn một nguồn cung loại mỏng. Anh có thể rửa màu nước trên những tấm Ingres dày, nhưng trên lớp mỏng, thì luôn bị mờ đi, dù không phải lỗi của anh.

Anh sẽ vẽ chiếc nôi thêm một trăm lần nữa, ngoài cái hôm nay. Với sự Kiên Trì.

Chú thích

*Khi viết thư này, Vincent Van Gogh 29 tuổi

Mauve: Anton Mauve (1838-1888), một họa sĩ người Hà Lan

Dupré: Jules Dupré (1811-1889), một họa sĩ người Pháp.

Tersteeg: Hermanus Gijsbertus Tersteeg (H.G.T., T. or Mr T.) (1845-1927) một kẻ buôn tranh tại Goupil gallery ở The Hague

John Everett Millais (1829-1896), Hubert von Herkomer (1849-1914), Francis (Frank) Montague Holl (1845-1888): tên của những họa sĩ người Anh

Jacob Isaackszn. Van Ruisdael (1628/29-1682): họa sĩ Hà Lan

Rembrandt van Rijn (1606-1669): họa sĩ Hà Lan

Joseph Swain (1820-1909): họa sĩ người Anh

Jean-François Millet (1814-1875) họa sĩ người Pháp

Bức thư gốc năm 1882

Loving Vincent - Những lá thư đầy xúc động về đam mê, cuộc sống và cái chết - Ảnh 4.

Loving Vincent - Những lá thư đầy xúc động về đam mê, cuộc sống và cái chết - Ảnh 5.

Arles, ngày 9 tháng 7, 1888

Theo thương mến của anh,

Anh vừa trở về sau một ngày ở Mont Majour, có bạn anh là trung úy đi cùng. Hai bọn anh đã khám phá khu vườn xưa và hái trộm những trái vả tuyệt vời ở đó. Nó mà rộng hơn chút nữa, nó sẽ làm em liên tưởng đến Paradou của Zola, những cây sậy lớn, những cây nho, cây bạch dương, cây vả, cây ô liu, những cây lựu với những đóa hoa màu cam rực rỡ nhất, những cây trắc bá hàng trăm tuổi, cây tần bì và cây liễu, những cây sồi đá. Những bậc thang lở lói, những cửa sổ hình vòm đổ nát, những khối đá mọc rêu, những mảnh vỡ tan tác của những bức tường đổ sập nằm đây đó giữa vườn cây. Anh mang về thêm một bức tranh lớn nữa, nhưng không phải là về khu vườn. Tất cả có ba bức. Khi anh vẽ được chừng nửa tá, anh sẽ gửi chúng cho em.

Ngày hôm qua anh đến Fontvieilles để thăm Bock 1 và Mac Knight 2, nhưng họ đã đi vắng một tuần để du lịch Thụy Sĩ.

Anh nghĩ nhiệt độ vẫn làm anh khỏe, mặc dù hơi nhiều muỗi và ruồi. Loài côn trùng ăn cỏ này– không giống như ở nhà mình - mà như thế này, như những con mà em vẫn thấy trong các album Nhật Bản.

Và những con bọ cánh cứng màu xanh và vàng tụ thành bầy trên những cây ô liu. Những con côn trùng ăn cỏ này (anh nghĩ chúng được gọi là ve sầu) hát ầm ĩ còn hơn cả lũ ếch.

(….)

Anh nghĩ mình đã làm điều đúng đắn khi làm việc chủ yếu trên bản vẽ và sắp xếp để có sơn và canvas dự trữ khi Gauguin3 đến. Anh ước rằng bọn anh có thể kiểm soát việc sử dụng sơn giống như giấy và bút chì. Anh thường bỏ qua bước vẽ phác thảo vì sợ tốn màu.

Với giấy – nếu không phải là để viết thư mà để vẽ thì chẳng bao giờ phí hoài cả - bấy nhiêu tờ giấy Whatman là bấy nhiêu bức vẽ. Kể mà anh giàu có, chắc anh sẽ dùng ít hơn bây giờ.

Ôi – Bác Martin 4 hẳn sẽ nói – vậy thì chúng ta phải cố mà giàu thôi – và bác ấy nói khá đúng cũng như bác ấy luôn đúng về các kiệt tác.

Em còn nhớ đọc trong Guy de Maupassant quý ông săn thỏ và những trò chơi khác, người đã đi săn cật lực trong 10 năm và rồi bị kiệt sức vì mải chạy theo trò chơi đến mức khi ông ta muốn cưới vợ, ông ta phát hiện ra mình bất lực, điều này khiến ông ta vô cùng xấu hổ và bàng hoàng.

Mặc dù không trong tình trạng giống quý ông ấy bởi anh không mong và cũng không buộc phải lập gia đình nữa, anh bắt đầu giống ông ta về mặt thể xác. Theo bậc thầy Ziem 5, con người trở nên khao khát ngay khi trở nên bất lực. Mặc dù đối với anh thì như nhau cả thôi dù anh có bất lực hay không, nhưng anh đoan chắc là điều đó sẽ thúc đẩy anh đến sự khao khát.

Chẳng có ai ngoài nhà triết học vĩ đại nhất của thời ấy,và do đó là của mọi thời, mọi nơi – bậc thầy trác tuyệt Pangloss 6 – may ra mới có thể cho anh lời khuyên và làm dịu tâm hồn anh.

À đây, lại nói về bức thư gửi Russell 7 đã nằm sẵn trong phong bì, anh đã viết tất cả những gì mình nghĩ. Anh hỏi cậu ta liệu có tin gì về Reid 8 không và cũng muốn hỏi em câu ấy luôn.

Anh bảo Russell cứ thoải mái lấy thứ gì cậu ấy thích, từ những kiện hàng đầu tiên mà anh gửi nữa.

Anh vẫn đợi câu trả lời rõ ràng của cậu ta để biết cậu ta muốn chọn tại nhà riêng hay nhà em; nếu trong trường hợp đầu tiên, cậu ta muốn xem chúng tại nhà mình, em gửi kèm cậu ấy một ít hoa quả vườn nhà nhé. Rồi em mang tất cả chúng về một khi cậu ấy đã ra quyết định. Như thế thì cậu ấy chẳng thể phàn nàn gì nữa. Nếu cậu ấy không mua bức tranh nào của Gauguin là vì cậu ta không thể thôi. Nếu cậu ta có thể, thì anh khá là hy vọng cậu ta sẽ mua.

Anh bảo với cậu ta là nếu anh có mạo muội ép cậu ta mua, thì không phải bởi vì nếu không có cậu ấy, việc mua bán sẽ không diễn ra mà là bởi vì Gauguin vẫn đang bị ốm, tình hình lại phức tạp hơn khi cậu ấy nằm bẹp trên giường và phải trả tiền cho bác sĩ, việc giao dịch hơi khó với chúng ta; tất cả chúng ta lại càng sốt sắng tìm người mua tranh.

Anh suy nghĩ nhiều về Gauguin, anh có rất nhiều ý tưởng cho tranh vẽ và công việc nói chung. Hiện tại, anh có một người giúp việc lau dọn nhà cửa hai lần một tuần với giá 1 franc. Anh đặt nhiều hy vọng vào cô ấy, trông cậy cô trong việc dọn giường nếu bọn anh muốn ngủ trong nhà. Nếu không, chắc phải sắp xếp với người chủ căn nhà mà anh đang thuê phòng. Dù sao thì, bọn anh sẽ cố gắng để tiết kiệm thay vì tiêu xài.

Sức khỏe của em dạo này thế nào? Em vẫn gặp bác sĩ Gruby 9 đấy chứ?

Điều em kể anh nghe về cuộc trò chuyện tại Nouvelle Athènes thật thú vị. Em hẳn quen thuộc với bức chân dung của Desboutin 10 mà Portier 11 sở hữu.

Thật lạ lùng khi tất các nghệ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đều có vận rủi với những thứ vật chất – ngay cả những người hạnh phúc – Điều em nói về Guy de Maupassant một lần nữa chứng minh cho điều đó. Điều này khơi lại câu hỏi đời đời: Liệu cuộc sống có hiện hình toàn vẹn trước mắt ta hay không, hay là trước khi chết, ta chỉ biết một nửa của nó?

Họa sĩ – chỉ nói riêng họ thôi – chết đi và được chôn cất, nói với thế hệ sau hoặc vài thế hệ sau nữa thông qua tác phẩm của mình.

Chỉ thế thôi, hay còn điều gì khác nữa? Trong cuộc đời của người họa sĩ, cái chết có lẽ không phải là thứ khó khăn nhất.

Về phần mình, anh tuyên bố anh chẳng biết gì cả. Nhưng việc nhìn ngắm những ngôi sao luôn khiến anh mơ mộng, cũng giống như anh thường mơ mộng khi nhìn những chấm đen trên bản đồ biểu hiện cho thị trấn và xóm làng. Anh tự hỏi mình tại sao những chấm sáng trên trời lại không thế tới được giống như những chấm đen trên bản đồ nước Pháp?

Giống như chúng ta bắt tầu để đến Tarascon hay Rounen, chúng ta đón cái chết để chạm tới một vì sao. Điều chắc chắn đúng trong lập luận này là nếu chúng ta còn sống, chúng ta không thể đến được một ngôi sao cũng như khi chúng ta chết, chúng ta không thể bắt tàu nữa.

Với anh, cũng không vô lý lắm khi nghĩ bệnh tả, sởi, viêm màng phổi và ung thư là những phương tiện di chuyển trên không, cũng giống như tàu hơi nước, ô tô bus và tàu hỏa là phương tiện dưới mặt đất. Chết một cách yên bình vì tuổi già giống như đi đến đó bằng chân trần vậy.

Giờ thì anh sẽ đi ngủ, vì muộn rồi. Anh chúc em ngủ ngon và nhiều may mắn.

Bắt tay em nhé,

Mãi là anh trai của em

Vincent.

Chú thích

*Khi viết thư này Van Gogh 35 tuổi

Eugène Guillaume Boch (1855-1941) họa sĩ người Bỉ

Dodge MacKnight (1860-1950) họa sĩ người Mỹ

Paul (Eugène Henri) Gauguin (1848-1903) họa sĩ người Pháp

Pierre Firmin Martin (père Martin) (1817-1891) một người buôn tranh ở Paris

Félix Ziem (1821-1911) họa sĩ người Pháp

Nhà triết học Pangloss là một nhân vật trong cuốn Candide của Voltaire

John Peter Russell (1858-1930) họa sĩ người Úc

Alexander Reid (1854-1928) người buôn tranh người Scotland

David Gruby (1810-1898) một bác sĩ ở Paris

Marcellin Gilbert Desboutin (1823-1902) họa sĩ người Pháp

Alphonse Portier (1841-1902) một người buôn tranh ở Paris

Bức thư gốc năm 1988

Loving Vincent - Những lá thư đầy xúc động về đam mê, cuộc sống và cái chết - Ảnh 7.

Loving Vincent - Những lá thư đầy xúc động về đam mê, cuộc sống và cái chết - Ảnh 8.

Phim đang được khởi chiếu trên toàn quốc.