“Lời nguyền gia tộc”: Đòn tâm lý cho tư duy khán giả

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 22/08/2017

Sau khi tung ra trailer lạnh gáy, “Lời nguyền gia tộc” đã thu hút được lượng lớn sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên hy vọng lắm thì thất vọng nhiều.

Lời nguyền gia tộc được biết đến là một bộ phim tâm lý kinh dị có yếu tố sexy, đạo diễn Đặng Thái Huyền hứa hẹn sẽ đem tới cho điện ảnh Việt Nam một bộ phim ấn tượng, có thể củng cố thêm niềm tin của khán giả vào phim Việt sau những thành công vang dội như Em là bà nội của anh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Em chưa 18,…

Thế nhưng, Lời nguyền gia tộc lại không đem đến cho người xem những cảm xúc như trong trailer đã lột tả. Đây chính là minh chứng cho việc mang tất cả những gì tinh túy nhất, đáng sợ nhất vào trailer không phải lúc nào cũng là phương án tối ưu. Đồng ý rằng, điều đó là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để có thể tìm kiếm sự chú ý của khán giả. Nhưng sau khi phim khởi chiếu, người ta có cảm giác như đã chứng kiến màn treo "đầu dê bán thịt chó" ngoạn mục.

Trailer Lời nguyền gia tộc

Bộ phim kể về những câu chuyện kì dị mà Nam - một anh chàng đi du học về gặp phải trên Y B'lao. Chỉ trong mấy ngày sống tại căn biệt thự cổ của dòng họ Đoàn, có vô số những bí mật của gia tộc cũng như cuộc sống của Nam được hé lộ. Thứ nhất là về cô người yêu An Nhiên. Kế đó là việc họ thật của Nam là Đoàn chứ không phải Đặng như anh vẫn được ba mẹ gọi. Và kinh hoàng nhất, đó là lời nguyền của một cô gái trẻ đem tới cho gia tộc họ Đoàn sau khi bị chính mẹ của người yêu giết đứa con gái mình đẻ ra. Nhưng sau tất cả, đó chỉ là một giấc mơ của Nam khi ở sân bay.

Suốt 1/3 quãng phim đầu, khán giả thực sự không hiểu mình đang xem gì. Mạch phim có phần lộn xộn, chuyển cảnh thiếu tính liên kết. Hơn thế, cách dựng bối cảnh huyền bí khi quay từ trên cao xuống không được thật. Người ta có cảm giác mình đang xem một bộ phim hoạt hình 3D, cộng với việc hóa trang của nhân vật Lan ở phân cảnh sân bay, càng khiến khán giả hình dung đây là một bộ phim về giới phù thủy teen như các hãng phim nước ngoài vẫn làm chứ không phải phim tâm lý kinh dị như đã giới thiệu.

“Lời nguyền gia tộc”: Đòn tâm lý cho tư duy khán giả - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, phim còn khiến khán giả khó chịu với những cảnh cắt đột ngột. Đây là điểm cộng và cũng chính là điểm trừ của bộ phim. Bởi theo lẽ thông thường, âm thanh đi kèm với sự diễn xuất của nhân vật sẽ tăng tính hồi hộp của phim lên nhiều lần và đem tới cho người xem một phen thót tim. Lời nguyền gia tộc có cách tạo âm thanh rất ấn tượng, diễn viên Tuấn Trần diễn vô cùng nhập vai, nhưng cứ đến đoạn bất ngờ nhất thì bụp, chuyển cảnh. Khán giả đã nghĩ đó là một nút thắt, đợi từ từ rồi sẽ được hé lộ. Nhưng không! Cảnh đó một đi không hề trở lại. Gây tâm lý hoang mang và sự đứt khúc cảm xúc trong lòng người xem.

“Lời nguyền gia tộc”: Đòn tâm lý cho tư duy khán giả - Ảnh 3.

Tuấn Trần nhập vai xuất sắc qua biểu lộ của ánh mắt đầy sợ hãi

Bên cạnh đó, phim có những cảnh nóng nhưng đó không hề trở thành thứ để câu kéo khán giả. Ngay khi nhìn poster, người ta dễ dàng nhận ra sự sợ hãi của Tuấn Trần (vai Nam) mặc dù điều đó chỉ được biểu lộ qua nửa gương mặt.

Có lẽ vì lần đầu làm phim điện ảnh kinh dị nên nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã hơi lúng túng.

Một điểm cộng khá lớn nữa bên cạnh Tuấn Trần, đó chính là diễn xuất của diễn viên Khương Ngọc (vai Hôm). Hôm không phải là một nhân vật chính. Hôm là một người dẫn chuyện hiền lành. Từ đầu tới cuối, Hôm luôn ra sức bảo vệ Nam khỏi sự trả thù khắc nghiệt của Yên Khê. Đã có những lúc, Hôm khiến người xem hoài nghi rằng không biết Hôm đã chết hay chưa bởi sự u uất trong nét mặt, giọng điệu của mình.

“Lời nguyền gia tộc”: Đòn tâm lý cho tư duy khán giả - Ảnh 4.

Thế nhưng, vai diễn này khiến người xem nhớ tới Hù của Thái Hòa trong Quả tim máu (Victor Vũ). Từ cách xuất hiện, cách pha trò đến cách dẫn dắt nhân vật chính tới với tình tiết quan trọng, người xem đều có thể tưởng tượng tới Hù của những năm trước.

Trong Lời nguyền gia tộc, nặng gánh nhất phải kể đến nữ chính Phi Huyền Trang. Cùng lúc, cô phải đóng hai nhân vật hoàn toàn trái ngược cả về tạo hình lẫn tính cách.

“Lời nguyền gia tộc”: Đòn tâm lý cho tư duy khán giả - Ảnh 5.

Huyền Trang trong vai Yên Khê – một người đàn bà từng trải ôm mối thù hận truyền kiếp

“Lời nguyền gia tộc”: Đòn tâm lý cho tư duy khán giả - Ảnh 6.

Huyền Trang với tạo hình An Nhiên – một cô gái trẻ, đẹp, hiện đại, hồn nhiên và say đắm trong men tình

Từ cách đi đứng, nói chuyện, ánh mắt, nụ cười, Yên Khê và An Nhiên không hề có một chút liên quan. Đây chính là thách thức lớn dành cho Phi Huyền Trang khi đảm nhận vai diễn chính của một bộ phim điện ảnh. Thế nhưng cháu gái đạo diễn Lê Cung Bắc đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của mình. Nhờ diễn xuất linh hoạt, cô truyền tải gần như 100% cả sự thù hận của người đàn bà mất con, người phụ nữ bị người yêu ruồng bỏ và cũng giúp các nhân vật khác tôn lên sự nhân văn của nội dung phim.

Cuối cùng, để trở thành một bộ phim ghi dấu trong lòng khán giả, Lời nguyền gia tộc cần phải đưa tới những điều gì đó có tính trọn vẹn. Và điều trọn vẹn mà bộ phim lựa chọn, chính là sự cụt hứng. Đến khi kết thúc phim, Nam choàng tỉnh giấc, có một cuộc đối thoại nhỏ để hướng tới cái kết mở cho việc hóa giải lời nguyền.

Nhưng dường như cái kết ấy mở rộng quá, đẩy khán giả vào một ngã bảy, ngã tám chứ không phải là ngã tư để lựa chọn suy nghĩ cho riêng mình.

Phim khởi chiếu từ 18/8/2017.