Loạt "tượng đài" bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại

C., Theo Helino 00:04 28/12/2019

10 năm trôi qua, thế hệ 9X từng rất trẻ trung cũng đã bước sang tuổi băm rồi. Thế nên chuyện có hàng loạt "huyền thoại" bị khai tử âu cũng là lẽ thường tình.

Đời người được mấy lần 10 năm. Đúng thật, nói dài thì không quá dài, nhưng 10 năm là quãng thời gian đủ để mọi thứ đổi thay, vạn vật xoay chuyển. 10 năm, một em bé sơ sinh trở thành học sinh tiểu học, một cô nàng ngây thơ trở thành bà mẹ bỉm sữa, một chàng trai trẻ bồng bột trở thành người đàn ông điềm tĩnh,... Thế nên cứ mỗi một thập kỉ trôi qua, người ta bỗng giật mình sao mà thời gian trôi nhanh đến vậy.

Mà nhắc đến thay đổi là đồng nghĩa với việc có cái mới xuất hiện và có cái cũ mất đi. Vẫn biết đó là quy luật đào thải tất yếu trong tiến trình phát triển nhưng chắc chắn nó vẫn để lại cho người ta rất nhiều sự hụt hẫng và luyến tiếc.

Không buồn sao được khi mà 10 năm qua, rất nhiều huyền thoại trong lòng giới trẻ đã sụp đổ. Không buồn sao được khi mà những thứ làm nên những năm tháng rực rỡ của chúng mình nhất loạt bị "khai tử". Không buồn sao được khi mà những tượng đài này biến mất đồng nghĩa với sự thật phũ phàng rằng tuổi trẻ không bao giờ quay trở lại nữa...

Yahoo! Messenger và Yahoo! 360 Blog "bay màu"

Loạt tượng đài bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại - Ảnh 1.

Trước khi Facebook, Instagram, Twitter,... phát triển như hiện tại, chúng ta đã từng có một "ông hoàng" mang tên Yahoo mà cụ thể là Yahoo! Messenger và Yahoo! 360 Blog. Ngày đó thế giới ảo vẫn còn là một thứ xa xỉ và lạ lẫm vô cùng, đến độ có một quãng thời gian dài người ta không ngừng tranh cãi xem có nên yêu qua mạng không, tình yêu ảo có bền không,... Nhưng mặc ai muốn ý kiến như thế nào, tiếng Buzz!!! mới là thứ hấp dẫn chúng ta hơn cả.

Đáng tiếc thay chẳng có gì là mãi mãi, lần lượt Yahoo! 360 Blog và Yahoo! Messenger bị đóng cửa vĩnh viễn. Đó không chỉ là sự biến mất của một nơi để viết blog, để nhắn tin mà còn là một phần tuổi trẻ của rất nhiều người trong chúng ta. Cũng đúng thôi khi mà những "cô_pé_ngốc_nghếch", "boy_xì_tin" hay "girl_sành_điệu" ngày nào đều đã có gia đình, con bồng con bế cả rồi. Cũng đúng thôi khi mà chúng ta có cả (vài) chục ứng dụng khác để nhắn tin, chia sẻ mới mẻ và tiện ích hơn rất nhiều.

Từng có cả triệu thành viên, loạt forum đìu hiu dần rồi đóng cửa

Bên cạnh Yahoo, nơi được nhiều người trẻ lúc bấy giờ lựa chọn chính là các forum (diễn đàn). Từ trai xinh gái đẹp đến công nghệ thông tin đến nhạc nhẽo, mọi lĩnh vực được giới trẻ quan tâm đều có sân chơi riêng với hàng triệu thành viên. Nhưng cuối cùng, chung số phận với Yahoo! Messenger và Yahoo! 360 Blog, rất nhiều cái tên trong số đó đã bị đóng cửa.

Truongton.net, Hihihe.com, SinhvienIT.net, VN-Zoom.com, sonhai.info,... thế hệ 8X, 9X có thấy hoài niệm lẫn chút cay đắng không? Bởi tất cả đều từng sôi nổi, nhộn nhịp đến thế mà giờ đây cũng đóng cửa âm thầm, không kèn không trống. Còn đâu những thread kết bạn 4 phương? Còn đâu những màn tranh cãi nảy lửa để bảo vệ idol? Mà có khi nếu còn chúng ta cũng chẳng có thời gian bởi nếu không dùng các loại MXH khác tiện lợi thì cũng bận lo lắng gia đình, sự nghiệp mất rồi.

Giới trẻ chẳng còn quan tâm đến "YanTV - Kênh truyền hình dành cho giới trẻ" nữa

Loạt tượng đài bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại - Ảnh 3.

Mặt trận Internet sôi nổi ra sao thì các kênh truyền hình dành cho giới trẻ nhộn nhịp bấy nhiêu, và rồi cũng bị khai tử không thương tiếc. Nhắc đến đây, chắc chắn nhiều người đã nghĩ đến YanTV rồi nhỉ? Đầu tháng 4/2018, thông tin YanTV dừng sản xuất trên đài truyền hình sau 10 năm hoạt động được công bố khiến nhiều khán giả trẻ bất ngờ rồi nuối tiếc.

Đương nhiên, ở thời điểm đóng cửa, YanTV đã không còn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ nhưng slogan "YanTV - kênh truyền hình dành cho giới trẻ" đã rất thân thuộc với nhiều người. Ai mà không tiếc những cái tên như Rock on Yan, Yan Around, Ghế đỏ, Một ngày mới, We10,... đúng không nào? Ai mà không tiếc khoảnh khắc háo hức bài hát mới của idol lọt top yêu thích trên Yan Vpop 20 nhỉ?

2! magazine - Cái nôi tinh thần của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên ngừng xuất bản

Loạt tượng đài bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại - Ảnh 4.

Có lẽ bạn đã nghe ở đâu đó, từ một người nào đó về mối lo ngại rằng báo giấy sẽ biến mất. Ngày đó không biết có diễn ra hay không nhưng 10 năm qua, đã có những tờ báo, tờ tạp chí thực bị khai tử. Chưa vội đề cập đến những cái tên khác, cái tên mà không ít người từng là học sinh, sinh viên nuối tiếc chính là 2! magazine. 

Tại thời điểm huy hoàng đó, nếu như YanTV là kênh truyền hình dành cho giới trẻ thì 2! magazine là tạp chí hàng đầu dành cho giới trẻ. Mỗi tháng 2 số, chúng ta đã từng ao ước biết bao nhiêu để chờ đến ngày phát hành, được lật giở từng trang giấy thơm tho với những vấn đề nóng hổi lúc bấy giờ. Tháng 1/2018, 2! magazine chính thức dừng xuất bản sau 16 năm hoạt động.

Boomer Online đóng cửa ở Việt Nam sau 10 năm

Loạt tượng đài bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại - Ảnh 5.

Bây giờ dù đã có cả 1 thế giới game với đồ hoạ bắt mắt, tinh xảo nhưng chắc chắn thỉnh thoảng vẫn có người nhớ về Boom Online. Hồi đó nhà nhà chơi Boom, người người chơi Boom, ai ai cũng đều có thể chơi thành thục chỉ sau 1-2 ngày được hướng dẫn. Nhưng rồi đúng 10 năm (Vâng! Lại là 10 năm) sau khi xuất hiện ở thị trường Việt Nam, trò chơi chính thức thông báo đóng cửa tại Việt Nam vào hồi tháng 5/2017.

Victoria Secret Fashion Show bị khai tử: Không bất ngờ nhưng đầy tiếc nuối

Loạt tượng đài bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại - Ảnh 6.

Một quyết định khai tử gây nuối tiếc cách đây không lâu là Victoria Secret Fashion Show (VSFS). Xuất hiện từ năm 1995 nhưng phải từ những năm 2000 trở đi, VSFS mới thực sự bùng nổ thành show diễn đình đám, về sau được hội hóng hớt trong thế hệ 8X, 9X chú ý hàng năm. Nhưng đình đám đến mấy rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc thôi và cuối tháng 11 vừa qua chính là những ngày cuối cùng VSFS. 

Thế giới giải trí của giới trẻ có vẻ... khắc nghiệt quá nhỉ? Bao nhiêu cái tên lừng lẫy cứ thế ra đi rồi. Vậy thì trong cuộc sống hàng ngày, 10 năm qua, chúng ta đã quyết định từ bỏ những gì? Đó là 2 tượng đài: Diêm Thống Nhất và chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ A - B - C. Hộp diêm bé bé xinh xinh hay tờ chứng chỉ đỏ đỏ đều từng rất quan trọng với chúng ta, nhất là với thế hệ 8X, 9X.

Diêm Thống Nhất "về hưu" sau 63 năm bền bỉ

Loạt tượng đài bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại - Ảnh 7.

Trong những cái tên vừa được kể trên, diêm Thống Nhất có tuổi đời lâu nhất, 63 năm. Thế hệ chúng mình từ khi lọt lòng đã được nhìn thấy chú chim bồ câu trắng trên chiếc hộp nhỏ xíu. Rồi cho đến tận bây giờ, bếp từ, bếp điện, bếp hồng ngoại dần thay thế bếp than, bếp gas thì những hộp diêm vẫn thỉnh thoảng xuất hiện như nhắc nhớ về quá khứ. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ chẳng còn có cơ hội được tận mắt thấy nó nữa rồi.

Chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ A - B - C bị bãi bỏ

Loạt tượng đài bị khai tử trong suốt 10 năm qua: Vật cũ mất đi sẽ có vật mới thế chỗ, nhưng tuổi trẻ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại - Ảnh 8.

Thế hệ 8X, 9X đi xin việc còn lạ gì với chiếc chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ A - B - C nữa nhỉ? Tờ giấy nhỏ bé thôi nhưng lại có ý nghĩa cực lớn đấy. Nhưng tháng 11/2019 vừa qua, bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên. Như vậy là sau 26 năm tồn tại, những tờ giấy chứng chỉ nhỏ mà có võ trong hồ sơ xin việc của chúng mình đã bị khai tử rồi.

Tất nhiên, loạt sự kiện kể trên chỉ là những màn khai tử nổi cộm nhất mà thôi. Còn mỗi người lại có ấn tượng khác nhau, nuối tiếc khác nhau với vô số thứ đã biến mất trong suốt 10 năm qua. 

Còn bạn, bạn tiếc điều gì nhất?