Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 25/10/2019

Mới đây, mạng xã hội đồng loạt “lên cơn sốt” về bộ tranh “Sự ồn ào của bầy cừu” do S-Studio phối hợp cùng công ty truyền thông Sparkling thực hiện, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia MXH không bị dụ dẫn bởi các thông tin giả (fake news), bởi những trò câu like ảo trục lợi cộng đồng.

Bộ tranh bao gồm 29 bức tranh, kể về những chú cừu ngoan hiền, ai sai gì làm đó mà không có bất kỳ phản kháng nào. Bầy cừu này là hình ảnh ẩn dụ, hàm ý nói về những người dùng mạng xã hội ít khi suy nghĩ, phân tích đúng sai, luôn nhanh tay trong việc chia sẻ thông tin, để cảm xúc tiêu cực hay hiệu ứng đám đông điều khiển. Trong một vài trường hợp, những con người đó sẽ trở thành lưỡi dao nguy hiểm của kẻ trục lợi giật dây đứng phía sau. Cuối cùng, họ trở thành bầy cừu ngây thơ, tiếp nhận thông tin một chiều và ồn ào định kiến.

Các bức tranh này đã tạo cảm hứng cho cộng đồng mạng, nhiều nhóm họa sĩ trẻ cũng cover các nét vẽ, tạo ra những bức tranh mang nội dung phản đối thông tin giả, thiếu lành mạnh trên MXH, cùng ý thức và có trách nhiệm tham gia MXH, để bản thân những người tham gia cộng đồng ảo này không bị biến thành những con cừu, hay đứa trẻ trăn cừu ngốc nghếch.

Hàng trăm ngàn người nhận diện các bộ tranh chỉ trong 2 ngày, hàng chục ngàn lượt bình luận cũng như chia sẻ. "Tác giả chọn hình ảnh bầy cừu làm những kẻ ‘nghe lời quá dễ dàng’ trong truyện này vì theo phương Tây, cừu luôn đi theo đàn nên khi gọi ai đó là ‘cừu’ thì họ chỉ biết nghe theo số đông mà làm, không tự tìm hiểu"; "Cái này quá đúng! Đã bao vụ trên mạng rồi, thậm chí đã có người tự tử chỉ vì lan truyền thông tin giả, xong người lan truyền thì hầu như không bao giờ chịu trách nhiệm, sau vài tuần thì chả ai nhớ những vụ này nữa. Nạn nhân rơi vào quên lãng, sát nhân sống thanh thản, lưỡi dao là những con cừu trên mạng"; "Một bộ truyện bằng tranh rất cần sự chia sẻ. Một thông tin nào đó dù đúng, dù sai thì vẫn nên tìm hiểu thông tin về nó trước khi bấm like, share hay comment"; "Khá giống cách mà dân cư mạng Việt Nam tiếp nhận thông tin, tiếp nhận thông tin định hướng một chiều mà không chịu tìm hiểu kĩ, cuối cùng tự trở thành công cụ của kẻ khác"… là những ý kiến được bình luận dưới 29 bức tranh.

Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 1.
Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 2.
Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 3.
Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 4.
Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 5.
Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 6.
Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 7.
Loạt tranh “sự ồn ào của bầy cừu” gây sốt trên mạng xã hội - Ảnh 8.

Trò chuyện với nhóm thiết kế đồ họa trẻ thuộc team S-Studio, các bạn nhẹ nhàng và hài hước. Chia sẻ về những bức tranh, thành viên Lâm Hiền cho biết, họ rất quan tâm đến các vấn đề MXH. Họ đọc các nghiên cứu trong nước và quốc tế về vấn nạn tấn công cá nhân, tổ chức trên MXH nhằm mục đích trục lợi, gieo rắc các thông tin fake, biến những người chơi trên thế giới ảo ấy thành những con cừu, đàn cừu dễ bị lừa. Và có thể biến bất cứ ai thành những nạn nhân của bầy cừu ngốc nghếch ấy. Từ những thực tế bức xúc này, bộ tranh "Sự ồn ào của bầy cừu" đã ra đời.

Thành viên Lâm Hiền cho biết: "Chúng ta cần thay đổi từ chính bản thân mỗi người dùng mạng xã hội, đó là chính chúng ta. Hãy chậm tay trước khi share, hãy chậm miệng trước khi bình luận, hãy tìm hiểu thật kĩ vấn đề. Đừng quá ngây ngô mà để cảm xúc chi phối. Sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin sẽ ngăn lại được sự tấn công trên mạng xã hội, sẽ giúp các thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin sai lệch không còn cơ hội lan truyền rộng rãi".

Designer 9X này còn phân tích thêm tính chất của cộng đồng mạng ‘cả thèm chóng chán’. "Hô hào và kích động là thế nhưng chỉ cần sau 72 giờ, họ sẽ nhanh chóng quên đi chuyện gì đang xảy ra và tập trung vào những vấn đề mới. Trong thời gian đó, nếu có thể, hãy tạm khóa tài khoản mạng xã hội, không tiếp xúc với Internet để không bị gieo rắc vào đầu những suy nghĩ tiêu cực, đồng thời liên hệ với những người thân có thể bảo vệ, thanh minh giúp ta như gia đình, bạn bè, thầy cô... Ngoài ra, cũng cần có hệ thống pháp lý chặt chẽ để bảo vệ công dân bị tấn công trên mạng xã hội", anh đưa ra ý kiến riêng của mình.

Diễn ra trong 3 tuần và còn tiếp diễn, thông điệp của chiến dịch đã nhận được gần 100 nghìn lượt thích, hơn 5 nghìn lượt bình luận, hơn 20 nghìn lượt chia sẻ, tiếp cận hơn 10 triệu người.