Loại mụn mà tuổi dậy thì rất hay gặp phải nếu không chữa trị đúng cách có thể đeo bám đến khi trưởng thành

Gà, Theo Helino 08:45 13/03/2019

Mụn luôn là một nỗi trăn trở gây mất tự tin khi giao tiếp mà nguyên nhân thường đến từ sự thay đổi nội tiết hoặc do thói quen sinh hoạt. Đặc biệt, có một loại mụn mà lứa tuổi dậy thì thường xuyên gặp phải. Nếu biết cách chữa trị thì mụn sẽ không để lại sẹo và giúp bạn lấy lại làn da sáng khỏe nhanh chóng.

Có thể bạn đã nghe rất nhiều tới các loại mụn như mụn đầu đen, mụn trứng cá, hay mụn bọc... còn mụn nội tiết thì sao? Nghe quen quen nhưng thực chất, không phải ai cũng biết rõ đến nguyên nhân hình thành loại mụn này. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về mụn nội tiết và cách chữa trị loại mụn này qua những thông tin sau đây bạn nhé!

Mụn nội tiết là gì? Nguyên nhân hình thành chúng như thế nào?

Theo bác sĩ Samer Jaber của Viện Da liễu Washington Square (New York), mụn nội tiết thường xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì và có thể đeo bám đến tuổi trưởng thành. Đặc biệt, nó có mối liên hệ mật thiết đến chu kỳ kinh nguyệt của phái nữ. Do những ngày đầu diễn ra kinh nguyệt, nồng độ hormone progesterone trong cơ thể nữ giới sẽ tăng cao hơn estrogen, từ đó gây mất cân bằng và khiến làn da tiết nhiều dầu, làm bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến tình trạng nổi mụn.

Loại mụn mà tuổi dậy thì rất hay gặp phải nếu không chữa trị đúng cách có thể đeo bám đến khi trưởng thành - Ảnh 1.

Mụn nội tiết cũng có thể phát triển từ mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ... và làm ảnh hưởng không nhỏ đến làn da của bạn. Điều này cũng khiến bạn mất tự tin và ngại giao tiếp trước đám đông.

Cách nhận diện mụn nội tiết từ sớm để có phương hướng chữa trị hiệu quả

Mụn nội tiết có thể xuất hiện trong mỗi kỳ kinh nguyệt hàng tháng của phái nữ, hoặc khi bạn rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu quá mức. Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng có thể làm hình thành nên mụn nội tiết là:

- Cơ thể thiếu chất.

- Di truyền từ người trong gia đình.

- Bị nóng trong người.

- Cơ thể chất chứa quá nhiều độc tố.

Mụn nội tiết sẽ thường xuất hiện ở vùng chữ T của mặt, bao gồm trán, mũi và cằm trong độ tuổi dậy thì. Còn ở độ tuổi trưởng thành, bạn sẽ thấy mụn nội tiết hình thành ở vùng dưới khuôn mặt, bao gồm khu vực dưới má hoặc xung quanh quai hàm.

Loại mụn mà tuổi dậy thì rất hay gặp phải nếu không chữa trị đúng cách có thể đeo bám đến khi trưởng thành - Ảnh 2.

Cần làm gì để trị mụn nội tiết hiệu quả?

Vì là mụn nội tiết nên việc trị mụn cũng cần làm triệt để cả bên trong lẫn bên ngoài.

*Trị mụn nội tiết từ bên ngoài:

- Giữ vệ sinh da mặt luôn sạch sẽ, chú ý rửa mặt 2 lần/ngày (buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi ngủ).

Loại mụn mà tuổi dậy thì rất hay gặp phải nếu không chữa trị đúng cách có thể đeo bám đến khi trưởng thành - Ảnh 3.

- Hạn chế trang điểm khi da đang có mụn, tẩy trang sạch mỗi tối để tránh làm phát sinh mụn ẩn, gây bí tắc lỗ chân lông.

- Bôi kem chống nắng và che kín làn da trước khi ra đường.

*Trị mụn nội tiết từ bên trong:

- Ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng hàng ngày.

- Bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu kẽm, vitamin B, C, E để dưỡng da từ bên trong. Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi.

- Uống thêm các loại trà thanh nhiệt, mát gan, giải độc.

- Cắt giảm lượng đường ngọt trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Ngoài chăm sóc mụn nội tiết cả trong lẫn ngoài, bạn nên lưu ý một số điều sau để giúp quá trình trị mụn diễn ra hiệu quả hơn.

- Tuyệt đối không sờ/chạm tay lên da mặt.

Loại mụn mà tuổi dậy thì rất hay gặp phải nếu không chữa trị đúng cách có thể đeo bám đến khi trưởng thành - Ảnh 4.

- Thay vỏ chăn ga gối đệm thường xuyên. Vệ sinh đầu tóc sạch sẽ, tránh chạm vào mụn.

- Uống nhiều nước trong ngày để giúp thải bỏ độc tố dư thừa trong cơ thể.

Nguồn: Huffingtonpost, Wiki