“Còn trẻ quá, lại là con gái sao Thu không chọn một công việc nhẹ nhàng hơn, ở một nơi hiện đại và nhiều cơ hội hơn? Sao lại chôn vùi thanh xuân ở nơi rừng núi heo hút, cô tịch này?”
Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 1.

“Còn trẻ quá, lại là con gái sao Thu không chọn một công việc nhẹ nhàng hơn, ở một nơi hiện đại và nhiều cơ hội hơn? Sao lại chôn vùi thanh xuân ở nơi rừng núi heo hút, cô tịch này?” - rất nhiều bạn bè, người thân đã từng thắc mắc với Thu như thế, khi cô sinh viên 21 tuổi ngày nào quyết định dành cả tuổi trẻ cho hành trình con chữ của trẻ em người Ca Dong trên vùng núi Ngọc Linh. 

Và lần nào cũng vậy, Thu chỉ mỉm cười: “Ừ thì, dù ở núi hay ở phố, ở đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc, chỉ là ta có muốn tạo ra hay không thôi!”

Như núi rừng em không có tên

Người Ca Dong gọi em là cô giáo 

Khe suối trong chuyến về xuôi cái 

Để sớm mai em gùi chữ qua đèo 

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 2.

Hôm qua ở đây có người mới bị rắn cắn, phải chở đi bệnh viện cấp cứu đấy. Anh chàng người Ca Dong làm nhiệm vụ dẫn đường cho chúng tôi hồn nhiên kể về vụ tai nạn hy hữu vừa xảy ra, vừa để nhắc nhở mọi người cẩn thận trong lúc leo lên núi, vừa giúp không khí bớt trầm lắng. Ấy thế mà có ai kịp giật mình, hoảng hồn trước câu chuyện có phần giật gân ấy đâu, bởi người nào cũng đang cắm cúi lội dốc, mệt bở hơi tai. Men theo con đường mòn dựng đứng tôi vịn tay vào mấy gốc cây ven đường, vài đoạn băng qua con suối phải bám vào đá để vượt lên, không quên nghe lời dặn của người dẫn đường: đi chậm chậm, kẻo ngã.

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 3.

Mãi đến khi mồ hôi con, mồ hôi mẹ ướt cả áo, mọi người mời hè nhau:

Thôi ngồi nghỉ tí rồi đi tiếp nhé!

Tôi quay sang hỏi anh chàng dẫn đường:

Còn bao xa nữa thì mình đến Tắk Pổ?

Cố đi hết con dốc này nữa, rồi đi thêm 15 phút nữa là tới trường rồi!

Chà, đường đi khó thế này, các cô chắc vất vả nhiều?

Bình thường thì phải đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới được trường, mấy hôm trời mưa, đường trơn với nước suối chảy xiết thì không đi được. Nhưng mà các cô đi mãi rồi cũng quen đấy.

Cô giáo cắm bản: Trà Thị Thu

Giữa mênh mông núi rừng, những thanh niên thành thị như tôi tự hỏi: Điều gì ở mảnh đất xa xôi, buồn tẻ này đã giữ chân những cô giáo trẻ trong suốt ngần ấy năm? 

Ngôi trường dần hiện ra trước mắt, giữa bao la mây ngàn, trên đỉnh đồi cỏ lau vàng cháy ngôi trường gỗ đơn sơ nằm nép mình dưới rặng cau xanh mướt, tiếng trẻ nhỏ ê a đọc bài vang vọng cả ngôi làng Tắk Pổ.

“Trường của em be bé, nằm ở giữa rừng cây. Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay…”

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 5.

Từ sau khi bộ ảnh buổi lễ khai giảng đơn sơ của cô trò ở Tắk Pổ được đông đảo cộng đồng biết đến, ngôi trường được quan tâm nhiều hơn, các em nhỏ cũng được thêm chiếc cặp, tập vở hay chiếc áo cho mùa đông… duy chỉ có nếp sinh hoạt của cô trò vẫn vẹn nguyên như vậy.

Trà Thị Thu (1994) là cô giáo trẻ xuất hiện trong bộ ảnh, cũng là người phụ trách giảng dạy lớp 1 và lớp 2 ở điểm trường Tắk Pổ (trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Công tác ở vùng núi Nam Trà My hơn 5 năm, Thu xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.

Buổi trưa, sau khi học trò đã về nhà, Thu tất bật chuẩn bị nấu cơm trưa. Căn bếp nhỏ, đơn sơ vài cái xoong đã đen ngòm, bó củi của người dân đem qua cho, và vài gói mỳ, quả trứng. Thu nhặt mớ rau rừng để trưa nay nấu canh, vừa làm cô vừa kể:

Em nghĩ là mình có duyên với vùng đất này. Trước đây em không có thích nghề giáo viên. Hồi nớ em thi vô ngành du lịch mà không đậu, nên ba má định hướng đi theo nghề giáo. Lúc nớ em nghĩ thôi kệ, đi học cho vui. Ai ngờ gắn bó tới bây giờ.

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 6.

Lúc mới tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học ở trường Đại học Quảng Nam, Thu chưa xin được việc nên đi lên thành phố một thời gian làm việc trong xí nghiệp. Một hôm, chị gái của Thu gọi điện vào hỏi: “Có muốn lên núi dạy không? Nhưng nói trước là phải đi bộ 2 - 3 tiếng đồng hồ, cực lắm, đừng có lên rồi khóc đòi về đấy".


img
img

Thu gật đầu cái rụp: “Cực cỡ nào em cũng phải thử".

Hoa chạc chìu nở trắng tháng giêng

Em vội vã gọi mùa xuân ở lại

Tấm áo dài may từ thời con gái

Đem ra phơi em ve vuốt với mình


Thương đời em tấm áo vẫn xanh

Dẫu chẳng có ai cho mình làm dáng

Em chăm chút như từng dòng giáo án

Gửi ước mơ ở lại phía chân trời.


Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 8.

Thế lúc mới lên Tắk Pổ có khóc lần nào không? 

Thu cười hì hì: “Cũng có đó ạ".

Lần đầu lên Tắk Pổ để dạy học, Thu chỉ mới 21 tuổi. Bốn bề là rừng núi hoang vu, nhiều lúc sợ hãi nhưng Thu tự động viên: Đã hứa với chị là không được khóc, phải ráng giữ lấy lời. Vậy mà vẫn khóc.

“Từ nhỏ đến lớn em chưa từng phải leo núi nhiều như vậy. Trời lạnh như cắt, đường đi thì khó khăn, trượt ngã không biết bao nhiêu lần. Lên đến nơi nhìn ngôi trường em còn không nhận ra đó là trường. Nhiều người còn nói trường gì mà thua cái chuồng bò ở dưới xuôi. Mái lợp tạm bằng lá, vách thì đan bằng tre nứa, mọi thứ rất tạm bợ” - Thu nhớ lại.

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 9.

“Nhiều hôm đồng nghiệp đi về xuôi thăm gia đình, em ở lại trên này một mình, sợ quá em mắc cái võng ở giữa nhà rồi nằm co ro ở đó. Tới giờ học, học trò tới, phụ huynh tới kêu, em cũng không dám mở cửa để dạy. Sợ mà không biết mình sợ cái gì luôn" - Thu hóm hỉnh kể.

Nhưng rồi những ngày đầu bỡ ngỡ cũng qua dần, Thu tập quen với nếp sống của người Ca Dong trên đỉnh núi. Cô vào làng nhiều hơn, trò chuyện với người dân nhiều hơn và thân thiết với học trò. Bất đồng về ngôn ngữ hay văn hoá dần được phai nhoà.

Thu tâm sự: “Trải qua một thời gian em ngẫm nghĩ: Vì sao người dân ở đây sống trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhưng họ vẫn vui cười và hạnh phúc? Đơn giản là vì họ bằng lòng với cuộc sống của mình, và biết tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ nhất".

Công tác ở vùng cao chuyện thiếu thốn là hiển nhiên, nhưng bù lại có một thứ luôn đầy ắp đó là tình cảm giữa người với người luôn ấm nồng qua từng ngày. Người ở Tắk Pổ quý cô giáo như người thân trong nhà, họ khẳng định chắc nịch: Cô giáo cứ yên tâm giảng dạy, nhỡ có ốm đau gì thì người làng sẽ gánh võng đưa cô xuống xuôi chữa trị.

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 10.

Ngồi bên mái nhà sàn nhỏ, người phụ nữ Ca Dong bẽn lẽn nói bằng thứ tiếng miền xuôi lơ lớ: “Lúc cô giáo mới lên chúng tôi không có nói chuyện với nhau đâu. Rồi cô giáo đi vào làng chơi, cô giáo tập nói tiếng Ca Dong. Chúng tôi quý cô giáo lắm. Tôi hay đem gạo qua cho cô giáo để nấu cơm".

“Hôm trước cô giáo nhờ đàn ông trong làng làm lại cái hàng rào cho trường, chúng tôi rất vui vẻ làm. Chúng tôi quý cô giáo, vì cô giáo dạy chữ cho con chúng tôi. Cô giáo rất yêu thương tụi trẻ, ở trên này rất lạnh nên cô đi xin áo ấm cho tụi nhỏ, xin tập vở cho tụi nhỏ học chữ" - anh Tiến (phó nóc Tắk Pổ) chia sẻ. Thu hay bảo với tôi: quan trọng là mình mở lòng trước, thì mọi người sẽ mở lòng với mình. Thật vậy, giờ đây cô giáo và người Tắk Pổ đã không còn khoảng cách.

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 11.

Sau giờ dạy học, Thu dành nhiều thời gian vui đùa cùng học trò. Lúc thì cùng nhau chơi nhảy dây, khi thì vào làng trò chuyện với người dân, đặc biệt cô trò luôn cùng nhau vào rừng hái rau để nấu cơm.

“Đi hái rau rừng với cô không?” - Thu cười tươi rói, lũ trẻ cũng tươi rói gật đầu. Một đứa te te chạy vào bếp cắp chiếc rổ rồi theo chân cô giáo vào rừng bẻ măng, hái rau. Băng qua mấy con suối nhỏ, trèo lên mấy ngọn đồi cao, tiếng chim non ríu rít hoà với tiếng cười nói rộn ràng khiến không gian vui tươi đến lạ. Tôi trộm nghĩ: Làm giáo viên cắm bản cũng “chill” phết!

Nụ hoa nào nở trên môi em 

Vẫn lung linh sắc trời con gái 

Đất Trà My níu chân em ở lại

Mặt trời lên theo bước em lên


img
img
img
img

Lên đỉnh trời Ngọc Linh gặp cô giáo dành cả thanh xuân “gùi chữ qua đèo” cho tụi nhỏ: Dù ở núi hay phố, đâu cũng có niềm vui và hạnh phúc! - Ảnh 13.

Buổi tối sương tràn vào phủ trắng cả ngôi trường. Lạnh tê buốt. Thu bảo ở đây không khí lạnh quanh năm, nhưng may mắn là không ốm đau gì nhiều. 

Bao lâu rồi Thu chưa về nhà thăm bố mẹ?

Thu trầm ngâm: “Nhà em cách đây hơn 100km, nên lâu lâu em mới về một lần. Hơn 2 tháng rồi em chưa về nhà. Nhưng ba má hiểu công việc của em nên cũng yên tâm". 

Vậy Thu có dự định khi nào lập gia đình không? Có sợ ở núi thế này sẽ ế không?

Thu cười: “Em cũng chưa nghĩ đến chuyện đó nữa. Điều em nghĩ lúc này là làm sao để các em ở Tắk Pổ ham thích đi học, rồi sau này học lên cao, trở về phụ giúp cha mẹ, phát triển kinh tế. Tụi nhỏ ở trên này giỏi lắm. Ngay từ nhỏ đã biết tự lập, biết vượt khó nên em rất quý".

Đương nhiên cũng có nhiều em không hứng thú lắm với chuyện học hành. Bởi tụi con nít nghĩ ở cái nơi bạt ngàn núi rừng này, học chữ để làm gì, có làm ra hạt gạo, có đẻ ra con lợn được không?!


img
img
img

“Có em học sinh cứ thấy cô giáo là chạy trốn. Lần nào em đi tìm cũng không gặp. Thế là cô giáo phải nhờ mấy học trò bắt lại, rồi ngồi nói chuyện, giảng giải một buổi trời. Vậy là hôm sau cu cậu đến lớp học trở lại. Và tiến bộ rất tốt" - Thu hào hứng kể về cậu học trò có phần bướng bỉnh của mình. 

Năm học 2018- 2019, là khoảng thời gian đáng nhớ trong nghề của Thu. Năm đó Thu và các cô giáo ở điểm trường nhận nuôi 10 em nhỏ ở xa. “Tụi em phải chăm sóc từng li từng tí. Từ ăn ở, tắm rửa, đến giặt giũ, nhiều lúc em thấy mình như người mẹ vậy, dù chưa có lập gia đình" - Thu hồn nhiên kể.

So với đa phần giới trẻ ngày nay - họ năng động, thích khám phá điều mới lại, thu hút bởi nơi có niềm vui và nhiều cơ hội, thì những cô giáo trẻ như Thu lại chọn gửi gắm tuổi trẻ của mình ở chốn xa xôi này. Nhưng rõ ràng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thu có hoài bão và niềm vui riêng của mình. Ai đó nói rằng người ta cô đơn và tẻ nhạt nhất là khi ngủ dậy và không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Còn với Thu, cô biết mình là ai, và mình muốn làm điều gì. 

Thế giới ngoài kia bao la, rộng lớn, còn thế giới của Thu chỉ gói gọn trên đỉnh trời cao vút này, gói gọn trong nụ cười của mấy đứa nhỏ hồn nhiên như cỏ dại. Ấy vậy mà mênh mông lắm, vì đi mãi, đi mãi mà chẳng hết yêu thương. 

Trách chi em cô giáo bản nghèo

Đôi dép quàng tay, quần hai ống ướt

Ngày hai bận suối đèo xuôi ngược

Có lửa hồng hong lại chút tình riêng

------

Trước khi chúng tôi rời Tắk Pổ, Thu tâm sự: “Em chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn giáo viên đang ngày đêm cống hiến cho ước mơ của trẻ nhỏ vùng cao. Ở bên kia dãy núi này, và những dãy núi xa còn có rất nhiều thầy cô giáo vẫn âm thầm với hành trình con chữ”. Và trong mỗi người thầy, người cô thầm lặng ấy luôn cháy bỏng một trái tim phi thường. 


Nguyễn Toàn
Kim Hưng
Kim Hưng
Phú Thiện
Hoàng Anh
Theo Trí Thức Trẻ06/01/2020