Ngày cuối cùng, trận cuối cùng, chiếc băng đội trưởng và nước mắt Công Vinh. Anh chính thức giã từ sự nghiệp bóng đá, với những giọt nước mắt trong lễ chào cờ và lời tâm sự như khóc của anh sau trận đấu.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 1.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 2.

Ngày cuối cùng, trận cuối cùng, chiếc băng đội trưởng và nước mắt Công Vinh. Anh chính thức giã từ sự nghiệp quốc tế, bên những giọt nước mắt trong lễ chào cờ và lời tâm sự như khóc của anh sau trận đấu. Cuộc đời anh là một cuốn phim quay chậm với một hành trình từ vô danh đến vinh quang với đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Cùng những tháng ngày sống giữa lằn ranh của sự yêu – ghét đến từ người hâm mộ.


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 3.

Năm 1998, một cậu bé quê mùa đến từ Quỳnh Lưu, Nghệ An đến thi tuyển vào đội trẻ của Sông Lam Nghệ An. Đứng trước các bài thi, cậu rất hồi hộp và cố gắng hoàn thiện từng bài, nhưng kết quả cuối cùng thì cậu gần như  “đội sổ”. Tên cậu bé ấy là Lê Công Vinh. Những tuyển trạch viên của SLNA phê cho cậu vài chữ: “không có nhiều triển vọng, cả kỹ thuật và tâm lý đều chưa vững.”

Trên sân bóng hôm ấy, có một cậu bé khác, chỉ hơn Vinh một tuổi nhưng đôi chân rất khéo, tài năng rất nhỉnh so với lứa tuổi, và đang là ngôi sao nhí được kỳ vọng nhất của SLNA khi đó. Phạm Văn Quyến – 15 tuổi chính là cậu bé được đưa về từ cách đó hai năm. Cũng cái năm 1998 khi Công Vinh của tuổi 14 đang chật vật thi tuyển vào đội trẻ Sông Lam, thì Văn Quyến đã trở thành ngôi sao của tuổi thiếu niên khi ghi 7 bàn trong giải vô địch giải bóng đá thiếu niên Việt Nam, trong đó có 2 bàn trong trận chung kết trước Khánh Hòa để đem Cup về cho SLNA, đồng thời lọt vào top 10 cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 5.

Ảnh: Bạch Dương

Cuốn phim buồn dành cho cậu bé Quỳnh Lưu tiếp tục quay trong vòng 5 năm tiếp theo của sự nghiệp. Hai năm sau ngày được vào đội trẻ Sông Lam, anh vẫn là cầu thủ vô danh bên cạnh một Văn Quyến đã trở thành ngôi sao được cả đất nước nhớ mặt thuộc tên sau giải U16 Châu Á. Năm Công Vinh 18 tuổi, lần đầu tiên được gọi lên đội 1 SLNA thì Văn Quyến đã được gọi đi dự Sea Games 21.

Ngày 7/12/2003, cuốn phim tua tới Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội. Việt Nam gặp Lào trong khuôn khổ bảng A của Sea Games 22 khi đã chắc suất vào vòng trong. Để dưỡng sức cho các trụ cột ở bán kết, HLV Alfred Riedl tung ra đội hình gồm toàn những cầu thủ dự bị. Một trong những cầu thủ ấy chính là Lê Công Vinh. Phút 40 hiệp 1, từ đường tạt cánh của Phan Thanh Bình, Công Vinh bật cao đánh đầu ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu đem về chiến thắng 1-0 cho đội tuyển Việt Nam. Trên ghế dự bị, Phạm Văn Quyến nở nụ cười thoải mái.  Nụ cười Văn Quyến và bàn thắng Công Vinh là tượng trưng của hai điều: Một bên là tài năng thiên bẩm Văn Quyến đang là con cưng của cả đất nước, mặc định một vị trí ngôi sao và thong thả đợi show diễn lớn hơn dành cho mình ở phía trước, và một bên Lê Công Vinh với bàn thắng tượng trưng cho khát vọng nắm bắt những cơ hội dù là nhỏ nhất để khẳng định bản thân.

Mùa đông Hà Nội năm đó, Phạm Văn Quyến chính thức trở thành ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam với danh hiệu Quả Bóng Vàng và 4 bàn thắng đưa đến những cảm xúc tột độ ở Sea Games 22. Anh trở thành ngôi sao được săn đón nhất cùng các hợp đồng quảng cáo. Lê Công Vinh ở đâu? Không ai quan tâm. 


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 6.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 7.

Ảnh: Internet

Một năm sau, những thác loạn trong cuộc sống bắt đầu ảnh hưởng đến phong độ trên sân cỏ của Văn Quyến. Ở ĐTQG thì HLV Riedl, người luôn cưng chiều Văn Quyến đã rời Việt Nam và được thay bằng ông thầy cá tính người Brazil là Edson Tavares. Đấy là một vị HLV coi trọng thể lực và tính kỷ luật. Chính ở đó, bước ngoặt của sự nghiệp Lê Công Vinh mở ra. Tavares yêu thích sự nghiêm túc và cần cù trên sân cỏ của Công Vinh hơn hẳn tài năng nhưng lười biếng của Văn Quyến. Ông đặt Lê Công Vinh vào vị trí tiền đạo chủ lực của đội tuyển bên cạnh Thạch Bảo Khanh, và tạo mọi cơ hội cho chàng trai Quỳnh Lưu vô danh ngày nào thể hiện tài năng của bản thân. Đáp lại, Lê Công Vinh không phụ sự tin tưởng của ông thầy người Brazil khi thể hiện một phong độ ghi bàn tuyệt vời.

Vinh là Vua phá lưới của cup bóng đá Thành Phố Hồ Chí Minh, giải đấu tiền Tiger Cup 2004. Cũng là Công Vinh, sánh cùng với Thạch Bảo Khanh, là hai cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất của đội tuyển tại Tiger Cup 2004. Và trong năm đó, anh là vua phá lưới của Cup Quốc Gia 2004. Lời nhận xét của giới chuyên môn dành cho anh: “Lần đầu tiên, Việt Nam xuất hiện một tiền đạo có lối dứt điểm hiện đại đến như vậy.” Những thành tích ghi bàn liên tiếp đã đưa Công Vinh đến với danh hiệu Quả Bóng Vàng đầu tiên trong đời. Đấy chính là ngày cậu bé Quỳnh Lưu vô danh ngày nào bước ra vị thế sánh ngang với cậu bé Hưng Nguyên nổi tiếng Phạm Văn Quyến. 


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 8.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 9.

Ảnh: Internet

Bacolod, Philippines, năm 2005. Đã không còn là vị trí dự bị số 4 như kỳ Sea Games cách đây 2 năm ở Hà Nội. Hôm nay, Lê Công Vinh đứng cạnh Phạm Văn Quyến trên hàng công của đội tuyển Việt Nam, và là ngôi sao được chờ đợi nhất. Những bàn thắng của anh đưa đội tuyển Việt Nam đi đến trận chung kết với Thái Lan. Thế nhưng đội bóng áo đỏ lại tiếp tục thất bại trong sự thất vọng của người hâm mộ. Không ai biết, thất bại ở kỳ Sea Games 2005 đó chỉ là con chim báo bão cho một cuộc khủng hoảng sắp tới của bóng đá Việt Nam. Những cuộc điện đàm, những tỉ lệ cược bất thường và những hành động trong bóng tối của một số cầu thủ trong đội tuyển quốc gia bị phanh phui ngay sau đó. Vụ án dàn xếp tỉ số trong trận đấu với Myanmar đã khiến Phạm Văn Quyến – ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam bị treo giò, cùng với Lê Quốc Vượng, Huỳnh Quốc Anh, Văn Trương, Bật Hiếu, Phước Vĩnh và Hải Lâm.


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 10.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 11.

Ảnh: Internet

Lê Công Vinh, chàng trai trong sạch quyết tâm nói không với mọi lời rủ rê đã chính thức “một mình một cõi” ở vị trí ngôi sao hàng đầu trong làng bóng đá Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam cùng 3 quốc gia khác của Đông Nam Á tổ chức AFC ASIAN Cup 2007, nhưng chỉ có Việt Nam là đội duy nhất lọt vào tứ kết, chỉ chịu thua đội sau đó vô địch là Iraq. Công Vinh với cú lốp bóng qua đầu thủ môn đầy kỹ thuật vào lưới UAE tiếp tục khẳng định vị thế của anh ở đội tuyển. Dẫu vậy, đó không phải là thước phim đỉnh cao trong sự nghiệp Công Vinh, mà nó diễn ra một năm sau, trên Mỹ Đình, Hà Nội.

AFF Cup 2008, phút 90+4 trận chung kết giữa Việt Nam và Thái Lan, từ cú đá phạt của Minh Phương, Công Vinh đánh đầu ngược vào phía sau tung lưới thủ thành Kosin của Thái Lan. Bàn thắng không tưởng đó đưa 80 triệu người dân Việt Nam đến với cảm xúc vỡ òa của hạnh phúc. Cuối cùng sau bao nhiêu đau khổ, sau bao nhiêu thất bại, sau bao nhiêu nước mắt và sự thất vọng, bóng đá Việt Nam đã được hưởng cảm giác của nhà vô địch. Chàng trai đưa đến cảm xúc tột độ đó chính là Lê Công Vinh, cậu bé Quỳnh Lưu vô danh năm nào, cậu thiếu niên đã trầy trật từng bữa để lên đội 1, chàng tiền đạo chỉ là cái bóng của Văn Quyến những năm tháng đầu, chàng cầu thủ chỉ là ngôi sao mờ bên cạnh những đồng đội được kỳ vọng, nhưng hôm nay chính anh chứ không phải Quyến hay Vượng mới là người đưa bóng đá Việt Nam lên đến đỉnh cao.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 12.


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 13.

Nhưng cuốn phim cũng bắt đầu chứng kiến những vết nhòe đến từ anh. Hai năm sau vinh quang của đêm đông Hà Nội, Lê Công Vinh trở về Việt Nam khoác áo T&T Hà Nội, sau chuyến “du học” thất bại ở Bồ Đào Nha và chuyện tình lùm xùm với ca sĩ Thủy Tiên. Còn trên sân cỏ, Vinh luôn “màu mè” với những pha ăn mừng bàn thắng. Từ thời điểm đó, những người anti Công Vinh bắt đầu xuất hiện và nhiều dần lên. Công Vinh trở thành cầu thủ đầu tiên của Việt Nam sống trong ranh giới của người yêu, kẻ ghét xen kẽ lẫn nhau. V-League 2010 chứng kiến Công Vinh vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trên sân Cao Lãnh, Đồng Tháp. Hành động phản cảm không chỉ khiến anh bị Ban kỉ luật của VFF phạt treo giò 3 trận và 10 triệu đồng, mà còn để lại hình ảnh xấu trong lòng người hâm mộ.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 14.

Ảnh: Internet

Công Vinh đe dọa sẽ giải nghệ sau án phạt đó, và phản ứng của người hâm mộ dành cho việc ấy giúp ta nhận ra sự khác biệt trong tình yêu của họ dành cho Vinh, cho Quyến. Không một ai quan tâm lời hờn dỗi của anh, thậm chí còn “khuyến khích” anh giải nghệ. Trái ngược với cách mở rộng trái tim dành cho Văn Quyến, người hâm mộ luôn khắt khe Công Vinh. Câu phán xét “Nếu Quyến không bán độ, Công Vinh không có được hôm nay” lặp đi lặp lại với Công Vinh. Người ta yêu những pha bóng ma thuật làm nổ tung cầu trường của Quyến hơn kiểu tiền đạo đề cao tốc độ và khả năng dứt điểm “tròn trịa” dạng như Vinh.

Công Vinh quay lại sân cỏ với cảm giác ức chế, chính ở đây, một chấn thương khủng khiếp giáng xuống đầu anh. Công Vinh nghỉ thi đấu gần một năm vì đứt dây chằng đầu gối.

Đời một cầu thủ sợ nhất là chấn thương và khoảng trắng của bệnh viện, thế mà Công Vinh không chỉ đối mặt với việc nghỉ thi đấu, anh còn đối mặt với sự ghẻ lạnh của người hâm mộ.


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 15.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 16.

Ảnh: Internet

Buồn như ngày anh biết cha mình bị bắt vì buôn ma túy, bởi cuộc sống túng quẫn khi gia đình khánh kiệt sau tai nạn giao thông của cha anh, để gánh nặng lên vai mẹ anh và khát vọng kiếm tiền từ bóng đá bằng đôi chân anh.

Nhưng Vinh quyết không bỏ cuộc, bởi cuộc đời anh vốn là những nỗ lực điên cuồng cho việc khẳng định mình. Công Vinh trở lại sân cỏ, ghi 10 bàn thắng, đưa T&T Hà Nội lên đến vị trí Á Quân. Một năm sau, anh chuyển sang FC Hà Nội, cuộc tình bể kèo và chóng vánh đưa anh lưu lạc về lại mái nhà Sông Lam Nghệ An. Có thể nói, nếu như từ năm 2004 đến năm 2008 là đỉnh cao của Vinh thì từ năm 2009 đến 2012 là chuỗi ngày đi xuống của Vinh.

Thủy Tiên tâm sự: "Sống với anh Vinh, bao giờ tôi cũng giống như cô giáo. Khi anh Vinh đang ở đỉnh cao của niềm vui, tôi là người giật anh ấy xuống. Còn khi anh Vinh buồn, tôi phải là người kéo anh lên. Khi tất cả mọi người đều quay lưng, nói là bản lĩnh phớt lờ tất cả là không đúng. Khi cả thế giới có quay lưng với mình, thì sau lưng mình vẫn là gia đình, chứ không phải là vực thẳm”.

Cuốn phim trải qua những chương buồn bã. Nhưng cuốn phim không phải là truyện cổ tích nơi công chúa sẽ cưới hoàng tử, bao nhiêu nghịch cảnh không đánh gục được chàng trai xứ Nghệ. Công Vinh bước qua những chuỗi ngày tủi nhục để đi đến thành công thứ hai trong đời người. Đầu tiên là việc chuyển qua câu lạc bộ hạng nhì Nhật Bản Consadole Sapporo theo một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 5 tháng. Khác với cuộc phiêu lưu bên đất Bồ Đào Nha, tại nơi này Công Vinh thể hiện rất tốt, và ngày anh rời đi, CLB Nhật Bản vẫn muốn giữ anh lại. Sau đó anh về lại Việt Nam khoác áo Becamex Bình Dương. Dẫu cho bị HLV Lê Thụy Hải đày đọa trên ghế dự bị những tháng đầu, Vinh vẫn cần mẫn trên sân tập, gắng sức thể hiện mình. Ngày ông Lê Thụy Hải rời Bình Dương, Công Vinh quay trở về đội hình chính. Rồi sau đó, HLV Miura Toshiya triệu tập anh để tham dự AFF Suzuki Cup 2014. Trận đấu trên Mỹ Đình, Việt Nam thua Malaysia 2-4 dù đã thắng 2-1 trên sân khách. Hôm đó, Công Vinh nhoài người về phía trước đến kiệt quệ, hai bàn thắng anh ghi được không cứu vãn được tình hình, và anh rời sân với những giọt nước mắt.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 17.

Ảnh: Internet

Giọt nước mắt ấy đã đưa cuốn phim lên một khúc bi tráng nhất của bản trường ca, nơi anh được yêu quý không phải bởi nụ cười thành công, mà cả nước mắt cố gắng, nơi anh hét to với cả đất nước rằng: đời cầu thủ của anh đã luôn cống hiến hết mình cho tổ quốc.

Một người bạn của tôi khi phỏng vấn Công Vinh đã kể lại rằng, cuộc đời Công Vinh đi qua quá nhiều thăng trầm nên những bài phỏng vấn của anh luôn đi kèm những câu triết lý, chính điều này đôi khi tạo cảm giác “giả”, khiến nhiều người không thích. Công Vinh đi qua tuổi thơ nghịch cảnh đến vinh quang, mà vinh quang cũng không bền khi anh trải qua những ngày “lên voi xuống chó”, cho đến khi trầm lắng lại và nhận về mình những sự trân quý, anh mới an toàn trong cảm giác bình yên. Và điều này, thật sự là một kho cảm xúc của triết lý mang chữ “đời”.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 18.

Ảnh: Internet

Người ngoài cuộc nhìn Công Vinh – Thủy Tiên như một cặp Becks-Vic của Việt Nam. Nhưng Công Vinh luôn nói về Thủy Tiên bằng những lời đặc biệt: “Tôi luôn nói những lời yêu thương với vợ, ngược lại, vợ tôi thể hiện tình yêu ấy qua hành động. Tôi cảm động vì những lúc tôi khó khăn nhất, mệt mỏi nhất thì vợ luôn ở cạnh mình. Đấy mới là điều mà người đàn ông chờ đợi ở người phụ nữ của mình. Và tôi cũng nói với vợ là đã có duyên sống với nhau kiếp này thì nếu có kiếp sau, cũng phải ráng sống gần nhau”. Đời thường của Vinh chịu bao nhiêu dè bỉu, nhưng không ai sống cuộc đời của Vinh.  Người ta nhắc về Quyến, nhưng quên rằng Vinh là người biết nắm lấy số phận. Sống giữa lằn ranh yêu ghét, Vinh vẫn âm thầm chứng tỏ hạnh phúc của mình bên căn nhà ấm áp và một thiên thần bé nhỏ.

Trong những ngày tháng 12/2016, khi cùng tuyển Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup 2016, Công Vinh nói rằng đây sẽ là giải đấu cuối cùng của anh. Sau giải đấu này, người hâm mộ sẽ không còn thấy anh trong màu áo đội tuyển quốc gia nữa. Người đội trưởng cháy hết mình cho giải đấu cuối cùng này, anh ghi hai bàn ở vòng bảng và cán mốc 51 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia. 


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 19.

Tính đến thời điểm từ giã sân cỏ, Công Vinh đã cán mốc 51 bàn thắng cho đội tuyển Quốc gia. (Ảnh: Hoàng Anh)


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 20.

7/12/2016, Việt Nam gặp Indonesia trong trận bán kết lượt về AFF Cup. Khi lễ chào cờ của đội tuyển được cất lên, Công Vinh đã khóc. Đôi khi nước mắt là nét đẹp mà cũng là mặt trái, nó khiến trái tim anh quá nóng mà cái đầu anh không đủ lạnh để kết liễu đối thủ. Hôm đó, Công Vinh đã ngã xuống theo cách ấy.

Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 21.

Những giọt nước mắt đã rơi trong lễ Chào cờ tại đêm bán kết lượt về AFF Cup 2016. (Ảnh: Lê Thương)

Cuốn phim dừng lại trong thất bại quả cảm của đội tuyển Việt Nam, Công Vinh vẫy tay chào tất cả. Cho đến ngày cuối cùng khoác lên mình chiếc áo Việt Nam, bất chấp 12 năm cống hiến, yêu-ghét vẫn xuất hiện bên anh ngày từ giã.

Yêu – ghét ấy có biết khoảng trống mà anh để lại? Không chỉ một người đội trưởng có chuyên môn, một tiền đạo toàn diện, mà còn ở bài học anh dạy cho thế hệ sau: có thể xuất phát điểm không bằng người khác, nhưng cứ yêu và cống hiến, rời xa những tiêu cực, nỗ lực trên sân cỏ, sống chuyên nghiệp, thì một ngày bạn sẽ được đền đáp.


Lê Công Vinh: Sống giữa lằn ranh yêu và ghét - Ảnh 22.

img
img
img
img
img
img
img
img
img
img
img

Dũng Phan
 Hoàng Anh
, Lê Thương
Tố Linh
Theo Trí Thức Trẻ9/12/2016