Làm việc đến chết - mặt tối đáng sợ của một xã hội kỷ luật tại Nhật Bản

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 12:59 02/11/2017

Một xã hội giàu tính kỷ luật, một đội ngũ lao động chăm chỉ, sẵn sàng làm việc đến kiệt sức. Và đó là lúc karoshi - mặt tối đáng sợ của xã hội hiện ra. Nó mang nghĩa "làm việc đến chết".

Nhật Bản đã quá nổi tiếng trên thế giới vì tính kỷ luật cực cao. Lao động Nhật Bản được xem hiện thân của nguyên tắc, của sự chăm chỉ, và điều đó đã đưa xứ sở Mặt trời mọc trở thành một thế lực đáng sợ của nền kinh tế thế giới.

Nhưng sự thành công ấy có đi kèm đánh đổi. Bên cạnh một xã hội kỷ luật và khắt khe, Nhật Bản còn là nơi có số giờ làm việc nhiều nhất thế giới. Nếu như 40h - 48h/tuần là số giờ lao động trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới, thì việc người Nhật làm đến 80h/tuần là chuyện rất phổ biến. Thậm chí, họ chẳng có ngày nghỉ.

Hệ quả của của một xã hội quá khắc nghiệt chính là bức hình dưới đây.

Làm việc đến chết - mặt tối đáng sợ của một xã hội kỷ luật tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Năm 2012 là lần đầu tiên nữ nhiếp ảnh gia tên Allegra Pacheco đến Nhật Bản. Cô đã giật mình chứng kiến cảnh tượng những nhân viên "cổ cồn trắng" (white collar labor - tên gọi dành cho giới văn phòng) nằm vật vã ngay trên đường phố. 

Chẳng phải bị tai nạn hay bị ai đánh, chỉ là họ quá mệt mỏi, đến mức bất tỉnh ngay trên đường về nhà. 

Karoshi (過労死) - Làm việc đến chết

Kênh truyền hình NHK từ Nhật Bản mới đây đã chính thức thừa nhận cái chết của Miwa Sado - một nữ phóng viên của kênh vào năm 2013.

Sau khi trải qua 159h làm thêm liên tục trong tháng và chỉ có 2 ngày nghỉ, Sado bị truỵ tim vào tháng 7/2013. Lý do "làm việc quá sức" được bộ Lao động Nhật Bản phát hiện vào năm 2014, nhưng họ không công bố điều đó.

Làm việc đến chết - mặt tối đáng sợ của một xã hội kỷ luật tại Nhật Bản - Ảnh 2.

Sado chỉ là một trong hàng chục ngàn trường hợp đang phải chịu đau khổ vì tình trạng làm việc quá mức tại Nhật. Thậm chí, còn có cả một tên gọi riêng dành cho tình trạng này: Karoshi - có nghĩa là "làm việc quá mức trong thời gian dài". Nhưng có lẽ, từ này mang nghĩa "làm việc đến chết" thì đúng hơn.

Trong một thống kê từ chính phủ Nhật Bản vào năm 2016, hiện tại gần 1/4 lao động Nhật Bản đang có số giờ làm thêm trên gần 100h/tháng. Họ có 20 ngày phép mỗi năm, nhưng 35% không nghỉ phép. 

Và cứ 5 người thì 1 đang có nguy cơ tử vong do làm việc quá nhiều - có thể vì trụy tim, đột quỵ, hoặc trầm cảm dẫn đến tự sát.

Làm việc đến chết - mặt tối đáng sợ của một xã hội kỷ luật tại Nhật Bản - Ảnh 3.

Theo Thomas Looser - tiến sĩ văn hóa Nhật Bản tại ĐH New York (Mỹ), thuật ngữ Karoshi được đưa vào từ điển "những từ ngữ kinh khủng nhất thế giới" vào năm 2013. Tuy nhiên, văn hóa làm việc "quần quật" này xuất phát từ sau Thế chiến II - khi Nhật Bản chuyển từ quốc gia quân sự sang mục tiêu phục hồi nền kinh tế.

"Sự chuyển đổi ấy đã truyền bá một tư tưởng khác biệt cho người Nhật. Lúc này, công ty là gia đình, và bạn phải làm mọi thứ để gia đình phát triển" - Looser cho biết.

Giải pháp ấy có hiệu quả. Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn gọi là "kỳ tích kinh tế" - Economic Miracle, trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ vào đầu thập niên 90. Chỉ có điều, cùng với đó là tình trạng karoshi tăng không thể kiểm soát.

Làm việc đến chết - mặt tối đáng sợ của một xã hội kỷ luật tại Nhật Bản - Ảnh 4.

Văn hóa làm việc quá khó để thay đổi

Karoshi vốn đã trở thành một vấn nạn trong xã hội Nhật Bản ngay từ thập niên 80 - thời kỳ chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ của nền kinh tế nước này. Nó khiến tất cả phải đặt câu hỏi: Ý nghĩa của sự thành công này là gì? Một xã hội sánh ngang với cường quốc phương Tây, đổi lại một cuộc sống mà chẳng ai muốn tiếp tục.

Ngay cả giai đoạn sau năm 1990, khi nền kinh tế Nhật Bản hứng chịu một cuộc đại suy thoái, văn hóa làm thêm giờ vẫn tiếp tục gia tăng kể cả khi không đem lại hiệu quả. Thậm chí, nó còn trở thành một vấn đề đáng sợ, khi lao động còn làm việc với cường độ nhiều hơn thế. 

Họ làm việc nhiều hơn, nhưng tần suất nhảy việc buộc phải ngắn lại. "Những người mới đi làm cần ít nhất 3 năm làm việc cho một công ty trước khi thay đổi. Nếu nghỉ sớm hơn, bạn không thể tìm được việc mới đâu." - Haruki Knonno, chuyên gia văn hóa Nhật Bản cho biết.

Làm việc đến chết - mặt tối đáng sợ của một xã hội kỷ luật tại Nhật Bản - Ảnh 5.

Điều kiện làm việc thay đổi, nhưng tư tưởng cũ vẫn còn. Bạn phải cống hiến cả tinh thần và thể xác, trong khi mục đích không còn như trước. Thậm chí bi kịch hơn, một nghiên cứu còn cho thấy năng suất lao động mỗi giờ của người Nhật chỉ bằng một nửa so với người Mỹ. Điều này có nghĩa, số giờ làm thêm ấy gần như là vô nghĩa vì đóng góp rất ít cho nền kinh tế.

Làm việc đến kiệt sức mà hiệu quả không cao, sự căng thẳng lan truyền trong cộng đồng, và họ tìm đến rượu. Dân văn phòng tìm đến các quán bar, uống rất nhiều, bất tỉnh nhân sự bên vệ đường, rồi sáng hôm sau chạy đi mua một cái áo mới để đến công sở làm việc.

Tình trạng người trẻ chết vì làm việc quá tải đang khiến xã hội Nhật Bản thực sự cảm thấy phẫn nộ. Nhiều người cho rằng, văn hóa làm việc như vậy đang góp phần giết chết những lao động mà đáng ra họ phải được coi trọng. Quá bóc lột, quá áp lực - đó là những gì người trẻ đang phải chịu đựng.

Làm việc đến chết - mặt tối đáng sợ của một xã hội kỷ luật tại Nhật Bản - Ảnh 6.

Năm 2015, Matsuri Takahashi, nhân viên công ti quảng cáo nổi tiếng Dentsu đã tự gieo mình từ cửa sổ công ty. Nguyên nhân tự sát gói gọn trong cụm từ: Karoshi.

Dentsu sau đó bị các nhà chức trách sờ gáy, và phải chịu một khoản tiền phạt vì vi phạm luật lao động. Số tiền chỉ vỏn vẹn... $5.000 - hơn 100 triệu đồng cho một mạng người.

Trước nhiều sức ép thì đầu năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã đề xuất chính sách giảm số giờ làm thêm trong tháng xuống còn 60h. Tuy nhiên, chính sách có lồng thêm điều kiện "được phép làm đến 100h trong thời kỳ cao điểm", và điều này đang khiến dư luận Nhật Bản cảm thấy "như bị phản bội" - Koji Morioka, nhà nghiên cứu về karoshi trong 30 năm cho biết.

"Chính phủ đang ưu ái doanh nghiệp quá mức." - Morioka thẳng thắn chia sẻ. 

Nguồn: Forbes, Now This Original