Làm thế nào để duy trì cuộc sống với bạn cùng phòng trong năm học này?

Đại Tếu, Theo Trí Thức Trẻ 07:02 04/11/2017

Đôi khi sự trái chiều về tính cách lại là một lợi thế. Nên bạn cũng đừng quá lo lắng và hãy xem xét các điểm tích cực của vấn đề.

Bắt đầu cuộc sống chung phòng như thế nào?

Một năm học mới đi kèm với một hoàn cảnh sống mới - nếu bạn là sinh viên năm nhất, đây có thể là lần đầu tiên bạn chia sẻ không gian với người khác. Thậm chí nếu bạn ở kí túc xá bạn có thể chia sẻ phòng ở và phòng tắm với nhiều người hơn nữa. Dù là thế nào thì tốt nhất chúng ta cũng nên thiết lập những quy tắc cơ bản với bạn cùng phòng để đảm rằng mọi người vẫn vui vẻ và có cuộc sống ở chung hòa bình.

Làm thế nào để duy trì cuộc sống với bạn cùng phòng trong năm học này? - Ảnh 1.

Bạn có thể đưa ra quy tắc chung cho bản thân và bạn cùng phòng về một số vấn đề như: dọn dẹp phòng, công việc chung hay việc không đưa nam sinh/nữ sinh về phòng khi mọi người có lịch thi cử hoặc ở lại quá khuya...

Cuộc sống chung một phòng khiến bạn không có cơ hội được đóng cửa phòng hay có một không gian không ai đụng tới được. Vậy nên, hãy đảm bảo bạn và bạn cùng phòng có ranh giới riêng. Chẳng hạn, nếu bạn cùng phòng cần yên tĩnh học tập, bạn muốn nghe nhạc thì hãy chịu khó đeo tai nghe. Ngược lại, yêu cầu bạn ấy không đụng vào một số đồ dùng cá nhân của bạn, nếu bạn cảm thấy khó chịu về điều này!

Giao tiếp

Đây là vấn đề "sống còn" để có thể duy trì trạng thái ở chung lâu dài. Hầu hết những rắc rối nảy sinh giữa những người cùng phòng đều xuất phát từ việc thiếu sự giao tiếp và không thẳng thắn với nhau. Có những điều khó chịu, những điều chưa hợp lý trong khoảng thời gian sống chung, thường các bạn không thẳng thắn đối thoại cùng nhau để tìm ra giải pháp mà luôn ấm ức, hoặc nói xấu với "người thứ 3".

Làm thế nào để duy trì cuộc sống với bạn cùng phòng trong năm học này? - Ảnh 2.

Điều này, không những chẳng giải quyết được vấn đề mà còn khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn thậm chí làm mất tình bạn. Hãy trực tiếp trao đổi với bạn cùng phòng về vấn đề mà cả hai đang gặp phải để có thể cải thiện tình hình. Thẳng thắn, lắng nghe và chia sẻ luôn là phương châm đúng để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài!

Phải làm gì khi có vấn đề phát sinh?

1. Nói chuyện

Bạn cùng phòng của bạn có thể không nhận thức được vấn đề và cảm thấy nó chẳng sao cả. Do đó, cách tốt nhất là nếu có điều gì đó làm hai người cảm thấy khó chịu, hay không hài lòng về nhau - hãy ngồi xuống và nói chuyện thay vì để trong lòng và ấm ức.

2. Tập trung vào hành vi chứ không phải tính cách

Quả thật là khó và vô lý nếu bạn yêu cầu một người thay đổi tính cách, những thứ vốn dĩ thuộc về họ từ rất lâu. Nhưng bạn có thể yêu cầu họ thay đổi cách thể hiện, hoặc thay đổi một vài hành động ảnh hưởng đến cuộc sống ở chung. Giống như, bạn không thể yêu cầu một người hoạt ngôn, thích nói nhiều im lặng, nhưng bạn có thể đề nghị họ không nói chuyện nhiều khi bạn đang học.

3. Luôn linh hoạt

Việc ở chung có vấn đề dù ít dù nhiều đều không phải lỗi của ai hoàn toàn, và nó cũng cho chúng ta nhìn nhận rõ vấn đề: không ai là hoàn hảo cả. Bởi vậy, bạn cũng nên nhìn vào những hành vi của bản thân và xem mình có thể thay đổi gì để cải thiện tình hình thay vì chỉ chăm chăm đổ lỗi cho bạn cùng phòng.

4. Xem xét các điểm tích cực

Chúng ta thường bị thu hút bởi những người khác mình vì chúng đại diện cho những tính cách mà chúng ta muốn sở hữu. Nếu bạn nhút nhát, sống cùng một người hay nói hay cười và quảng giao sẽ giúp bạn thoát ra khỏi vỏ bọc của mình. Đôi khi sự trái chiều về tính cách lại là một lợi thế. Nên bạn cũng đừng quá lo lắng và hãy xem xét các điểm tích cực của vấn đề.