Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ?

Minh Lộc - Design: Minh Trang, Theo Helino 14:13 29/11/2019

Ngay cả khi bạn cảm thấy việc kết bạn không khó lắm như đa số mọi người, thì với hầu hết việc có những người bạn thực sự thân thiết vẫn là điều không đơn giản. Đây là cách để việc đó dễ dàng hơn.

Giống như nhiều người, tôi lớn lên cùng những bộ phim truyền hình như "Friends", mơ rằng một ngày mình cũng sẽ sống trong thành phố mỹ lệ, bao quanh bởi những người bạn thân thiết. Trong suốt những năm qua, tôi đã có rất nhiều bạn bè: bạn từ thời ấu thơ, bạn học hay những bạn đồng nghiệp. Bạn của tôi có người thì thích đi cà phê để tâm sự nhưng cũng có những người ở rất xa mà mỗi năm chúng tôi chỉ trò chuyện đôi ba lần.

Nhưng về bạn thân? "Những người bạn" ở mức độ như trong bộ phim "Người bạn" (Friends)? Kiểu bạn mà "Tôi có thể kể bạn bất kì điều gì và luôn tin tưởng ở bạn"? Không nhiều lắm. Một người bạn thời thơ ấu từng có những bất đồng với tôi và chúng tôi đến giờ vẫn cách xa. Một người bạn thân khác thì chuyển đi.

Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ? - Ảnh 1.

Trong một nhóm những người trưởng thành, bạn chắc hẳn thường nghe điều này: Thật khó để kết bạn khi là người lớn. Và nếu, dù có vì lí do gì bạn không thể giữ liên lạc với những người bạn thời thơ ấu hay bạn học, rất có thể kết cục là ở những năm 30 (hoặc là 40, 50 tuổi) bạn sẽ quen rất nhiều người nhưng lại gần gũi với rất ít người trong đó.

Liệu chúng ta có cần những người bạn thân?

Khi mà bạn quá tải bởi công việc sau một ngày dài, tìm ra động lực để đi ăn với người bạn thay vì thả mình trên xofa, xem Netflix và ăn pizza thật khó khăn. Thế nên, càng ngày chúng ta càng nhận thấy nhiều hơn những lời chia sẻ: Tìm một người bạn thật khó, thật cô đơn, thật lạc lõng khi ta càng ngày càng trưởng thành, và số lượng bạn bè thân thiết xung quanh lại chẳng có là bao. Nhiều người trưởng thành xung quanh tôi còn thấy quen và thoải mái hơn với việc đó, chỉ tận hưởng cuộc sống một mình và rút ngắn tối đa sự hiện diện của bạn bè. 

Việc chúng ta sàng lọc vòng tròn bạn bè khi lớn là một điều hiển nhiên cần thiết. Tuy nhiên, việc chúng ta không có một người bạn thân, hoặc không muốn kết giao thân thiết với ai đó - lại là một việc cần phải suy nghĩ lại. Những kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: Những người bạn thân rất cần thiết cho sức khoẻ và trạng thái tinh thần của bạn.

"Chúng ta là những sinh vật xã hội và có tính cộng đồng," theo Serena Chen, một Giáo sư tâm lý tại Đại học California. "Khi chúng ta gần gũi với một ai đó, chúng ta có thể nhận được những lợi ích tích cực về tinh thần cũng như trong cơ thể, trí óc và tim mạch."

Tiến sĩ Amir Levine, một bác sĩ tâm thần học và thần kinh học, tác giả của cuốn sách nổi tiếng về sự gắn kết và các mối quan hệ xã hội Attached đã nghiên cứu con người và các động vật nhằm tìm hiểu về sự kết nối cộng đồng. "Các kết nối xã hội là cách thức mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể kiểm soát mức độ căng thẳng của mình. Nếu bạn đang chịu áp lực, gần gũi với ai đó mà bản thân bạn cảm thấy an toàn chính là cách tốt nhất để bình tĩnh lại."

Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ? - Ảnh 2.

Sự gần gũi chính xác nghĩa là gì?

Nếu bạn nhìn vào văn hoá đương đại để hiểu về tình bạn thân thiết, bạn sẽ nhanh chóng lạc trong những so sánh mĩ miều: đó là người bạn sẽ đỡ hộ bạn một viên đạn, người mà bạn có thể gọi vào nửa đêm và họ vẫn sẽ ở đó chờ bạn dù cho có bất tiện ra sao, là người bạn có thể chia sẻ tất cả mọi thứ.

Mặc dù vậy, tình bạn thân thiết (bất ngờ thay) lại không cần phải "hoành tráng" đến thế. "Điểm mấu chốt với tình bạn thân thiết là sự gần gũi và một phần quan trọng của sự gần gũi ấy chính là việc bạn có thể luôn là bạn, cũng như có thể được nhìn nhận và thấu hiểu bởi người còn lại." Tiến sĩ Chen cũng bổ sung: "Khi mà người gần gũi với chúng ta không thực sự "hiểu" ta, sự gần gũi sẽ dần biến mất."

Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ? - Ảnh 3.

Sự trao và nhận tình cảm cũng là một yếu tố quan trọng để tạo ra sự gần gũi. Tiến sĩ Chen giải thích tại sao những người bạn biết trên Facebook hay Instagram thường không được tính như bạn thân: "Khi bạn đăng tải một cái gì đó lên Facebook và mọi người cho ta thấy sự ủng hộ bằng những bình luận tốt đẹp và động viên, điều đó đúng là làm ta cảm thấy rất tuyệt nhưng nó chưa hẳn đã tạo ra sự gần gũi vì không có sự trao và nhận trong đấy." 

Một phần quan trọng của sự gần gũi chính là cả hai đều cần cảm thấy được nhìn nhận và thấu hiểu bởi người còn lại.

Nếu việc gần gũi với ai đó có lợi như thế, đáng ra nó phải xảy ra một cách tự nhiên nhỉ?

Nếu tình bạn thân thiết thực sự ảnh hưởng tới sự hạnh phúc của con người, đáng lẽ ta phải bẩm sinh tài giỏi trong việc tạo ra những mối quan hệ như thế. Nhưng hoá ra điều ngược lại cũng đúng: những người bạn thân rất quan trọng với chúng ta bởi vì chính những tình bạn ấy lại rất khó để hình thành.

Theo Jon Cacioppo, một nhà thần kinh học với chuyên ngành là nghiên cứu về sự cô đơn (ông mất vào năm 2018), con người đã tiến hoá tới một định kiến bẩm sinh về việc dễ dàng kết bạn bởi việc tránh né một kẻ thù sẽ luôn quan trọng hơn là tìm kiếm một người bạn mới. "Nếu tôi mắc lỗi và trót nhận định một người là kẻ thù mà hoá ra là một người bạn, việc đó không sao cả, tôi sẽ không sớm có bạn mới nhưng tôi vẫn sẽ sống sót. Nhưng nếu tôi nhầm lẫn nhận định một người là bạn mà hoá ra là đó là một kẻ thù, tôi có thể phải trả giá bằng cả cuộc đời mình. Qua quá trình tiến hoá, chúng ta đã được định hình trong tư tưởng để duy trì thành kiến này," ông chia sẻ trong một bài phỏng vấn với tờ The Atlantic năm 2017.

Trong thế giới hiện đại, câu chuyện này còn có nhiều sắc thái hơn. "Đã có những tranh cãi trường kì xoay quanh tính chất cộng đồng xã hội về việc liệu con người muốn cái gì hơn: được ghi nhận hay được biết tới," Giáo sư Chen cho biết. Cô lý giải rằng sự ngưỡng mộ luôn đi cùng nhiều bổng lộc khác: nó làm bạn cảm thấy thật tuyệt, mang lại lợi ích xã hội như địa vị hay những phần thưởng về tiền bạc. Nhưng việc được ngưỡng mộ và nhìn nhận bởi cộng đồng thường không giống như cách ta vẫn hay nghĩ về bản thân mình - không tự tin và thành công như những người khác nghĩ - điều này có thể khiến ta cảm thấy được thấu hiểu và gần gũi với những người xung quanh, thứ có thể xem là một nhầm lẫn tai hại.

Về phương diện văn hoá, chúng ta ngày càng tập trung vào thành công trong sự nghiệp, những cột mốc trong kinh tế và những dấu mốc ở khía cạnh gia đình thay vì việc kết nối của bản thân với những người khác. Sue Johnson, một trong những nhà tâm lý hàng đầu trong ngành nghiên cứu về sự kết nối của con người chỉ ra khi ai đó đặt ra những mục tiêu cho cuộc đời mình, hiếm khi họ coi việc có một người bạn thân là một mục tiêu nghiêm túc.

Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ? - Ảnh 4.

"Khi nói đến bạn bè, chúng ta thường đặt số lượng lên trên chất lượng, vậy nên nó sẽ trở thành câu hỏi có bao nhiêu người đến dự sinh nhật bạn. Trong khi, câu hỏi thật sự nên là liệu bạn có thể thật sự mở lòng, chân thành với bao nhiêu người trong đó. Liệu bạn có thể cảm thông và chia sẻ với họ nếu họ tìm đến bạn?"

5 cách để tình bạn trở nên thân thiết hơn

Nếu bạn muốn một tình bạn thân thiết hơn, bước đầu tiên là sự khẳng định nội tâm rằng bạn sẽ cần phải hành động vì nó. "Chúng ta nghĩ về những mối quan hệ như là thứ xảy đến với ta, nhưng sự thật là chính chúng ta quyết định cách mà nó xảy đến (hoặc không)," theo Tiến sĩ Johnson. Để thân thiết hơn với người bạn hiện tại đòi hỏi thêm thời gian và sự chủ động.

Nếu bạn đã thực sự muốn có một người bạn thân, dưới đây là năm cách bạn có thể thử.

1. Tạo ra cơ sở cho sự an toàn

Trước khi có thể trở nên thân thiết, chúng ta cần cảm thấy an toàn. Thông qua những nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Levine đã xác định năm yếu tố cốt lõi tạo ra cảm giác an toàn trong một mối quan hệ - nguyên tắc CARRP:

● (Consistency) Sự liên tục: Liệu người bạn này có liên tục xuất hiện trong cuộc đời tôi trong một khoảng thời gian dài?

● (Availability) Sự hiện hữu: Liệu người bạn này có thể dành bao nhiêu thời gian đồng hành cùng tôi khi cần?

● (Reliability) Sự tin cậy: Liệu tôi có thể trông cậy vào họ khi tôi cần giúp đỡ?

● (Responsiveness) Sự phản hồi: Họ có phản hồi tin nhắn của tôi không? Tôi có liên tục nghe về họ trong một thời gian dài?

● (Predictability) Sự đoán định: Liệu tôi có thể luôn đoán được họ sẽ hành động như thế nào?

Một khi năm yếu tố này đều đã có đủ, nó sẽ mở đường cho một mối quan hệ gắn bó hơn. "Từ quan điểm của sự gắn bó, một khi chúng ta cảm thấy an toàn, chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy vui vẻ và sẵn sàng để khám phá hơn, điều sẽ giúp ta trong công việc, trong chuyện nuôi dạy bọn trẻ, về cơ bản là trong mọi khía cạnh của cuộc sống."

Điều này không có nghĩa rằng bạn luôn phải trả lời tin nhắn ngay lập tức, nhưng nó đồng nghĩa với việc bạn cần tạo ra một giới hạn cho sự phản hồi và hiện hữu để người bạn luôn có thể cảm thấy an toàn trong mối quan hệ. Cũng thế, nếu bạn có một người bạn không đáng tin cậy hoặc không hay phản hồi, bạn cũng có thể xem liệu người bạn này có thể trở nên "CARRP" hơn không. Và nếu không, hãy thử cân nhắc những người khác nếu bạn đang tìm kiếm mối quan hệ thân thiết.

"Chúng ta thường bảo với bản thân rằng chúng ta không nên để tâm nếu ai đó huỷ hẹn hoặc có lúc ta không thể trông cậy vào họ, rằng ta nên nhìn lại và ngưng đòi hỏi quá nhiều nhưng điều đó đồng thời cũng giống như ta đang chống lại bản chất của mình," theo tiến sĩ Levine.

2. Dành sự chú ý đặc biệt

Bước tiếp theo trong việc tạo ra một mối quan hệ thân thiết đơn thuần là mở rộng đôi mắt. Con người có một khả năng độc đáo trong việc đọc cảm xúc chỉ qua những bộc lộ tiểu tiết của người khác.

Sự thân thiết bắt đầu bằng sự chú ý và đồng điệu. Khi bạn hoàn toàn tập trung quan sát ai đó, những cơ mặt của bạn sẽ bắt đầu trở nên tương đồng với họ trong khoảnh khắc. Nếu bạn không toàn tâm chú ý, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nó.

Chính những khoảnh khắc như thế này giúp chúng ta đồng cảm với người khác. Lần tới, khi bạn ở với một người đang chia sẻ về cuộc đời của anh ấy hay cô ấy, Tiến sĩ Johnson khuyên bạn nên nhìn vào mặt người ấy và toàn tâm chú ý. Điều này sẽ tạo ra cảm giác của sự kết nối. "Khi mà những loài động vật có vú đều có cơ chế kết nối bản năng, điều này sẽ làm cho sự lo lắng của ta thuyên giảm".

3. Để bản thân bạn chính là bạn

Nếu bạn muốn được nhìn nhận là chính bạn, bạn phải dừng việc cố gắng để tỏ ra ngầu hay thông minh hơn chính bản thân mà bạn biết. Hãy thừa nhận rằng mình vẫn còn xem "Chúc bé ngủ ngon" hay đôi khi còn ghen tị với những thành tựu của người khác và đôi lúc quên đánh răng trước khi ngủ. Hãy làm những trò con bò, chia sẻ những thứ không-to-tát.

Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ? - Ảnh 5.

"Bạn phải cố gắng để giúp người khác hiểu và chấp nhận bạn, hay nói cách khác là bạn phải hiểu và chấp nhận bản thân đủ để tin rằng bạn có thể khiến cuộc đời ai đó tươi sáng hơn chỉ bằng cách bạn xuất hiện trong đời họ. Bạn chỉ thật sự thân thiết với ai đó khi bạn trở nên chân thành hơn về chính bản thân bạn.

Giúp người khác hiểu và chấp nhận bạn dù nghe có vẻ hơi đáng sợ, nhưng bắt đầu với việc đó lại dễ dàng hơn bạn nghĩ. Tiến sĩ Levine khuyên lần tới bạn ngồi với một người bạn, hãy thử làm cuộc trò chuyện vui vẻ hơn. Khi mà người bạn có vẻ hưởng ứng, hãy phản hồi một cách tích cực bằng cách nói họ biết sự ủng hộ ấy có ý nghĩa như thế nào hay một tính cách tuyệt vời mà người bạn của bạn vừa thể hiện khi đã ủng hộ bạn.

4. Cho người bạn một bài kiểm tra

Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng bạn thân là ai đó ta luôn có thể gọi vào nửa đêm. Nhưng nếu bạn giống như tôi, có một người yêu lãng mạn hay sống gần với gia đình, bạn sẽ nhận ra khi vào những tình huống này bạn sẽ hiếm khi cần gọi một người bạn. Mới đây, khi tôi phải đi tiểu phẫu và chồng tôi thì không thể đi cùng. "Những người bạn của em thì sao?" anh ấy hỏi tôi vào buổi tối trước đó và kể tên một số người bạn khả dĩ. Tôi đã không có một câu trả lời hợp lý cho anh và đi buổi tiểu phẫu ngày hôm sau một mình. Đúng, họ là những người bạn tốt, nhưng có đủ gần gũi để cùng-tiểu-phẫu không?

Khi tôi kể lại tình huống này với Tiến sĩ Levine, lời khuyên của ông rất đơn giản: Hãy thử cho họ một bài kiểm tra. "Thử xin trợ giúp ngay cả khi bạn không cần đến thế để khi bạn thực sự cần họ, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn để liên hệ."

Ông khuyên rằng lần tới tôi có một vấn đề - một tình huống khó xử trong công việc hay khi cần phối hợp tổ chức một buổi tiệc sinh nhật, tôi nên thử trông cậy vào một người bạn. Đây chỉ là cách kiểm tra ít rủi ro để xem người bạn ấy đáng tin cậy đến đâu, nhưng đồng thời nó cũng xây dựng sự thân thiết. "Khi chúng ta cho ai đó một cơ hội để có mặt vì ta, điều này cũng đang tạo ra một cơ hội cho sự thân thiết hơn để kết nối."

5. Chấp nhận bản thân sự thân thiết cũng không phải trăm-như-một

Tôi có một câu hỏi chung với tất cả những người tôi phỏng vấn cho bài viết này: "Chúng ta cần thân thiết đến đâu?" Mỗi người cho tôi một câu trả lời khác nhau, mà tất cả cùng dẫn đến một nhận định chung: nó không đơn giản như bản thân câu hỏi.

Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ? - Ảnh 6.

Tiến sĩ Chen cho rằng có sự khác biệt giữa từng người với nhau, một số cần hàng tá sự kết nối trong khi một số lại chỉ cần hai hay ba mối quan hệ, nhưng ta đều cần sự thân thiết với những người khác. Tiến sĩ Johnson nhấn mạnh rằng việc xây dựng sự gần gũi trong tình cảm chắc chắn vẫn quan trọng hơn là trong tình bạn. Tiến sĩ Miller bổ sung rằng nó cần phải là đúng người. Ông cũng khẳng định rằng việc có thể hoàn toàn phó thác vào ai đó hay luôn có thể gọi họ vào tình huống khẩn cấp cũng chỉ là một trong những kiểu của bạn bè thân thiết, nhưng đó không hẳn là kiểu quan trọng duy nhất.

Điều mà tất cả những chuyên gia này đều đồng ý là: Sự thân thiết với những người khác, dù nó là một người bạn, một thành viên gia đình hay đồng nghiệp - là một trong những sự cốt lõi để trở nên hạnh phúc, khoẻ mạnh và bình tâm hơn.

Làm thế nào để có bạn thân và tại sao chúng ta lại cần họ? - Ảnh 7.

----

Lược dịch từ bài gốc: How to Have Closer Friendships (and Why You Need Them) - New York Times