Làm sao để chúng ta có thể yêu say đắm, yêu lãng mạn, yêu thăng hoa mà không giận hờn, cũng chẳng buồn đau?

Biệt Đội Tình Yêu, Theo Trí Thức Trẻ 11:50 14/02/2017

Bạn có hiểu thế nào là một tình yêu trí tuệ, theo đúng cách Phật dạy hay không?

Valentine - ngày của những người yêu nhau. Hoa, Sô cô la, và những lời có cánh sẽ bay ra khắp không trung. Người ta nói rất nhiều về tình yêu trong ngày này. Mỗi người yêu theo một cách, nhưng tựu chung thì yêu luôn gồm cả đau khổ và hạnh phúc. 

Và bạn đã bao giờ nghe nói về một cách yêu theo kiểu triết lý? Tin tôi đi, cách yêu này chắc chắn sẽ làm cả bạn và người ấy luôn hạnh phúc.

Tình yêu, cãi vã và những ràng buộc vô hình

Khi đã ràng buộc nhau bởi cái mác "người yêu" và sẵn sàng lấy dây buộc mình vào thứ tình cảm này, nhiều người thường có suy nghĩ mình nên được "nhận" nhiều hơn "cho". Nói một cách cụ thể, họ luôn đặt ra những tiêu chuẩn và mong đợi rằng người kia, bằng 1 hay nhiều cách nào đó, phải đáp ứng cho mình. Và khi nửa kia không thể làm theo ý họ muốn, họ sẽ dần cuốn vào vòng luẩn quẩn: buồn bã, cãi nhau, giận nhau rồi lại yêu nhau. Có đôi lúc họ sẽ thấy, yêu thật hạnh phúc nhưng đôi khi, họ lại tự hỏi yêu sao khổ đau nhiều đến thế?

Trong cuộc sống đầy sự phức tạp này, tình yêu nên là thứ đơn giản nhất. Tại sao ta không thể yêu say đắm, yêu lãng mạn, yêu thăng hoa, yêu không giận hờn, buồn đau? Hay nói cách khác, yêu mà chỉ có "sướng" chứ không có "khổ"? Lý do rất đơn giản. Đó là bởi chúng ta chưa biết cách chấp nhận đối phương.

Làm sao để chúng ta có thể yêu say đắm, yêu lãng mạn, yêu thăng hoa mà không giận hờn, cũng chẳng buồn đau? - Ảnh 1.

Gạt bỏ ích kỷ để chấp nhận tình yêu

Người ta thường nói rằng "Yêu một người là chấp nhận họ hoàn toàn, như họ chính là.".

Trước tiên, bạn cần biết rằng bắt người yêu sống theo ý mình muốn, chỉ đơn thuần là mang lại sự dễ chịu cho chính bản thân bạn. Người yêu cũng là một thực thể riêng biệt, họ không có trách nhiệm phải sống và hành động đúng như những tiêu chuẩn bạn đặt ra. Việc bắt ép người yêu đi theo hình mẫu do bạn tự tạo ra chính là ngọn nguồn của cãi vã và thậm chí là chia tay. Mặt khác, đó cũng chính là cách bạn đang thể hiện mặt ích kỷ của bản thân.

Giả dụ khi thấy người yêu làm trái ý mình, bạn đã thấy giận, thấy bớt yêu đi nhiều phần. Hay như khi đi với nhau, ngồi bên nhau thì phải nói chuyện, yêu mình rồi thì không được khen người khác. Tất cả những hành động ấy như đang ngầm tuyên bố rằng: bạn chỉ yêu chính mình mà thôi.

Làm sao để chúng ta có thể yêu say đắm, yêu lãng mạn, yêu thăng hoa mà không giận hờn, cũng chẳng buồn đau? - Ảnh 2.

Khi bạn và người ấy đang yêu nhau theo cách này nghĩa là các bạn đang trói buộc nhau sống theo cái khuôn của mỗi người. Nếu may mắn hai cái khuôn có phần trùng nhau thì tỉ lệ cãi vã sẽ thấp. Ngược lại, nếu hai cái khuôn quá khác biệt thì tất nhiên, việc cãi nhau cũng xảy ra như cơm bữa. Và rồi, bạn lại phải tối ngày thở dài cùng cái triết lý "yêu nhau lắm, cắn nhau đau".

Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng: đó không phải là yêu đâu. Đó chỉ đơn giản là hai nhu cầu, hai cái khuôn khác nhau đang cắn nhau đó. Mỗi chúng ta đều là những cá thể riêng biệt. Chúng ta có thế giới riêng, một khoảng trời riêng, nơi tâm hồn được phép bay bổng. Nếu bạn cho phép bản thân được sống theo ý mình muốn thì cũng nên để người yêu sống như vậy. Đừng bắt thế giới của người khác phải diễn ra theo kiểu của mình, hay tự cho mình là duy nhất, là tất cả với thế giới của họ.

Tình yêu và sự tôn trọng

Tôn trọng là một trong những chìa khoá của mọi mối quan hệ, dù là tình bạn hay tình yêu. Khi đã học cách chấp nhận bản chất của người ấy, thì việc tiếp theo, bạn hãy học cách tôn trọng họ. Tôn trọng cái tôi, tôn trọng cuộc sống và tôn trọng cuộc sống của họ. Bạn muốn tự do, không bị người yêu quản lý, bắt ép hay đòi hỏi thì ngược lại, người ấy cũng vậy. Hãy để người mình yêu được tự do, theo cách của họ. 

Thỉnh thoảng, hãy để người mình yêu được tự do trong thế giới của anh hay cô ấy, hãy tôn trọng khoảng trời riêng tư đó, để rồi bạn sẽ thấy cả mình và người yêu thật mới mẻ sau những phút riêng tư.

Làm sao để chúng ta có thể yêu say đắm, yêu lãng mạn, yêu thăng hoa mà không giận hờn, cũng chẳng buồn đau? - Ảnh 3.

Tình yêu và sự ỷ lại

Có người yêu rất vui, điều này tôi đồng ý. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là thiếu vắng người yêu, bạn sẽ biến thành chiếc lá khô héo hắt trên đường. Đừng quá ỷ lại vào sự tồn tại của người yêu. Bạn cần vạch rõ quan điểm với họ rằng: bạn yêu và cảm thấy hạnh phúc khi ở bên họ, nhưng khi không có họ, bạn vẫn có thể vui vẻ. Giữa hai người, không hề có sự ràng buộc, chỉ có những "thoả thuận" mà cả hai cùng tôn trọng. Ai cũng có thể phá vỡ thoả thuận bất cứ lúc nào mình muốn, chỉ cần thông báo cho người kia.

Ngoài ra, bạn cũng nên tự xác định với bản thân rằng tình yêu là không thể nắm giữ hay ép buộc trái tim người kia phải đập theo nhịp mình muốn. Dù ngày mai, trái tim người kia có đập theo nhịp khác thì bạn vẫn tự do như ngày hôm nay, chứ không hề thay đổi. Đừng cho rằng khi không ở bên họ, bạn sẽ mất đi hạnh phúc. Thứ suy nghĩ hạn hẹp này chỉ khiến bạn trở thành cây tầm gửi trong mắt người kia. Và rồi, bạn sẽ phát điên khi thiếu vắng họ. Sự quản lý, trói buộc cũng theo đó mà hình thành.

Làm sao để chúng ta có thể yêu say đắm, yêu lãng mạn, yêu thăng hoa mà không giận hờn, cũng chẳng buồn đau? - Ảnh 4.

Tạm kết

Khi bạn biết yêu chính mình, khi bạn có sự tự tin và đầy đủ tình yêu bên trong mình, bạn sẽ biết thế nào là yêu một cách "tự do và lí trí".  Bạn sẽ được nếm trải hương vị mới của tình yêu, như một món ăn hảo hạng hay ly rượu thơm nồng. Mọi thứ sẽ luôn đổi thay, theo hướng tích cực. Người yêu bạn trở nên tươi mới mỗi ngày, mỗi ngày bạn lại khám phá ở họ và chính mình sự mới mẻ, hài lòng và trân trọng những giây phút bên nhau.

Đó, mới thực sự là cách yêu của một người trưởng thành.

Vậy, bạn có muốn yêu theo cách đó không?