Lại đây để người Hàn dạy bạn cách "khẩu nghiệp" thật quý tộc bằng tên món ăn

Trà My, Theo Trí Thức Trẻ 13:48 28/07/2019

Không hổ danh là đất nước yêu ăn uống số một thế giới, khi muốn "cà khịa" ai đó, người Hàn cũng liên hệ với các món ăn.

Sở hữu những tập đoàn công nghệ lớn nhất nhì thế giới, nhưng Hàn Quốc không phải một quốc gia hoàn toàn hiện đại hoá. Ẩn dưới dáng vẻ hiện đại ấy, người Hàn vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho học truyền thống, khiến họ để ý từng lời ăn tiếng nói, từ kính ngữ đến cách… "mỉa mai" lẫn nhau.

Bạn sẽ hiếm thấy người Hàn "sát phạt" nhau thẳng mặt, mà họ có cả một hệ thống thành ngữ "khẩu nghiệp" hết sức văn minh và cực kì "quý-xờ-tộc". Để "khẩu nghiệp" một cách sang chảnh, "mắng mà như không mắng", người Hàn chơi chữ bằng tên món ăn như sau:

Liếm ngoài vỏ dưa hấu (수박겉핥기)

Dưa hấu có vỏ vừa cứng vừa dày, nhưng bên trong lại là lớp thịt dưa ngọt mát. Nếu một người chỉ liếm ngoài vỏ dưa thì làm sao biết được hương vị tuyệt vời bên trong, phải không? Câu thành ngữ này dùng để chỉ những người qua loa, làm việc cho có, không chịu tìm hiểu rốt ráo vấn đề mà đã đưa ra kết luận.

Lại đây để người Hàn dạy bạn cách khẩu nghiệp thật quý tộc bằng tên món ăn - Ảnh 1.

Đối tượng khuyên dùng: Đứa em thích học vẹt ở nhà, đồng nghiệp làm việc ẩu tả, các anh hùng bàn phím, v.v…

Ăn thịt gà, chìa chân vịt (잡아먹고오리발내민다)

잡아먹다 nghĩa là "bắt làm thịt, còn "발 내밀다" nghĩa là chìa ra, đưa ra. Câu này miêu tả kẻ ăn cắp gà của hàng xóm, nhưng khi bị bắt quả tang lại chìa ra cái chân vịt, nói dối là ăn thịt vịt chứ không phải gà. Vì thế, câu này dùng để "xéo xắt" tất cả những chuyện ăn gian nói dối, đổi trắng thay đen.

Lại đây để người Hàn dạy bạn cách khẩu nghiệp thật quý tộc bằng tên món ăn - Ảnh 2.

Đối tượng khuyên dùng: "Tiểu tam" thích thảo mai (như Nhã của Về Nhà Đi Con đấy!), mấy đứa bạn mượn đồ nhưng không trả, bảo tao "lỡ quên rồi". v.v…

Tteok của người khác trông có vẻ to hơn (남의떡이보인다)

Bánh Tteok là bánh dày làm từ bột gạo nếp hoặc gạo tẻ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa của người Hàn. Dù đơn giản, nhưng bánh Tteok có ý nghĩa thiêng liêng vì thường dùng vào dịp Tết để cúng tổ tiên, ông bà. Vì thế, trong mắt người Hàn, bánh Tteok là thứ vừa ngon vừa quý. Thành ngữ "thấy bánh Tteok của người khác to hơn" cũng tương tự như "đứng núi này, trông núi nọ", không biết quý trọng cái mình đang có.

Lại đây để người Hàn dạy bạn cách khẩu nghiệp thật quý tộc bằng tên món ăn - Ảnh 3.

Đối tượng khuyên dùng: Tất tần tật các thể loại hay "GATO", v.v…

Bánh rẻ là bánh bã đậu (비지떡)

Trong hệ thống thành ngữ Hàn Quốc, bánh Tteok xuất hiện rất nhiều với đa dạng sắc thái – và đây là một ví dụ khác của việc dùng bánh Tteok để… "khẩu nghiệp" văn minh. Bản chất bánh Tteok ngon phải làm hoàn toàn từ bột gạo nếp hoặc tẻ loại tốt, chỉ khi không đủ bột, người ta mới động bã đậu vào, bánh lúc này sẽ không được dẻo ngon nữa.

Lại đây để người Hàn dạy bạn cách khẩu nghiệp thật quý tộc bằng tên món ăn - Ảnh 4.

Câu này tương đương "của rẻ là của ôi", hay "tiền nào của nấy" trong tiếng Việt, chỉ những thứ làm sơ sài, qua loa thì không thể nào tốt, đồng thời nhắc nhở mọi thứ đều có giá của nó.

Đối tượng khuyên dùng: Mấy shop bán hàng online đăng ảnh mẫu một đằng, hàng ship một nẻo, những đứa bạn cứ đến mùa sale là mua bất chấp, v.v…

Source (Nguồn): Naver