Quảng Nam: Người phụ nữ "mọc sung" chi chít khắp cơ thể

VTC, Theo 12:31 21/02/2012

Hàng chục năm nay, bà Nghĩa sống trong lo lắng và sự e dè, kì thị của mọi người.

Trong căn nhà cấp 4 xộc xệch ở phố 5, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ, bà Nguyễn Thị Nghĩa (58 tuổi) lo lắng tâm sự: "Sau khi đọc báo thấy trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng ở Bến Tre và chị Nguyễn Thị Ngọc Mai ở Quảng Nam đều biến thành "bà lão" ở cái tuổi 26, 27 cùng với đó là sự ngứa ngáy, nổi đỏ khắp người, tôi lo lắng lắm, nhiều đêm ngủ không yên giấc."


Bà Nguyễn Thị Nghĩa và các khối u cục nổi khắp người.

Và phải thuyết phục thật lâu, bà Nghĩa mới mở lòng, kể về thời thơ ấu nghèo khổ và căn bệnh “quái ác” đeo đuổi bà gần 60 năm nay. Bà Nghĩa tâm sự: "Theo bà nội tôi kể lại, lúc tôi vừa chào đời, trên thân thể xuất hiện nhiều mụn nhỏ li ti. Rồi càng lớn những mụn nhỏ li ti này càng sưng to và lan rộng khắp cơ thể. Tôi được ba mẹ dắt tới các thầy lang, rồi cơ sở y tế địa phương sau này để khám bệnh nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân là bệnh gì. Năm tôi lên 5, cha mẹ mất, tôi được bà nội đem về nuôi. Sau đó, có lần nội dắt tôi ra Đà Nẵng để khám nhưng các bác sĩ không trả lời được bệnh gì và chỉ cấp thuốc cho về uống. Sau đó, các cục u vẫn lớn dần lên cùng với năm tháng."

Trước thái độ ghẻ lạnh, kì thị các bạn đồng trang lứa, cô bé Nghĩa lúc đó buộc phải bỏ học giữa chừng ở nhà phụ giúp bà nội. Bà Nghĩa sụt sùi hoàn cảnh éo le của mình: “Khi mới bắt đầu đi học trường làng, thấy tôi bị bệnh “kì lạ” nên các bạn xa lánh, không dám đến gần vì sợ lây bệnh. Học được vài năm, tôi xin nội cho nghỉ ở nhà trông nhà, giúp nội buôn bán. Lúc đó tôi không dám ra đường. Càng lớn, những khối u mọc to hơn, cứng hơn nhưng không có triệu chứng ngứa ngáy hay khó chịu. Tôi luôn nghĩ đó là “miếng thịt dư” của thân thể mình thôi nhưng không ngờ lại nhiều như vậy.”

Ông Phan Văn Hai luôn trăn trở về một ngày nào đó, căn bệnh quái ác của vợ ông sẽ được chữa lành.

Gần 60 năm mang trong mình căn bệnh quái ác, dị dạng là cũng chừng đó năm bà Nghĩa phải chịu rất nhiều sự kì thị của mọi người. Mới nhìn vào ai cũng “sợ” dung nhan của bà nhưng với ông Phan Văn Hai (chồng bà Nghĩa) thì lại khác. Cảm thông với tình cảnh của bà Nghĩa, ông Hai dành hết tình yêu thương cho bà, chia sẻ buồn vui và hy vọng một ngày nào đó, căn bệnh "kì lạ" của bà Nghĩa được chữa lành. Cứ như vậy, họ có với nhau những đứa con lành lặn, ngoan hiền. Mặc dù vậy, trong lòng ông Hai luôn đau đáu trăn trở mang lại cơ hội chữa lành bệnh cho vợ.

Ông Phan Văn Hai trăn trở nói về bệnh của vợ mình: “Hồi chưa yêu nhau, thấy bà Nghĩa hiền tội lắm, vượt qua biết bao khó khăn, vợ chồng tôi mới đến được với nhau. Cuộc sống đầm ấm, chúng tôi lần lượt có hai cháu trai, các cháu rất ngoan hiền. Như vậy là hạnh phúc nhưng trong sâu thẳm vợ tôi vẫn còn đối mặt với sự kì thị và ký ức tuổi thơ đau buồn do căn bệnh quái ác gây ra. Tôi chỉ mong sao, một ngày nào đó, căn bệnh “kì lạ” của vợ tôi sẽ sớm được tìm ra nguyên nhân và chữa khỏi.”